Cách điều trị các bệnh về da "dễ mắc khó chữa" cho bé

2015-05-01 06:45
- Làn da được ví như tấm lá chắn bảo vệ cơ thể bé, thế mà có rất nhiều bệnh về da "nhăm nhe" khiến con khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. Mẹ hãy tìm hiểu thật kĩ để biết cách điều trị đúng nhất nếu chẳng may bé mắc bệnh nhé!
Trẻ em rất hay gặp vấn đề về da như rôm sẩy, chàm, nấm, ghẻ... Nhưng việc điều trị những bệnh đó nhiều khi chưa được các mẹ hiểu đúng. Thế nên không tránh được tình trạng "tiền mất tật mang", bệnh chẳng khỏi mà chỉ thấy nặng lên. Vì thế, mẹ hãy tìm hiểu kĩ về các triệu chứng bệnh ngoài da ở trẻ để có cách xử lý, điều trị đúng nhất nhé!
Bệnh về da ở trẻ nếu không điều trị đúng cách sẽ gây hậu quả khó lường. (Ảnh minh họa)
Cách nhận biết các bệnh về da
Bệnh chàm
Chàm sơ sinh có thể xuất hiện rất sớm ở trẻ, khi bé mới được 3 - 4 tháng tuổi, muộn nhất là 2 tuổi. Chàm mọc ở hai bên má, cằm hoặc trán thành hình móng ngựa; cũng có thể mọc ở các vùng da dầy như khuỷu tay, đầu gối... Nhận biết chàm khá dễ: mẹ sờ lên vùng da đổi màu của trẻ mà thấy khô, ráp, thường có mụn nước bé li ti, nếu để lâu sẽ không còn mụn nước mà có vảy nhỏ li ti thì rất có thể bé bị chàm đấy. Chàm có thể do cơ địa, do trong gia đình có người bị chàm, cũng có thể do tiếp xúc với dị nguyên lạ như lông động vật, bụi bẩn,...
Nấm
Có rất nhiều thể nấm nhưng trẻ em hay bị nấm da đầu nhất. Nhiều mẹ hay nhầm với chàm nên mắc sai lầm nghiêm trọng khi điều trị.
Một số đặc điểm nhận biết nấm như: tổn thương trên da hình bầu dục, hình tròn, kích thước từ 2-10cm; có mụn nước li ti quanh bờ viền ranh giới. Tổn thương nấm có xu hướng lành ở giữa, bề mặt có chút vảy da. Ở trẻ, khi nấm da đầu tóc sẽ rụng thành mảng, phủ vảy trắng, tóc bị xén đều còn 3-4mm. Nấm rất dễ lây nên có thể thành dịch, nhất là ở tuổi mẫu giáo, học sinh.
Ghẻ
Là bệnh rất hay gặp, không chỉ ở trẻ nhỏ mà còn ở mọi lứa tuổi. Hình thái ghẻ cũng là những mụn nước rải rác, với trẻ em mụn nước thường ở bàn chân, bàn tay; rất ngứa nên trẻ thường gãi trợt, chảy dịch. Càng về đêm trẻ càng ngứa nhiều nên quấy khóc, khó chịu. Khi bị ghẻ nền da không thay đổi màu sắc, các mụn nước thường đứng riêng rẽ, không thành chùm.
Chốc
Bệnh hay gặp ở trẻ từ 6-12 tháng, chủ yếu do chế độ vệ sinh không đảm bảo, mồ hôi ra nhiều. Cũng có khi là do dùng xà phòng không hợp với độ tuổi trẻ làm mất độ an toàn của da. Biểu hiện bệnh chốc rất điển hình, dễ nhận biết: trên nền da xung huyết, phù nề, ranh giới rõ hình thành các bọng nước có kích thước vài mm. Bọng nước ban đầu chứa dịch trong, sau vài giờ thì hoá mủ đục tạo thành bọng mủ. Bọng nước dễ vỡ và chảy dịch, dịch chảy đến đâu sẽ lây lan đến đó. Bọng nước gặp ở các vùng da hở, nằm rải rác hoặc tụ thành đám. Khi bị chốc làm trẻ rấm rứt khó chịu sinh ra quấy khóc, có thể sốt và sưng hạch.
Cách xử lý và điều trị bệnh
Các bệnh về da thường không được các mẹ quan tâm đúng mực. Nhiều mẹ còn có thói quen ra hiệu thuốc tự mua thuốc về bôi, hoặc tự chẩn đoán rồi tắm bằng các loại nước lá. Chính vì vậy khi đưa đến viện tình trạng bệnh đã rất nặng hoặc có biến chứng không mong muốn. Trong khi đó mỗi bệnh lại có một hướng điều trị hoàn toàn khác nhau. Chỉ đơn giản như nếu sử dụng thuốc điều trị chàm để bôi nấm thì không những tổn thương không khỏi mà còn lan rộng ra hơn. Các mẹ nên nhớ một số nguyên tắc sử dụng thuốc bôi sau:
- Không cạo vảy, nặn mụn nước ra trước khi bôi thuốc.
- Không sử dụng một loại thuốc kéo dài hàng tháng vì có thể gây biến chứng cháy da, sạm da, teo da.
- Thuốc bôi da có dạng dung dịch, kem, hồ nước, mỡ. Mỗi loại dùng cho một thời kì bị bệnh khác nhau:
+ Thời kì cấp: lúc này trên nền da đỏ, mụn nước nhiều, tiết nhiều dịch, vỡ hoặc rỉ dịch, có thể kèm theo đau rát, ngứa nhiều thì sử dụng thuốc dạng nước là tốt nhất. Thuốc tác dụng tại chỗ, ngấm nhanh mà da không bị bít tắc.
+ Thời kì bán cấp: da đỡ đỏ hoặc hết, mụn nước ít, bắt đầu đóng vảy, đau rát hay ngứa đã giảm nhiều, trẻ không còn gãi nhiều thì sử dụng thuốc dạng kem. Thuốc ngấm sâu và thời gian lưu lại trên da lâu hơn, không gây bít tắc da.
+ Thời kì mạn: ở trẻ khi không điều trị đúng, kịp thời hay bị tái đi tái lại nhiều lần có thể để lại nền da thâm, dày, có vảy trắng hoặc không. Lúc này thuốc mỡ lại là sự lựa chọn đúng đắn, vì thuốc mỡ ngấm sâu, lưu lại rất lâu trên da. Có tác dụng làm bong vảy, mềm da.
Chính vì có nhiều giai đoạn bệnh như vậy nên các mẹ cần được sự chỉ định của bác sĩ mới được dùng thuốc. Các bệnh về da hay có xu hướng tái phát, nếu không điều trị tốt có thể để lại các di chứng như:
- Trẻ quấy khóc, khó chịu, bỏ ăn, có thể gầy sút cân, suy dinh dưỡng.
- Ảnh hưởng tới thẩm mĩ: da có nhiều vết thâm, dày.
- Nhiễm khuẩn huyết: từ vết loét, trợt do gãi vi khuẩn xâm nhập vào máu gây biến chứng nặng nề.
Các bệnh về da thường không gây nguy hiểm, cũng không ảnh hưởng ngay đến sức khoẻ của trẻ nên mẹ hay chủ quan. Vì vậy, hãy thay đổi thói quen này các mẹ nhé, cơ thể bé mọi sự thay đổi đều cần được quan tâm sát sao và đièu trị kịp thời. Hãy để con lớn lên với làn da khoẻ mạnh các mẹ nhé!
Mèo Hoa 
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Gom đủ thất vọng rồi sẽ buông tay