Mẹ đảm dạy 2 con gái chuẩn bị đón Tết, 'giữ lửa' gia đình, giữ gìn phong tục cổ truyền dân tộc

Phương Nga 2023-01-21 07:15
- Để giúp hai cô con gái hiểu đúng giá trị của ngày Tết, chị Bích Thủy đã dành nhiều thời gian chia sẻ và thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa dịp đầu xuân năm mới.

Chia sẻ về ý nghĩa của việc dạy con trẻ về ngày lễ Tết truyền thống của dân tộc, chị Hoàng Bích Thủy (34 tuổi, ở Hà Nội) cho biết: “Tết cổ truyền của dân tộc ngoài ý nghĩa đón chào năm mới, thời gian sum họp gia đình thì còn là dịp quý giá giúp các con biết được họ hàng nội ngoại, thể hiện lòng hiếu thảo, sự biết ơn đối với ông bà cha mẹ. Cũng là cơ hội trong năm để các con hiểu về nguồn cội huyết thống, những nét đẹp tâm linh tín ngưỡng, thờ cúng tổ tiên thể hiện sự kết nối giữa các thế hệ trong gia đình người Việt.”

Mẹ đảm cùng 2 con gái chuẩn bị đón Tết, truyền dạy ý nghĩa văn hóa truyền thống của dân tộc

Mỗi dịp xuân về, ngày Tết trở thành một dịp có ý nghĩa thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt Nam. Cuộc sống hiện đại cùng với sự phát triển của xã hội khiến cho mọi thứ đều thay đổi, sự tiện lợi, nhanh chóng luôn được chúng ta ưu tiên. Ngày Tết cận kề, nhà nhà người người tất bật từ sửa soạn nhà cửa cho đến chuẩn bị đào, quất, bánh chưng đón Tết. Cũng như nhiều gia đình khác, ngôi nhà của chị Bích Thủy cũng đang trong quá trình dọn dẹp, sẵn sàng đón chào năm mới.

Ngoài thế hệ như vợ chồng chị, chị Thủy cho biết Tết phải có ý nghĩa cả với con trẻ. Bà mẹ 2 con luôn mong muốn dạy cho con hiểu về ý nghĩa của các phong tục ngày Tết, để các bé lưu giữ, phát triển truyền thống của gia đình, quê hương đất nước. Cũng bởi thế mà cho dù bận bịu đến đâu, cứ đến dịp Tết chị Thủy cũng cố gắng làm cho các con một điều gì đó để các bé có trải nghiệm, có sự hiểu biết đúng và thích thú với ngày Tết.

Mẹ đảm cùng 2 con gái chuẩn bị đón Tết, truyền dạy ý nghĩa văn hóa truyền thống của dân tộc

Khác với mọi năm, nay các con của chị Thủy đã giúp mẹ rất nhiều việc để chuẩn bị cho Tết. Tuy nhiên, 2 bạn nhỏ luôn miệng hỏi mẹ các câu hỏi liên quan đến ngày Tết: Tết là gì hả mẹ? Giao thừa là gì? Tất niên là gì?... Chắc hẳn các bậc phụ huynh cũng thấy vui khi nghe những câu hỏi ngây thơ, đáng yêu này. Với chị Thủy, đây là cơ hội để chị bày tỏ, giải đáp thắc mắc và dạy con về ngày Tết truyền thống.

Điều đầu tiên chị cùng các con làm là dọn dẹp nhà cửa ngày Tết. Theo chị Thủy, ngoài ý nghĩa đón tài lộc, một ngôi nhà sạch sẽ, thơm tho ngăn nắp, sẽ khiến các thành viên gia đình tự tin hơn khi đón khách tới chơi nhà. 

Chia sẻ về lý do “vận động” 2 nàng công chúa làm cùng, bà mẹ nói: “Con nhỏ sẽ làm việc nhỏ như: dọn dẹp đồ chơi, gấp quần áo gọn gàng, lau dọn phòng, thay bộ chăn ga gối mà con yêu thích nhất.. Mỗi lần dọn dẹp nhà cửa đón Tết, gia đình mình đều rất vui vì cả nhà cùng dọn với nhau, cùng háo hức hi vọng sẽ có thật nhiều niềm vui trong năm mới.”

Mẹ đảm cùng 2 con gái chuẩn bị đón Tết, truyền dạy ý nghĩa văn hóa truyền thống của dân tộc

Mâm cỗ ngày Tết có lẽ cũng là điều các chị em phụ nữ rất quan tâm. Mỗi món ăn đặc trưng ngày Tết đều mang một ý nghĩa riêng. Chị Thủy bày tỏ, bố mẹ nên cho các con trải nghiệm gói bánh chưng, không chỉ tượng trưng cho mặt đất, mà còn có ý nghĩa biết ơn thể hiện lòng thành của con cháu với tổ tiên. “Bạn bé nhà mình đọc đánh vần câu chuyện Sự tích bánh Chưng bánh Dày trước khi đi rửa lá dong và cùng cả nhà gói bánh, làm mứt Tết, thịt kho, thịt đông, nem rán... rất thú vị và ý nghĩa”, chị Thủy cười vui vẻ nói.

Mới đây, ngày 23 Tết vừa làm mâm cơm cúng ông Công, ông Táo Táo, chị Bích Thủy vừa giải thích cho con nghe. Theo dân gian, Táo quân là những vị thần theo dõi và ghi chép lại những việc tốt, chưa tốt của gia đình. Hàng năm vào ngày 23 tháng chạp, gia đình chị Thủy sẽ làm lễ long trọng để tiễn Táo quân và dạy con về ý nghĩa của mâm cơm cúng ông Táo, nghe xong, con chị bảo: "Ôi, sao giống cán bộ lớp con thế ạ? Báo cáo với cô giáo các bạn đã làm những gì mẹ ạ!".

Mẹ đảm cùng 2 con gái chuẩn bị đón Tết, truyền dạy ý nghĩa văn hóa truyền thống của dân tộc

Bữa cơm tất niên là bữa cơm cúng cuối năm, con cháu kể lại những việc đã làm được trong năm cũ và những kế hoạch dự định cho năm mới với ông bà tổ tiên. Vào ngày này, mọi thành viên trong gia đình chị Bích Thủy sẽ sum họp, làm bữa cơm Tất niên. “Hai bạn nhà mình cũng khấn rõ tên - tuổi - con bố mẹ nào - học lớp nào, trường nào - học kì này được học sinh gì, và năm mới mong ông bà tổ tiên phù hộ cho may mắn học giỏi”.

Mẹ đảm cùng 2 con gái chuẩn bị đón Tết, truyền dạy ý nghĩa văn hóa truyền thống của dân tộc

Theo phong tục của người Việt cứ vào sáng mùng Một Tết, tất cả mọi người trong gia đình sẽ quây quần bên nhau để dùng cơm và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, sau đó cùng nhau đi đến từng gia đình để chúc Tết. Trong ngày này bố mẹ, ông bà mừng tuổi cho con cháu, con cháu chúc thọ bố mẹ, ông bà, bạn bè, những người thân thiết mừng tuổi cho nhau. 

Chị Bích Thủy cho biết: “Mình hay nói với con khi dọn nhà hoặc trước lúc đi ngủ. Chúc Tết thể hiện sự kính yêu của con cháu với ông bà, người lớn trong gia đình. Để chuẩn bị cho việc chúc Tết, các con nên ướm hỏi mọi người trước, xem dự định năm mới, những mong cầu của từng người để chúc cho phù hợp. Bà nội thì muốn khoẻ mạnh, sống vui khoẻ - con sẽ chúc “Con chúc bà sức khỏe vui vẻ ạ!”. Bố mẹ thích nhiều tiền thì chúc “Con chúc bố mẹ phát tài phát lộc ạ!”. Cô hay chị thích xinh đẹp thì chúc “Em chúc chị luôn xinh đẹp ạ!”...”

Bà mẹ 2 con lưu ý, các con cần tùy người để chúc, con trẻ chỉ cần chúc đơn giản, nhưng có ý nghĩa và đúng với mong cầu của người được chúc sẽ ý nghĩa hơn là câu chúc chung chung. Theo chị Thủy, nhận lì xì quan trọng nhất là ý nghĩa cầu an, đem may mắn, điều tốt lành cho cả người nhận và người trao lì xì. Khi nhận bao lì xì, chị dặn các con nhận bằng 2 tay, cảm ơn và không được bóc lì xì ngay trước mặt người trao, không được nói lời so sánh số tiền trong bao lì xì... Với chị, đây là một việc nhỏ tế nhị, nhưng nếu không dạy con ngay từ nhỏ, sẽ rất khó nói sau này.

Xã hội ngày càng phát triển tạo điều kiện cho nền văn hóa có cơ hội giao thoa nhưng nó cũng khiến không khí của ngày Tết truyền thống phần nào đó không còn được như trước. Trái lại với thái độ này, gia đình chị Bích Thủy lại vô cùng hào hứng mỗi khi năm mới đến, nhất là hai công chúa nhỏ. 

Chị cho biết những việc mình làm không to tát gì nhưng là cách chị cùng con gìn giữ nếp nhà, gìn giữ những nét đẹp cổ truyền dân tộc. Trẻ con giờ đây lớn lên trong đủ đầy, khó hiểu được những thiếu hụt, những truyền thống của cha ông ta từ bao đời nay. Do đó chị muốn "truyền lửa" cho các con, để các bé cảm nhận được niềm vui sum vầy, hạnh phúc mỗi dịp Tết đến xuân về.

Mẹ đảm cùng 2 con gái chuẩn bị đón Tết, truyền dạy ý nghĩa văn hóa truyền thống của dân tộc

 

Mẹ đảm cùng 2 con gái chuẩn bị đón Tết, truyền dạy ý nghĩa văn hóa truyền thống của dân tộc

Hơn hết, chị Bích Thủy luôn cố gắng truyền tải cho con văn hóa ngày Tết cổ truyền với mong muốn các con hiểu được ý nghĩa của sự sum họp, đoàn kết, trách nhiệm gắn bó tình cảm trong gia đình. Mỗi người một công việc, nhưng cần dành thời gian để cùng nhau làm, cùng sắm sửa chia sẻ, chúc tụng nhau những lời yêu thương để nuôi dưỡng sự biết ơn chân thành và tri ân tới tổ tiên ông bà.

Phương Nga

Ảnh: NVCC

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Top 3 con giáp dễ dàng thành đạt trước 30 tuổi