11 điều mẹ cần chuẩn bị cho cữ bú đầu tiên hoàn hảo của bé
Tin liên quan
Dẫu biết phụ nữ luôn sẵn có bản năng làm mẹ, nhưng khi đứng trước một thiên thần bé nhỏ mới chào đời, chúng ta vẫn không khỏi lúng túng, nhất là khi cho con bú cữ đầu đời. Mẹ cần lưu ý những điều dưới đây để chủ động hơn, bớt bỡ ngỡ hơn nhé!
1. Cho con bú đúng tư thế
Cho con bú đúng tư thế vừa giúp bé thoải mái, bú được nhiều hơn mà mẹ cũng tránh được việc bị đau núm vú, nứt núm vú. Tư thế cho bé bú đúng chuẩn là khi:
- Cằm bé áp vào ngực mẹ.
- Mũi không chạm vào ngực mẹ hoặc chỉ chạm rất nhẹ.
- Miệng bé ngậm hết quầng vú của mẹ, khi bú không phát ra tiếng "chọp chẹp".
- Môi dưới của bé trề xuống, miệng mở rộng.
2. Cữ bú đầu tiên có thể khiến mẹ bị đau núm vú
Cữ bú đầu tiên có thể khiến mẹ bị đau núm vú do cho bé bú sai tư thế, đầu núm vú bị khô hoặc sữa chưa về nhiều. Tuy nhiên cảm giác này sẽ qua đi nhanh chóng khi mẹ và bé đã quen với các cữ bú tiếp theo.
3. Cảm giác căng sữa
Sữa sẽ về nhiều trong khoảng 3 ngày sau sinh. Lúc này mẹ sẽ cảm giác căng tức sữa ở ngực. Hiện tượng này là do hormone oxytocin giải phóng từ não bộ, kích thích tiết sữa, đẩy sữa vào ống dẫn sữa khiến núm vú bị chảy nhiều sữa. Mẹ sẽ cảm giác hơi nhức đau một chút.
4. Sữa non rất cần thiết cho những ngày đầu đời của bé
Trong những ngày đầu sau sinh, sữa mẹ sẽ tiết ra sữa non – loại sữa vô cùng quý giá chứa hàng nghìn chất dinh dưỡng và đề kháng tốt cho sức khỏe của bé. Sữa non có màu vàng đậm, sau nhạt dần, nhiều mẹ lầm tưởng đây không phải sữa tốt và vắt bỏ đi. Tuy nhiên, hãy cho bé bú sữa non càng sớm càng tốt. Sữa non sẽ giúp bé thải phân su sớm, giảm nguy cơ vàng da.
5. Biết bé bú đủ sữa chưa qua tình trạng phân
Những ngày đầu sau sinh, nếu phân bé có màu sáng chứng tỏ bé bú đủ sữa mẹ. Phân bé thải ra lần đầu sau sinh là phân su có màu đen hoặc xanh sẫm và dính. Sau hai ngày, màu phân sẽ nhạt dần và không có độ kết dính như trước. Sang đến ngày thứ 3, màu phân của bé chuyển màu sáng.
6. Da tiếp da mang lại nhiều lợi ích
Phương pháp da tiếp da sau sinh không chỉ tăng sợi dây gắn kết tình cảm giữa mẹ và con mà còn giúp sữa mẹ về nhanh hơn. Ngoài ra phương pháp này cũng giúp điều chỉnh nhịp tim, lượng đường trong máu và nhiệt độ cơ thể bé. Vì vậy hãy áp dụng phương pháp này sớm nhất có thể.
7. Bé sẽ tự biết tìm tư thế bú thoải mái nhất
Ngay từ khi chào đời, bé đã có sẵn bản năng bú mẹ. Mẹ có thể đặt bé lên ngực mình và quan sát cách bé đi tìm bầu vú mẹ.
8. Dấu hiệu nào chứng tỏ bé đang đói
Khi bé đói, bé sẽ có những biểu hiện sau:
- Bé quay đầu sang hai bên và miệng mở.
- Bé lè lưỡi rồi lại thụt vào liên tục.
- Bé đưa tay gần miệng.
- Bé xoay người khó chịu.
- Bé tạo ra tiếng kêu như tiếng chút chít.
9. Cho bé ợ hơi
Khi bú mẹ, bé sẽ nuốt một ít không khí vào bụng. Những bong bóng khí trong bụng có thể khiến bé khó chịu. Để bé được thoải mái, mẹ hãy cho bé ợ hơi. Thời điểm cho bé ợ hơi tốt nhất là khi chuyển bé bú sang bên ngực còn lại.
Để cho bé ợ hơi, mẹ bế dựng bé, để đầu bé tựa vào vai mẹ. 1 tay mẹ đỡ mông bé, 1 tay vỗ vừa phải lên lưng con. Mẹ cũng có thể đặt bé nằm sấp trên đùi mẹ. Một tay mẹ quàng qua cổ, giữ thân trên của bé, tay kia vỗ nhẹ vào lưng.
10. Bé sụt cân sau sinh là bình thường
Tuần đầu sau sinh bé sẽ sụt cân sinh lý (do đào thải phân su). Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Sau đó bé sẽ tăng cân đều trở lại. Nếu bé sụt từ 3-4 lạng thì mẹ mới cần phải chú ý.
11. Cách nhận biết bé đã bú no
Mẹ có thể biết được bé bú đủ dựa vào tình trạng tăng cân của bé. Bé bú đủ nếu tăng cân như sau:
- Từ 0-3 tháng: Tăng từ 150-200g/ tuần.
- Từ 3-6 tháng: Tăng từ 100-150g/ tuần.
- Từ 6-12 tháng: Tăng từ 70-90g/ tuần.
Việt Hà – Nguồn: MC
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất