Mẹ Hà thành dạy con gái chuyện bếp núc: 2 tuổi đã cho con vào bếp, 8 tuổi con tự biết nấu ăn
Tin liên quan
Chị Hoàng Bích Thủy (34 tuổi, Hà Nội) là một giáo viên mầm non. Chị được cộng đồng mạng biết đến nhiều qua các bài viết về cách giáo dục con cái và ẩm thực gia đình. Với chị, mỗi đứa trẻ khi sinh ra cần được bố mẹ dạy những kỹ năng sống cần thiết, mục đích đầu tiên là giúp con có thể tự lập sớm.
Hai bé gái của chị Thủy tự tay hoàn thiện bữa cơm gia đình.
Nấu ăn là kỹ năng sống cần thiết theo con suốt đời
Chia sẻ về hành trình dạy con gái biết cách nấu ăn, chị Thủy cho biết chị bắt đầu cho con làm quen với chuyện bếp núc từ khi con biết nhận thức, khoảng năm 2 tuổi. Thời gian đầu chị không chủ định có ý tưởng này mà hoàn toàn hướng theo sự phát triển tự nhiên của các con.
Thấy các con thấy hứng thú, tò mò về điều gì, chị đều để các con thử. Một ngày, chị để ý các con rất thích xem mình nấu nướng, vừa xem lại hay hỏi, chị cũng vừa làm vừa giải thích và trò chuyện nên 2 nàng công chúa dần dần thích nấu theo.
Ngay từ bé chị Thủy đã cho các con chơi đồ nấu nướng.
Chị Bích Thủy chia sẻ với Emdep.vn: “Nấu ăn theo mình không đơn thuần là công việc nhà mà còn là kỹ năng sống cần thiết cho người tự lập. Những ai yêu thích nấu ăn sẽ gắn bó tình cảm với gia đình nhiều hơn.
Học nấu ăn sẽ hình thành trong con thói quen ăn uống lành mạnh, đúng bữa, đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt, nếu là món ăn con tự làm hoặc góp phần làm ra, khi ăn con sẽ thấy vui và thưởng thức ngon miệng hơn rất nhiều!”.
Trong thời đại ngày nay vấn đề vệ sinh thực phẩm trở thành vấn đề nóng của toàn xã hội, việc ăn ngoài hàng quán sẽ không đảm bảo an toàn cho sức khỏe gia đình. Việc con có thể tự lập, biết cách nấu các món ăn hàng ngày sẽ là yếu tố giúp con tự hình thành ý thức chăm sóc thật tốt cho bản thân. Thời gian bố mẹ cho con cùng vào bếp cũng là lúc gia đình được bên nhau, chia sẻ và quan tâm, gắn kết các thành viên trong gia đình.
Chị sắm cho 3 mẹ chon tạp dề để cùng vào bếp.
Không khó để bắt gặp nhiều bạn trẻ được bố mẹ dắt đến các cửa hàng ăn nhanh, tuy nhiên chị Thủy cho biết khi con biết nấu ăn chắc chắn sẽ biết được đồ ăn nào tốt cho sức khoẻ, đồ ăn nào nên hạn chế, cách chế biến đồ ăn như thế nào là tốt. Từ đó con sẽ biết cách ăn cân bằng bổ sung đều các thực phẩm đảm bảo cho sức khỏe của bản thân.
Lúc nào vào bếp cũng có 2 chị em phụ giúp nhau.
Theo bà mẹ Hà thành: “Đồ ăn nhanh có sự tiện lợi và rất ngon miệng hấp dẫn. Nhưng con biết nấu ăn sẽ hiểu mình nên ăn khi nào, ăn bao nhiêu. Ví dụ như bé lớn nhà mình rất thích ăn gà rán, nhưng ăn một bữa thôi và tự biết bữa sau sẽ ăn nhiều rau hơn bình thường, để bù vào bữa trước toàn ăn gà rán”.
Ngay khi còn bé, chị Thủy đã dành khá nhiều thời gian chơi đồ chơi cùng các con, cùng với đó là trò chuyện, hướng dẫn và chơi đồ hàng cùng con. Ngoài ra chị cùng con đọc truyện, tìm hiểu về các loại rau, củ, quả, đồ dùng trong bếp được sử dụng thế nào.
Bé lớn đảm nhiệm từ việc đi chợ đến vào bếp nấu ăn.
Năm con 2 tuổi, chị Bích Thủy bắt đầu để con tự lấy bát ăn cơm và thìa của mình, sau đó là tự lấy cơm, xúc thịt, rau để ăn. Đặc biệt, chi cũng để con tự rửa thìa bát của mình và để vào đúng nơi quy định.
Chị Thủy bật mí: "Làm quen từng chút một sẽ khiến các con thích thú với công việc bếp núc. Khi con đã quen với gian bếp rồi thì sẽ học nấu các món đơn giản, hoặc đi chợ… Tích lũy dần dần kiến thức và kỹ năng nấu ăn, con hoàn toàn có thể tự mình nấu 1 mâm cơm hoàn chỉnh, đầy đủ chất dinh dưỡng cho cả nhà”.
Dạy con cách nấu và để con tự thực hành, tự trải nghiệm
Nhờ việc hướng dẫn tận tình và giúp con làm quen một cách tự nhiên với căn bếp, dần dần 2 nàng công chúa yêu thích việc vào bếp và xem mẹ nấu nướng, làm bánh. Khác với hành động “đuổi” con lên nhà chơi tránh nguy hiểm, chị Thủy lại để con ngồi cùng, vừa nấu vừa trì chuyện, chị cũng trả lời những thắc mắc của bé, cho con nếm thử đồ ăn.
Khi con lớn hơn, bà mẹ 2 con cho con tham gia hỗ trợ mẹ một số bước nhất định: rửa rau, nhặt rau hay đơn giản là gắp thức ăn ra đĩa và dọn cơm. Càng quen với việc nấu nướng, các con chủ động muốn tự tay nấu hẳn một món hoàn chỉnh mà không cần nhờ đến sự hỗ trợ của mẹ. “Và giờ thì bé đã có thể tự nấu cả mâm cơm một mình”, chị Thủy cho biết.
Món chả lá lốt đẹp mắt được cô công chúa lớn hoàn thiện.
Theo chị Thủy, khi hướng dẫn con nấu ăn cần nhất 2 yếu tố: sạch sẽ và cẩn thận. Chị chia sẻ: “Đồ ăn liên quan trực tiếp đến sức khoẻ con người, nên phải sạch sẽ từ sơ chế thực phẩm đến cọ rửa đồ dùng nấu. Nấu ăn cũng khá nguy hiểm, chỉ cần bất cẩn một chút thôi cũng sẽ bị thương”.
Để tránh những nguy hiểm khi vào bếp cho con, chị chủ động cung cấp kiến thức cho con trước để con biết mình sẽ nấu món gì. Sau đó chị để con tự tìm hiểu nhiều cách làm trên mạng, sau đó chia sẻ với chị để xem cách nào hợp lý hơn, hiệu quả hơn, rồi vào bếp và bắt tay thực hiện. Chị khuyến khích con tự học hỏi qua nhiều nền tảng khác nhau: đọc sách, đọc các bài báo, xem tik tok, youtube, instagram…
Các món ăn đều được chị Thủy cho con tự tìm hiểu và tự "đạo diễn" trong bếp.
Không tránh khỏi khó khăn khi làm món ăn mới, con rất luống cuống từ việc nêm gia vị đến điều chỉnh nhiệt độ… Những lúc như vậy, chị Thủy “mặc kệ” con, chỉ khi con đề nghị cần sự giúp đỡ chị mới bắt đầu hướng dẫn, làm cùng con để cho con kinh nghiệm.
Sau mỗi món ăn, điều ai cũng mong chờ là thành quả nhận được, điều này chị Thủy cũng để các con cảm nhận trước. Tự nhận xét món ăn đã ngon hay chưa, nếu chưa ngon thì do làm sai ở khâu nào để lần sau thay đổi. Chị Thủy cho hay: “Mình chỉ ngồi nghe và đưa ra ý kiến nếu con cần thôi. Dù thành quả thế nào mình cũng khuyến khích và động viên con. Bởi vì ý chí, nỗ lực và công sức của con đáng được trân trọng hơn tất cả”.
Chị Thủy nhớ như in cảm xúc của các con khi lần đầu được tự tay hoàn thiện một món ăn cho gia đình. “Các con vui sướng lắm! Vui và hí hửng từ lúc bắt đầu làm, làm xong thì ngắm nghía thành quả và khoe với tất cả thành viên trong gia đình”.
Bữa ăn đủ chất và ngon mắt của 2 bé gái.
Không chỉ thấy “tay nghề” nấu nướng của con có sự thay đổi, điều chị Thủy nhận thấy rõ nhất là con có suy nghĩ khác về rau. “Khi biết rau tốt như thế nào, không ăn rau sẽ bị làm sao… 2 bạn nhà mình chăm ăn rau hơn. Để ăn được nhiều rau, ngon miệng hơn, các bạn tìm cách kết hợp với rất nhiều loại nước sốt chấm khác nhau. Mà mỗi loại rau, các bạn ấy sẽ chấm 1 loại nước mắm riêng”.
Thi thoảng chị Thủy cùng con sắp xếp và hoàn thiện bữa ăn.
Theo chị, nấu nướng không đơn giản chỉ là việc nhà mà nó còn là kỹ năng cần thiết của người tự lập. Nấu nướng là cách để các con có thể tự chăm sóc bản thân tốt hơn khi không có cha mẹ bên cạnh. Vì vậy, các bậc phụ huynh đừng ngại con làm lâu, lóng ngóng hay bừa bộn. Hãy để con tự khám phá và rút kinh nghiệm cho bản thân từng chút, từng ngày. Các con sẽ trưởng thành và trở nên yêu thương hướng về gia đình hơn.
Phương Nga
Ảnh: NVCC
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất