Cậu bé 2009 được mẹ giao nhiệm vụ bếp trưởng, flex thực đơn tại gia khiến dân mạng 'ngả mũ' thán phục
Tin liên quan
Công việc nội trợ không phân biệt giới tính
Trong dịp nghỉ hè, Mai Đức Tuấn Minh (tên ở nhà là Bột, sinh năm 2009), trở thành bếp trưởng tại gia, chuẩn bị các bữa ăn dinh dưỡng, đẹp mắt phục vụ gia đình.
Chị Nguyễn Thục Anh (48 tuổi), mẹ của Tuấn Minh chia sẻ về lý do dạy cho con trai cách nấu ăn: “Theo mình, mỗi thành viên trong gia đình đều phải biết làm việc nhà để chia sẻ công việc và cũng hiểu được giá trị của sức lao động, có trách nhiệm với bản thân và gia đình, tránh tình trạng ỷ lại, dựa dẫm, lười biếng”.
Mặt khác, theo bà mẹ 2 con nấu ăn cũng là cách thể hiện sự quan tâm, chăm sóc người khác, đồng thời nếu yêu thích công việc nấu nướng cũng mang lại sự vui vẻ, thư giãn nhất định. Chị Thục Anh cho biết đã dạy nấu ăn cho 2 con và đến hiện tại cả hai đều nấu ăn tốt, phụ trách việc bếp núc hàng ngày, đặc biệt là trong những dịp nhà có cỗ hoặc có khách.
Có nhiều người quan điểm rằng, công việc nội trợ là phần việc của phụ nữ, con trai chỉ lo những việc lớn. Tuy nhiên, bà mẹ Hà thành lại cho rằng việc nội trợ không phân biệt giới tính.
“Thực tế là ở Việt Nam cũng như thế giới, những đầu bếp nổi tiếng là nam giới. Quan điểm chỉ phụ nữ mới nội trợ là quan điểm ngày xưa hoặc còn tồn tại ở một số tư tưởng cũ vì phụ nữ thời nay cũng rất tự lập, giỏi giang trong các lĩnh vực, giữ nhiều trọng trách và thành đạt”, chị Thục Anh bày tỏ.
Ngoài ra nam giới hay phụ nữ đều bình đẳng, vì vậy, việc chia sẻ việc nhà, trong đó có nội trợ chính là một trong những yếu tố tạo nên hạnh phúc, thể hiện sự quan tâm, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau.
Tuy vậy, trong quá trình dạy con trai Tuấn Minh nấu ăn, chị Thục Anh thừa nhận có gặp phải một vài trở ngại. Trong đó, một phần vì chị dạy con từ khi còn rất nhỏ nên việc khó khăn và lo lắng nhất là đảm bảo an toàn cho con, như cách sử dụng nguồn lửa, cách sử dụng dao, kéo, các loại máy hỗ trợ…
Để giữ an toàn cho con, bà mẹ chọn cách luôn theo sát, đứng cạnh con đến khi con sử dụng thành thạo. Chị Thục Anh cho biết thời gian này kéo dài khoảng 3 năm. Nhận xét về sự nhanh nhạy, tiếp thu “bài” của con, bà mẹ hào hứng: “Về cơ bản Bột học nhanh, tính cẩn thận, chịu khó và cũng thích nấu nướng nên các món con nấu khá ngon”.
Bếp trưởng tại gia Tuấn Minh cũng cho biết, khi nấu ăn cảm thấy rất hào hứng vì làm được những món ăn theo sở thích, công thức riêng với khẩu vị riêng.
Tuấn Minh chia sẻ: “Con rất vui khi những món con nấu được mọi người khen, thỉnh thoảng cũng thấy tự hào vì mình đã hoàn thành những món ăn khá cầu kỳ như bún riêu, bún bò giò heo, bún thang… Đặc biệt con thích pha chế những loại sốt ăn kèm với các món ăn theo nhiều công thức và nguyên liệu khác nhau mà con học được, chính những loại sốt ấy mang lại hương vị riêng cho món ăn”.
Ngoài những món ăn mẹ dạy, Minh cho biết bản thân còn thường xuyên xem các kênh nấu ăn của các đầu bếp Việt Nam, nhất là các kênh của các đầu bếp nổi tiếng thế giới và châu Á như Gordon Ramsey, Asian Food Channel, các chương trình Master Chef…
Theo Tuấn Minh đây là nơi những đầu bếp giỏi tạo nên những món ăn tuyệt vời, những món ăn không chỉ ngon mà trình bày cũng rất đẹp, cậu đã học hỏi được rất nhiều từ họ và thấy việc nấu nướng không chỉ là một công việc mà là tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa. “Điều đó làm cho con thêm yêu thích việc nấu ăn”, Minh khẳng định.
Sau thời gian dài nỗ lực, đồng hành cùng con trai, chị Thục Anh cho biết cảm thấy rất vui và yên tâm khi con biết tự lo cho bản thân, chăm sóc cho gia đình. Hơn hết, chị còn ngạc nhiên vì con có thể tự làm được những món ăn đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mỉ và thành công ngay từ lần đầu tiên với hương vị rất đặc biệt.
Chị Thục Anh kể: “Không chỉ nấu được các món ăn trong bữa cơm hàng ngày hay những món truyền thống của Việt Nam, con còn học nấu nhiều món ăn của nước ngoài nên thực đơn của gia đình chị khá đa dạng và phong phú, khi Bột vào bếp là cả nhà thường được ăn ngon, đặc biệt là thưởng thức nhiều món ăn mới”.
Mùa hè là thời điểm bà mẹ hai con bận rộn công việc nên Tuấn Minh đảm nhận nhiệm vụ bếp trưởng, cậu bé luôn vui vẻ và hào hứng với công việc này.
Tuấn Minh cho biết: “Trong năm học bận rộn, con không có nhiều thời gian nên hè là dịp con muôn chăm sóc cho người thân bằng những bữa cơm ngon do chính tay mình nấu. Đây cũng là cách con thể hiện sự yêu thương của con nên khi được làm bếp trưởng con thấy thoải mái chứ ko lo lắng hay áp lực gì cả”.
Cách giúp con trở thành “đầu bếp” tại gia
Chị Thục Anh chia sẻ đã có nhiều người hỏi chị rằng “tại sao con có thể nấu ăn được như thế?”, chị luôn trả lời điều quan trọng nhất để con làm việc là tạo cảm hứng cho con chứ đừng tạo áp lực. Bởi theo chị nếu bắt buộc, nhiều lúc con làm đối phó, cho xong, ba mẹ cần chuẩn bị cho các con tâm lý, kỹ năng, sự hào hứng mới có kết quả tốt.
Theo chị Thục Anh, bước đầu tiên để dạy con nấu ăn là làm quen.
Bà mẹ không ngại cho con cùng vào bếp từ lúc 3 tuổi. Ban đầu, chị hướng dẫn con cách phân biệt các loại rau, củ, các nguyên liệu theo độ khó tăng dần như trò chơi vậy. Tuổi mẫu giáo chủ yếu cho con nắm rõ và phân biệt mùi vị của các loại thực phẩm, gia vị.
Khi con lên lớp 1, chị Thục Anh hướng dẫn con cách sử dụng dụng cụ bếp làm sao cho an toàn. “Ví dụ như cách cắm điện vào ổ, cách bật bếp ga, cách cầm quai nồi... để tránh thương tích khi nấu. Sau đó sẽ chỉ cho con biết cách dùng các loại máy như máy sinh tố, máy đánh trứng, nồi cơm điện và sử dụng một cách thành thạo”.
Bước thứ hai là hướng dẫn nấu ăn. Quá trình này bắt đầu từ lớp 1, mẹ đảm bắt đầu tập cho con nấu các món luộc (trứng, rau, các loại củ quả), các món rán, xào đơn giản. Chị cho biết thời điểm này do các con đang lo lắng vì mới tập nấu nên bố mẹ cần đứng bên cạnh con để đảm bảo con thực hiện các món ăn một cách an toàn.
Lớn hơn một chút, chị đã cùng con đặt ra mục tiêu và cùng thực hiện. Có thể mỗi tuần sẽ học và nấu thành thạo một món mới. Với món mới, mẹ sẽ cùng nấu với con, hướng dẫn công thức để con nhớ, cùng nêm nếm, rút kinh nghiệm.
Thỉnh thoảng, mẹ con mình đi ăn nhà hàng, chọn món chưa bao giờ ăn, phân tích các loại nguyên liệu, gia vị, thưởng thức mùi vị rồi về nhà thử nấu lại. Cứ thế, số lượng các món ăn do con thực hiện ngày càng nhiều và đa dạng hơn.
Điều đặc biệt nhất được chị Thục Anh nhấn mạnh là tạo cảm hứng cho con.
Bà mẹ hai con cho biết đừng tạo áp lực cho con khi vào bếp, hãy để con tìm được niềm vui trong những việc mình làm. Vì thế, bố mẹ nhớ dành cho con những lời khen, những lời động viên đúng lúc.
Phụ huynh hãy chấp nhận những sản phẩm lỗi của con như món ăn bị cháy, bị sống, bị nhừ, bị nhạt ,bị mặn...một cách vui vẻ và cho con hiểu đó là điều ai học nấu ăn cũng phải trải qua. Cần tránh chê trách, mắng mỏ, so sánh để con không cảm thấy bị thất bại làm ảnh hưởng đến tinh thần của con.
Chị Thục Anh cho rằng dạy con nấu ăn hay làm bất cứ việc gì cũng là một quá trình cần sự kiên nhẫn, chịu khó, lòng bao dung của bố mẹ. Che mẹ không thể đòi hỏi các con thành công trong một thời gian ngắn. Vì vậy nên cố gắng sắp xếp thời gian cùng học, cùng chơi, cùng làm việc với con thì chắc chắn, mỗi gia đình sẽ có những đứa con ngoan ngoãn, biết lao động, biết nỗ lực để thực hiện mục tiêu và có trách nhiệm với gia đình của mình.
“Mình đã áp dụng với cả 2 con, kết quả là giờ mình ít khi phải làm việc nhà, ít phải vào bếp vì các con đều chia sẻ mọi công việc với mẹ”, chị Thục Anh tự hào.
Nhắn nhủ đến các bạn cùng trang lứa, Tuấn Minh gửi gắm: “Chúng ta được sống trong sự chăm sóc, yêu thương của bố mẹ là sự may mắn và cần trân trọng điều đó. Vì thế, chăm sóc, quan tâm người khác là điều cần thiết mà chúng ta phải làm.
Nấu ăn nói riêng, làm việc nhà nói chung cũng như chăm chỉ học tập không chỉ giảm sự vất vả cho bố mẹ mà còn mang lại niềm vui cho gia đình. Tất cả mọi việc không có gì là khó cả nếu chúng ta chịu khó, kiên trì, không sợ thất bại và không nản chí. Nấu nướng mang lại cho bạn rất nhiều thú vị đấy, bạn hãy thử nhé”.
Phương Nga
Ảnh: NVCC
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất