Bé đã hết tuổi chỉ "tu ti" sữa mẹ cả ngày rồi, từ tháng thứ 6 trở đi con sẽ cần được bổ sung thêm thực phẩm bên ngoài nữa. Mẹ hãy tham khảo để nấu cho bé những món thật ngon, bổ mà dễ chế biến vừa đảm bảo đủ chất cho bé, vừa không tốn quá nhiều thời gian của mẹ.
Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng
Thông thường, bắt đầu từ tháng thứ 6 trở đi là mẹ nên cho bé làm quen với thức ăn ngoài sữa mẹ/sữa công thức. (Đối với bé sinh non, thời gian ăn dặm sẽ muộn hơn một chút, tức là mẹ cộng thêm số ngày bé sinh sớm vào, chẳng hạn bé sinh sớm 2 tuần thì thời gian ăn dặm nên bắt đầu từ 6,5 tháng nhé!) Mục đích của giai đoạn này là giúp bé làm quen với thức ăn, thử phản ứng của bé với các loại thực phẩm khác nhau,... bởi nguồn dinh dưỡng chính cho bé vẫn là sữa mẹ. Dưỡng chất từ thức ăn trong giai đoạn này chỉ chiếm khoảng 10 - 20%.
Bé 6 tháng nên bắt đầu làm quen với cháo trắng...
Về thực đơn ăn dặm cho trẻ 6 tháng, mẹ hãy bắt đầu với những thức ăn mềm, dễ tiêu, được xay/nghiền mịn, không lợn cợn để bé có thể nuốt được dễ dàng. Thông thường, những bữa ăn đầu tiên của bé nên bắt đầu bằng cháo trắng được nghiền, lọc qua rây thật mịn, loãng rồi tăng độ thô, đặc lên dần dần cho phù hợp với tình trạng "tiếp nhận" thức ăn của con. Sau khi làm quen với cháo trắng, mẹ có thể tiếp tục cho bé kết hợp với các loại rau, củ khác như bí đỏ, khoai tây, khoai lang, cà rốt, các loại rau xanh và trái cây. Dần dần, mẹ có thể tiếp tục cho bé thử ăn cá (cá thịt trắng rồi đến cá thịt đỏ), thịt nạc, ức gà, tôm, trứng,... - những thức ăn này nên đợi đến cuối tháng thứ 6, hoặc tốt nhất là mẹ chờ khi bé được 7 tháng hãy cho con ăn nhé!
... được nghiền qua rây cho thật mịn, loãng để có thể nuốt dễ dàng.
Khi bé đã có vẻ "hưởng ứng" với thức ăn, mẹ bắt đầu "trổ tài" nấu nướng với các món kết hợp rau, củ nhiều màu sắc, hương vị như dưới đây nhé! (Lưu ý, bé không cần bất cứ gia vị gì cả nên mẹ tuyệt đối không thêm muối, nước mắm hay hạt nêm vào thức ăn của con).
Bí đỏ nghiền
Gọt vỏ, rửa sạch, cắt nhỏ bí đỏ rồi luộc/hấp đến chín mềm. Mẹ có thể dùng thìa nghiền qua 1 cái rây như trong hình để loại bỏ phần xơ, thô. Bí sau khi nghiền cho vào nồi, thêm nước sao cho đạt độ loãng phù hợp (có thể dùng luôn nước luộc bí), quấy đều rồi đun trên lửa nhỏ đến khi sôi 1 vài phút là được. Mẹ đợi nguội rồi cho bé ăn, cháo bí đỏ vừa bổ lại thơm, ngọt dễ ăn nên bé sẽ rất thích đấy!
Ngoài ra, mẹ có thể hấp thêm khoai tây rồi làm tương tự để được món cháo bí đỏ, khoai tây cũng rất thơm ngon!
Khoai lang nghiền
Thực đơn ăn dặm cho bé với khoai lang
Mẹ chuẩn bị 1 củ khoai lang cỡ nhỏ, đem rửa sạch, gọt vỏ rồi cắt nhỏ, ngâm vài phút trong nước cho hết nhựa, vớt ra để ráo. Cho khoai vào nồi hấp/luộc tới chín mềm, nghiền qua rây cho nhuyễn mịn rồi thêm nước sôi, quấy đều trên bếp vài phút là được món cháo vừa mịn sánh, vừa thơm ngậy cho bé ăn.
Cháo cải ngọt + đậu phụ non
Cải ngọt (có thể thay thế bằng cải chíp, cải bắp hay rau lá xanh theo mùa) đem nhặt rửa sạch, luộc chín mềm rồi cắt nhỏ, nghiền qua rây. Đậu phụ non chần qua nước sôi rồi nghiền tương tự rau cải. Trộn đều hỗn hợp rau với đậu phụ, có thể thêm nước luộc rau để đạt độ sánh mong muốn. Đun hỗn hợp trên lửa nhỏ đến khi sôi vài phút thì bắc xuống, để nguội rồi cho bé ăn. Đây là một món vừa mát, mịn dễ ăn mà cũng không kém phần bổ dưỡng.
Đậu Hà Lan nghiền sữa
Thực đơn ăn dặm cho bé với Đậu Hà Lan
Đậu Hà Lan rửa sạch, cho vào nồi luộc chín mềm. Dùng thìa nghiền đậu qua rây (có thể cho vào máy xay xay thật mịn rồi lọc qua rây), thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức vào phần đậu nghiền, trộn đều để được hỗn hợp thật sánh mịn và cho bé ăn.
Cháo cá cà rốt
Khi bé đã quen dần với các loại rau, mẹ có thể tập cho con ăn thêm thịt động vật, bắt đầu với cá có thịt màu trắng. Món cháo cá cà rốt được chế biến như sau:
Cà rốt rửa sạch, gọt vỏ cắt nhỏ, đem hấp chín rồi nghiền qua rây. Cá hấp chín kĩ, lọc bỏ xương cẩn thận rồi cho vào cối giã nhỏ mịn. Cho cà rốt, cá vào nồi cháo trắng đã nghiền, quấy đều và đun sôi nhỏ lửa trong vài phút. Tắt bếp, đợi cháo nguội rồi cho bé ăn.
Lưu ý: Khi bắt đầu cho bé làm quen với thịt động vật, mẹ nên thật từ từ với lượng rất ít một để hệ tiêu hóa của bé có thể thích nghi và tiêu thụ thức ăn. Tuyệt đối không cho con ăn quá nhiều cá, thịt 1 lúc. Đặc biệt, với các thực phẩm giàu protein như trứng, thịt bò, cá thịt đỏ,... mẹ hãy đợi khi bé được 7 tháng hãy cho con ăn.
Mint
Chuyện Showbiz: Hot girl Thúy Vi khoe vòng 1 căng đét - Hòa Minzy chia sẻ chưa cho con trai gần 2 tuổi học tiếng Anh