Bỏ việc công sở, tôi bị cả nhà chồng xem thường

2015-08-25 07:10
- Mẹ chồng Phương bảo: “Ôi giời, cái loại buôn bán đầu đường xó chợ ấy thì có gì mà giỏi với giang. Nhà tôi mấy đời nay đều là công chức, không bao giờ chấp nhận loại con dâu như vậy, bảo không được tôi sẽ cưới vợ khác cho con trai để nó biết mặt”.

Ngày cưới Phương, ai cũng bảo cô sướng vì lấy được chồng hiền lành tử tế, lại là “giai Hà Nội” chính hiệu. Hơn nữa, gia đình chồng Phương còn được xếp vào gia đình “cơ bản”, bố mẹ đều là trí thức đã về hưu, nên cư xử với con dâu cũng rất đỗi nhẹ nhàng, điềm đạm.

Sống ở nhà chồng một thời gian, Phương bảo, những điểm “sướng” đã được liệt kê như trên đều đúng cả, chỉ có điều, điểm “khổ” thì người ngoài nhìn vào không phải ai cũng biết được để hiểu cho cô. Lấy chồng Hà Nội thật, nhưng gia đình chồng ngoài việc có một căn hộ tập thể chật chội để “chui ra chui vào”, còn lại kinh tế vô cùng bí bách, lúc nào cũng cảm thấy thiếu thốn, thâm hụt. Sở dĩ như vậy là bởi, bố mẹ chồng cô mỗi tháng cũng được vài triệu tiền lương hưu, nhưng cả hai ông bà đều nay ốm, mai đau, nên tiền thuốc men, rồi tiền nuôi cậu em trai chồng còn đang học đại học coi như là hết, mọi sinh hoạt khác trong nhà, hay những khoản phát sinh khác, ông bà “giao lại” cho vợ chồng Phương cáng đáng. Khổ nỗi, cả hai vợ chồng đều là nhân viên của một cơ quan nhà nước, lương ba cọc ba đồng, cơ hội làm thêm, kiếm thêm lại hoàn toàn không có, nên nhiều lần, cô rối tung lên vì không biết phải xoay sở thế nào.

Bỏ việc công sở bị cả nhà chồng xem thường

Công việc công sở vốn trước đây đã nhàm chán, phức tạp với một cô gái nhanh nhẹn như Phương, bây giờ lại càng trở nên “đáng ghét” hơn gấp nhiều lần vì nó không thể đem lại cho vợ chồng cô cuộc sống ổn định về kinh tế. Đã rất nhiều lần, Phương xin phép bố mẹ chồng cho nghỉ việc cơ quan, sau đó cô sẽ tìm việc gì đó để kinh doanh, buôn bán nhưng chỉ vừa mới nghe nói đến thôi, bố mẹ chồng cô đã kiên quyết phản đối. Lý do ông bà đưa ra là, gia đình ông bà vốn có “truyền thống” là công chức nhà nước, dù giàu, dù nghèo thế nào nhưng người ngoài nhìn vào vẫn cứ thấy “sang”, còn buôn bán dẫu sao vẫn cứ là “ phường chợ búa”, có thế nào ông bà cũng không bao giờ chấp nhận được. Về phía chồng cô, một phần do bản tính an phận, phần khác lại sợ phật ý bố mẹ, nên cũng ra sức khuyên can, ngăn cản vợ.

Nhưng mặc mọi người phản đối, Phương vẫn kiên quyết với ý định của mình. Đầu tiên, cô nộp đơn xin nghỉ việc, rồi bắt tay ngay vào công việc kinh doanh, và tự nhủ, nếu mình làm được, kinh tế khá hơn, chắc chắn ông bà sẽ có suy nghĩ khác, vì làm gì có ai là không mong cuộc sống thoải mái, dư dả. Thực ra nói “kinh doanh” cho oách, nhưng do không được ai ủng hộ, không có chỗ để vay vốn liếng, kinh nghiệm buôn bán lại càng không, nên ý định ban đầu định làm cái gì cho “ra tấm ra món”, Phương không thể thực hiện được. Thay vào đó, cô thuê một cửa hàng nho nhỏ gần nhà, xung quanh có mấy trường cấp 2, cấp 3 và rất nhiều sinh viên ở trọ, tận dụng sự khéo léo của mình để mở quán bán đồ uống, đồ ăn vặt cho học sinh, sinh viên. Nhờ chịu khó mày mò tìm những món mới lạ, hấp dẫn, bán với giá cả phải chăng, nên quán của Phương lúc nào cũng tấp nập khách khứa, đem lại thu nhập gấp 2, 3 lần lương của hai vợ chồng cô cộng lại trước đây.

Bỏ việc công sở: Nuôi cả nhà chồng vẫn bị khinh miệt, coi thường!

Từ ngày Phương bỏ việc ra làm ngoài, kinh tế của cả nhà tuy chưa khá giả, nhưng rõ ràng là dễ thở hơn rất nhiều lần. Cô không còn phải “vắt óc” mỗi lần đi chợ xem làm sao để không tiêu vượt quá số tiền quy định, cũng không phải đi “vay nóng” bạn bè để trả tiền điện nước vì chưa đến kì lương như trước. Sức khỏe của bố mẹ chồng Phương vốn đã không tốt, đợt này bố chồng cô còn liên tục phải vào bệnh viện, mọi chi phí cũng đều do Phương lo tất cả. Hơn thế, cô còn sẵn sàng bỏ ra cho em chồng vài triệu một khóa học ngoại ngữ để ra trường có cơ hội việc làm rộng mở hơn, lương thưởng tốt hơn.

Tưởng rằng làm tất cả mọi việc như vậy, bố mẹ chồng cô sẽ hiểu, sẽ thấy rằng, lựa chọn của mình là đúng đắn. Nhưng trái lại, ông bà vẫn coi cô như người thừa trong nhà, vẫn không hề hé răng nói chuyện với cô dù chỉ nửa lời. Lúc nào thấy Phương về, ông bà lại bỏ ra ngoài hoặc lên phòng đóng cửa lại, lâu lắm rồi cả nhà cũng không ăn cơm cùng bữa, cùng mâm, vì cứ thấy cô ngồi vào bàn là ông bà lại buông bát đứng dậy, đợi con dâu ăn xong đi khỏi nhà mới ngồi lại ăn tiếp. Chồng Phương ngày càng hiểu ra sự vất vả của vợ tất cả cũng chỉ vì gia đình, nên cũng cố gắng lựa lời với bố mẹ, nói nhưng cứ hễ vừa mở lời, là y như rằng ông bà lại gạt đi, nhất quyết không thèm nói chuyện.

Bỏ việc công sở: Nuôi cả nhà chồng vẫn bị khinh miệt, coi thường!

Tối nay quán đông khách quá, nên muộn rồi Phương mới về nhà trong trạng thái người mệt rũ, toàn thân thì đau ê ẩm. Vừa đến đầu ngõ, Phương thấy mẹ chồng đang đứng nói chuyện với cô hàng xóm, cô vừa mới khen Phương đảm đang, tháo vát, biết xoay sở làm ăn thì mẹ chồng cô bĩu môi ngắt lời: “Ôi giời, cái loại buôn bán đầu đường xó chợ ấy thì có gì mà giỏi với giang. Nhà tôi mấy đời nay đều là công chức, không bao giờ chấp nhận loại con dâu như vậy, bảo không được tôi sẽ cưới vợ khác cho con trai để nó biết mặt”. Không bước nổi chân vào nhà, Phương cứ ngồi sụp xuống tại chỗ òa khóc vì cảm thấy quá mệt mỏi, quá tủi thân. Cô đi làm một cách chân chính, chứ có ăn trộm, ăn cướp của ai đâu, hơn nữa tiền làm ra cũng là để nuôi cả bố mẹ chồng, em chồng, vậy mà tại sao vẫn bị đối xử một cách quá quắt như thế?

Hà Vy
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Hồng Đăng và Thanh Hương nói gì khi được nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19?