Nói xấu sếp - Căn bệnh có thuốc chữa của dân công sở?

2015-09-08 06:57
- Cứ nghĩ các chị em cùng hội cùng thuyền như thế thì đoàn kết lắm, ai ngờ đâu một ngày đẹp trời tôi nhận ra mình là nhân vật được “thủ thỉ” phía sau cửa phòng vệ sinh.

Lần đầu tiên tôi tham gia nói xấu sếp của mình là hồi vừa ra trường đi làm được 3 tháng. Khi đó cả văn phòng có một group kín trên yahoo và mỗi lần bực dọc gì thì các anh chị đồng nghiệp đều lên đó than thở. Trong đó, nhân vật hứng chịu nhiều gạch đá nhất là sếp. Chỉ cần sếp lên tiếng không hài lòng bất kì điều gì, hay nạt nộ thậm chí là thay đổi màu son cũng được đưa lên group kín.

Hồi còn ngây thơ vô (số) tội ấy, tôi cũng tham gia hết sức nhiệt tình. Khả năng bình luận phê phán người khác đạt trình cao thủ trong giới “võ miệng truyền kỳ”.

Lúc đầu, tôi chỉ dăm ba câu góp vui, sau rồi thấy các chị tám càng ngày càng nhiều chuyện khủng: Từ chuyện sếp cặp bồ với đối tác cho đến chuyện cậu V phòng bên cạnh lúc nào cũng tỏ ra chuẩn men nhưng thực chất thì gay lòi ra.

Nói xấu sếp - Căn bệnh có thuốc chữa của dân công sở!

Lại còn mấy cô em mới đến chả hiểu gia cảnh thế nào mà váy áo điệu đà, guốc dép trông có vẻ sang chảnh lắm…Nhìn chung là vô thiên lủng các chủ đề nói xấu chúng tôi đều hào hứng.

Cứ nghĩ các chị em cùng hội cùng thuyền như thế thì đoàn kết lắm, ai ngờ đâu một ngày đẹp trời tôi nhận ra mình là nhân vật được “thủ thỉ” phía sau cửa phòng vệ sinh. Thôi thì đúng như cái kết đau lòng của những nhân vật xấu tính hay nói xấu sau lưng người khác, khi ấy tôi mới nhận ra mình là kẻ xấu xí và đáng thương như thế nào khi vừa là thủ phạm hôm qua, hôm nay đã là nạn nhân hứng chịu bao lời đàm tiếu sau lưng mà chỉ biết nín thinh mà nuốt nước mắt vào lòng vì bẽ bàng.

Ngay hôm đó, tôi rút tên mình ra khỏi group để khỏi nhận được sự bàn tán và nộp đơn xin nghỉ việc. Đó là kinh nghiệm đầu đời và cách xử lý non nớt của tôi. Từ đó, tôi khép mình lại, ít khi hào hứng với các hoạt động của đồng nghiệp bởi tôi tin có cái gọi là quả báo. Nếu mình làm thế nào với người khác mình cũng nhận được y như thế.

Trong khoảng thời gian chui vào vỏ ốc, tôi nhận ra rất nhiều điều liên quan tới việc tụ tập và nói xấu sếp. Đầu tiên là việc mất thời gian. Chỉ khi chuyển sang công việc mới, tách biệt hẳn với các đồng nghiệp, tôi mới nhận ra có những ngày, tôi dành cả 8 tiếng làm việc chỉ để bàn tán và thi thoảng cười thích chí với những gì mọi người nói. Trong khi đó, khi tôi cất tiếng nói chưa chắc ai đã nghe.

Và cũng tới khi trở thành nhân vật nhận gạch đá, tôi mới thấy những người đó thật tiểu nhân. Tại sao họ phải đi nói xấu người khác nếu không phải vì ghen tị hay ấm ức? Tại sao thay vì ấm ức mỗi khi bị sếp mắng, nạt nộ thì không quay lại với công việc mà làm tốt hơn chứ tốn thời gian vô bổ cho những câu nói “sướng miệng” làm gì? Việc soi từ cái bé nhất của người khác rồi đem ra bàn luận cũng chẳng giúp tôi thăng tiến trong công việc hay được tăng lương nên rõ ràng, việc ngồi nói xấu chẳng có gì hay ho.

Nói xấu sếp - Căn bệnh có thuốc chữa của dân công sở!

Nhưng tôi nhận ra, những chỗ tôi chuyển đi sau này, việc nói xấu sếp vẫn luôn tồn tại và mãi tồn tại nếu người ta có quá nhiều thời gian và ỷ lại vào công việc. Tôi không phủ nhận mình từng nghiện nói xấu sếp cho tới khi tôi là nạn nhân. Và kể cả khi đã ra khỏi vỏ ốc sau này, cũng có lúc tôi bức xúc quá mà ngồi với chị em và buông những câu nói vô trách nhiệm.

Và tôi tự hỏi, tới bao giờ, tôi mới có thể xoá hết những sân si ở trong mình để làm việc một cách thật hăng say, thật nhiệt tình và bỏ qua hết những gì bên tai?

Câu trả lời đơn giản là tập trung vào mục tiêu công việc. Đó có thể là kiếm thật nhiều tiền bằng việc được tăng lương hoặc làm thêm một công việc khác. Hoặc đơn giản là đạt được một dấu mốc đáng tự hào trên sự nghiệp của mình. Khi bạn tập trung để làm thật tốt công việc của mình, những rác rưởi bên đường không ngáng chân bạn nữa và con đường sự nghiệp trở nên thênh thang hơn.

Nếu bạn đang là người tích cực nói xấu sếp nhiều nhất, bạn cần xem lại các trường hợp khiến bạn phải lên tiếng. Nếu người lãnh đạo luôn làm cho nhân viên cảm thấy bức xúc thì đó không phải nơi dành cho bạn, bạn nên cân nhắc tới việc chuyển chỗ làm để có môi trường tích cực hơn.

Còn nếu bởi ghen ghét bạn mà sếp làm thế này, làm thế kia, bạn cần thể hiện bản thân nhiều hơn nữa, tập trung công việc tốt hơn nữa để thu về cái gì đó cho công ty. Lúc đó sếp trong mắt bạn cũng thay đổi bởi bản thân bạn đang hướng mục tiêu về phía khác.

Nói xấu sếp - Căn bệnh có thuốc chữa của dân công sở?

Và điều thứ ba cũng hết sức lưu ý khi bạn rút khỏi hội nhóm “võ miệng truyền kỳ” nơi công sở, hãy rút thật khéo và thật êm nếu bạn không muốn bị tẩy chay. Dù sao, chúng ta luôn cần có đồng nghiệp để được giúp đỡ trong công việc cũng như tạo cộng đồng trong cuộc sống. Nhiều bạn vẫn hơn là chuốc thêm kẻ thù vào người. Còn rút ra sao có lẽ bạn cần tạo ra một kịch bản khéo léo chút cho việc không mấy khi lên group chat hay tụ tập ăn trưa cùng mọi người. Nhưng đừng bỏ hẳn nhé, hãy rút một cách từ từ và thật êm xuôi. Thêm nữa, theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, chưa hẳn mọi cuộc tụ tập đồng nghiệp hay cái group chat vô hại kia đã toàn những lời nói xấu sếp. Biết đâu họ có nhiều điều thú vị đang muốn chia sẻ cho bạn thì sao.

Bệnh nói xấu nơi công sở là một thứ bệnh dễ lây lan và nhiều khi dễ gây nghiện khi đó là nơi tuyệt vời để xả stress. Bạn cũng có thể từng dính những tình huống dở khóc dở cười khi đang “tung chưởng”. Hãy comment bên dưới tình huống của bạn và cùng chia sẻ với mọi người những cách thoát khỏi bệnh “nghiện nói xấu” ở nơi công sở nhé!

 

Thanh Trang
(Theo Congluan)

 

 

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


4 màu son cho da ngăm cực tôn da