Mẹ Việt tiết lộ bí kíp giúp con có tuổi thơ không smartphone, mong con mình không thành 'ngoại lệ'
Tin liên quan
11 bí kíp dễ dàng giúp con tránh xa smartphone
Chị Lệ Khánh (Đắk Lắk) là bà mẹ của một cậu con trai gần 3 tuổi. Một bà mẹ trẻ sống trong thời đại của công nghệ nhưng thường xuyên nhận được những câu hỏi liên quan đến con trai như: "Em giỏi vậy, tự xúc ăn, không cần xem điện thoại à? Làm sao cấm con chơi điện thoại được hay vậy? Khi nào thì không cấm con chơi điện thoại nữa?,...
Đối mặt với các câu hỏi này, chị Lệ Khánh không quá bất ngờ bởi chị chưa bao giờ cấm con sử dụng điện thoại. Ngược lại, chị lựa chọn cách không giới thiệu điện thoại với con như là một món đồ chơi bình thường.
Chị chia sẻ: “Con mình biết điện thoại dùng để gọi điện, nhắn tin, chụp hình, quay video và bố mẹ thường xuyên làm việc trên đấy. Thỉnh thoảng con sẽ nói "mẹ chụp hình đi", "mẹ gọi điện cho ông bà đi", nhưng con mình chưa bao giờ đòi điện thoại như một món đồ chơi. Mình nghĩ nếu một đứa trẻ nghiện thiết bị thông minh (tivi, điện thoại, ipad,...) thì đó không phải là lỗi của con, đó là vấn đề của người trực tiếp nuôi dạy con”.
Sống trong thời đại công nghệ, bà mẹ hiểu rõ thực tế có một số quan điểm: Trẻ con bây giờ xem tivi, điện thoại sớm nên thông minh hơn, không cho xem điện thoại, tivi là không chịu ăn đâu, hay giờ bố mẹ nào cũng dùng điện thoại nên con nít đều nghiện điện thoại cả.
Chị Lệ Khánh khẳng định điện thoại là một vật dụng không thể thiếu, vợ chồng chị cũng làm việc trên điện thoại rất nhiều. Con trai của chị sẽ cần được hướng dẫn sử dụng điện thoại như một công cụ hỗ trợ cần thiết, nhưng chưa phải là bây giờ. Nếu bố mẹ chịu khó tìm hiểu thì sẽ biết sử dụng thiết bị thông minh sớm hại nhiều hơn là lợi.
Từ kinh nghiệm thực tế, chị Lệ Khánh tiết lộ 11 bí kíp giúp nuôi dạy một em bé không phụ thuộc thiết bị thông minh:
Thứ nhất, chị Khánh và chồng không mua tivi trong nhà, một phần vì vợ chồng đều không có nhu cầu xem tivi. Do vậy cậu con trai từ nhỏ đến giờ không xem các nội dung trên màn hình tivi. Thay vào đó, chị bố trí một loa lớn kết nối với điện thoại để mở nhạc cho con nghe khi con chơi và một loa nhỏ cắm thẻ nhớ để mở nhạc trước khi đi ngủ, đọc sách tiếng Anh cho con. Gần 3 tuổi nhưng bé trai nhà chị Lệ Khánh đã thuộc rất nhiều bài hát cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt mà không cần lệ thuộc vào việc xem hình ảnh trên màn hình.
Thứ hai, chị Lệ Khánh và chồng không sử dụng điện thoại để giải trí (xem video, chơi game,...) trước mặt con. Các hoạt động có hình ảnh và âm thanh trên điện thoại sẽ thu hút con. “Mình không nói với con "chơi điện thoại là hư" hay "chơi điện thoại nhiều là hỏng mắt", vì bố mẹ vẫn cần sử dụng điện thoại trước mặt con”, chị cho biết.
Khi ở nhà với con, chị cố gắng dùng điện thoại ít nhất có thể. Nếu nhiều việc cần xử lý trên điện thoại nên mỗi khi cần dùng chị sẽ chủ động nói với con "mẹ làm việc một chút nhé, xong mẹ sẽ chơi với con tiếp" và cố gắng làm nhanh nhất có thể.
Thứ ba, bà mẹ cho con tiếp xúc với điện thoại là khi gọi video cho ông bà, người thân. Tuy nhiên thời gian rất hạn chế và con cũng không thích nói chuyện qua điện thoại bằng gặp trực tiếp.
Thứ tư, chị Lệ Khánh và chồng luôn trò chuyện với con mọi lúc có thể, kể cả khi bố mẹ làm việc cũng tranh thủ quay ra nói chuyện với con, trả lời câu hỏi của con.
Thứ năm, mỗi ngày đều có thời gian bày đồ chơi ra chơi cùng nhau, bận rộn thì chơi thời gian ngắn 10 -15 phút, nhưng đó là thời gian hoàn toàn dành cho nhau, không sử dụng điện thoại, không làm việc khác. “Nhà mình rất hạn chế sắm đồ chơi nên có gì xài nấy thôi, thực ra cái con cần là bố mẹ chơi cùng mình chứ không phải là chơi trò gì. Đồ chơi ít lại càng kích thích sự sáng tạo của con”, chị Khánh nói.
Thứ sáu, duy trì hoạt động đọc sách mỗi ngày cho con nghe, từ khi con mới sinh ra. Chị Lệ Khánh tiết lộ đây là "trò" dễ nhất để chơi với con, vừa tạo sự kết nối trong gia đình lại giúp con phát triển tư duy, ngôn ngữ rất tốt. Theo bà mẹ đọc sách giúp kích thích trí não con tốt hơn rất nhiều so với xem điện thoại, tivi một cách thụ động.
Thứ bảy, hai vợ chồng thường sắp xếp thời gian đưa con ra ngoài chơi mỗi khi có thời gian rảnh. Có khi chỉ là cả nhà cùng nhau ra quảng trường dạo một vòng rồi về cũng đủ vui rồi. Vừa đi vừa nói chuyện với con về những sự vật bên ngoài như là các loại xe trên đường, chiếc máy bay trên trời, con bò ăn cỏ bên đường,... "Đi một ngày đàng học một sàng khôn" là cực chuẩn trong trường hợp này.
Thứ tám, lập hội các gia đình có con không dùng smartphone để đi chơi cùng nhau. Con sẽ có bạn bè để cùng chơi, cùng giao lưu và con không thấy lạc lõng vì xung quanh các bạn toàn xem điện thoại còn mình thì không.
Thứ chín, từ khi con bắt đầu ăn dặm bố mẹ nên áp dụng "kỷ luật bàn ăn" với con. Nghe "kỷ luật" có vẻ to tát nhưng chỉ đơn giản là: đến giờ ăn ngồi vào ghế, nếu ko ăn thì mời ra khỏi ghế; bữa ăn không quá 30 phút, không dùng điện thoại, tivi, đi rong hay bất kỳ hình thức nào để dụ con ăn ngoài việc cố gắng thay đổi thực đơn, cách chế biến để con hợp tác.
Thứ mười, tùy vào từng điều kiện hoàn cảnh của gia đình phụ huynh có thể cho con đi học sớm và chọn một ngôi trường có nhiều hoạt động phong phú, có giờ đọc sách và không sử dụng tivi. Đối với các bạn nhỏ gần gũi hàng xóm, anh chị em trong gia đình có thể cùng nhau trò chuyện, chơi đùa mà không bị phụ thuộc nhiều và thiết bị điện tử. “Mình ở thành phố, con ít có bạn chơi cùng nên đi học sớm giúp con có môi trường để giao tiếp, học hỏi tốt hơn”.
Mười một, tập cho con thói quen chơi tự lập từ bé. Bố mẹ cần tập dần cho con thói quen chơi tự lập từ nhỏ. Những lúc bố mẹ làm việc thì con quẩn quanh làm những "việc của con" như: Xếp đồ chơi ra chơi một mình, lật sách ra tự xem, lôi dụng cụ nấu ăn của mẹ ra để nấu giống mẹ, xếp lego, tô màu, vẽ tranh,...
“Khi con còn nhỏ, chưa tự chơi một mình được thì mình tranh thủ lúc con ngủ để làm việc hoặc hai vợ chồng thay phiên nhau, một người chơi với con, một người làm việc nhà. Khi ra ngoài chơi, uống cafe chồng và mình cũng thay nhau một người ngồi uống nước, nói chuyện với bạn bè, một người dẫn con đi chơi xung quanh”, chị Khánh tiết lộ.
Sau 2 tuổi mới nên cho con tiếp xúc với màn hình điện tử
Theo chị Khánh, nếu bố mẹ muốn con tiếp xúc với màn hình điện tử thì ít nhất phải sau 2 tuổi. Lúc đó, bé đã biết nói, biết tiếp thu ý kiến của người lớn đồng thời cũng biết phản hồi thông tin phù hợp. Bố mẹ cũng phải kiểm soát được nội dung, thời gian con xem thiết bị và tốt nhất là bố mẹ sẽ xem cùng con và tương tác với con suốt thời gian đó.
Bậc phụ huynh không nên biến điện thoại thành "bảo mẫu" giữ con để bố mẹ rảnh tay rảnh chân. Tác dụng có thể có nhất thời nhưng tác hại thì âm thầm và lâu dài.
Để có thể giúp hướng tới dạy con không phụ thuộc vào tivi, smartphone cũng không phải điều dễ dàng, khó khăn nhất có lẽ là việc sắp xếp thời gian. Đối với gia đình chị Lệ Khánh, do muốn dạy con theo cách của mình nên từ khi sinh hai vợ chồng chủ động giảm lượng công việc và các mối quan hệ xã hội để dành toàn thời gian cho con.
Hầu hết các công việc liên quan đến chăm sóc nuôi dạy con đều do cả hai vợ chồng đảm nhiệm. Chị sẽ thức khuya, dậy sớm hơn để tranh thủ làm việc trong lúc con ngủ.
Ngoài ra, việc rèn luyện để con chơi tự lập là một quá trình khá dài. Chị Khánh và chồng thường để con chơi ở ngay gần chỗ mình nấu ăn, làm việc để tiện quan sát và theo dõi. “Mình chơi cùng con một lúc sau đó nói với con mẹ làm việc một chút rồi mẹ sẽ quay lại. Thời gian mình rời đi sẽ tăng dần lên. Con có biết là mẹ rời đi nhưng mà mẹ vẫn sẽ quay lại và biết là lúc đó mẹ đang làm việc, nơi con chơi cũng nhìn thấy được mẹ nên con sẽ an tâm”, chị bộc bạch.
Điều này đi kèm với việc chọn các món đồ chơi phù hợp với từng lứa tuổi, ít nhưng đủ để con duy trì hứng thú và bố mẹ cũng phải rất kiên trì.
Nhờ vào việc thành lập nhóm gia đình nuôi dạy con không dùng điện thoại đã giúp chị Khánh và cậu con trai không bị lạc lõng giữa vô vàn nhân vật hoạt hình “nổi tiếng” như Kiki Miu Miu, Heo Peppa…
Chị cho hay, các gia đình đều có chung sở thích là yêu sách, thích các hoạt động ngoài trời nên gặp nhau rất thường xuyên và có nhiều chủ đề để nói với nhau. Ở trường học, con trai của chị Khánh hầu hết cũng đều chơi với các bạn cùng sở thích. Bà mẹ dần nhận ra là con cũng thích chơi với những bạn "cùng tần số" với mình hơn.
Mỗi bậc cha mẹ đều có quan điểm dạy con khác nhau, điều cuối cùng họ hướng đến là con có môi trường lớn lên và trưởng thành tốt nhất. Với gia đình chị Lệ Khánh, chị mong con trai được lớn lên một cách tự nhiên, gắn bó con với cuộc sống thực tế hàng ngày để còn được trải nghiệm và thực hành nhiều hơn. Chị cũng hi vọng nhiều bố mẹ khác sẽ bớt thời gian của mình lại dành cho con, không để con phụ thuộc vào tivi, điện thoại như thường thấy. "Mong rằng những em bé khôngsmartphone như con mình sẽ trở nên bình thường, không được khen ngợi như một sự "bất thường" nữa", chị bày tỏ.
Ảnh: NVCC
Phương Nga
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất