Vòng luẩn quẩn của người trẻ: Cật lực kiếm tiền rồi lại dùng tiền để giải quyết những vấn đề sức khỏe

I Am NGA 2022-03-01 09:55
- Vẫn biết thành công phải đánh đổi bằng nhiều thứ nhưng khi đứng trước những cơ hội về tiền bạc, danh vọng, mấy ai có thể biết đủ?

Có thành công nào không phải trả giá?

Ngày nay giới trẻ đã cởi mở hơn khi nói về chuyện tiền bạc. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những bài báo viết về những chàng trai, cô gái kiếm được hàng trăm triệu mỗi tháng, có trong tay tiền tỉ, mua nhà, mua đất khi mới ở độ tuổi hai mươi. Có vẻ như với nhiều người, việc kiếm tiền cũng dễ như ăn bánh.

Liệu có thành công nào mà không phải trả giá? Trên truyền thông hay mạng xã hội, đám đông chỉ nhìn thấy mặt lung linh nhất của những người thành đạt, những thứ mà họ chủ động trưng ra cho người khác thấy.

Vòng luẩn quẩn của người trẻ: cật lực kiếm tiền rồi lại dùng tiền để giải quyết những vấn đề sức khỏe

Trong Tâm lý học có một hiện tượng tâm lý gọi là “Hội chứng con vịt” (Duck Syndrome). Con vịt bơi trên mặt nước nhìn có vẻ thảnh thơi nhưng bên dưới đôi chân của nó phải đạp liên tục để có thể nổi trên mặt nước. Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy những người trẻ thành công mua nhà đẹp, đi xe sang, check-in ở những resort đắt đỏ, trông rất thảnh thơi và tận hưởng. Nhưng họ đã đánh đổi những gì để có được những thứ đó thì chỉ mình họ biết.

Mới đây, trên trang Zing có bài phóng sự về những người trẻ trả giá để có thu nhập tốt. Theo đó, để có thu nhập cao mà không dựa vào gia đình, nhiều người trẻ đã phải đánh đổi thời gian, sức khỏe và cả những mối quan hệ của mình. Chẳng hạn, Nguyễn Nhật Chung (27 tuổi, TP. HCM), bỏ túi đều đặn 50 triệu mỗi tháng, nếu job về liên tục thì anh chàng có thể kiếm gấp ba lần con số này. Nhưng trong suốt 2 năm qua, anh chỉ được ngủ 4 – 5 tiếng mỗi ngày, điện thoại lúc nào cũng phải để gần giường, hễ có chuông báo là bật dậy. Buổi sáng, anh liên tục uống cà phê để tỉnh táo, ban đêm thì phải nhờ đến thực phẩm chức năng để có thể ngủ ngon.

Vòng luẩn quẩn của người trẻ: cật lực kiếm tiền rồi lại dùng tiền để giải quyết những vấn đề sức khỏe

Lưu Thu Hà (26 tuổi, Hà Nội) sau 5 năm đi làm đã sở hữu một căn hộ tại Đà Nẵng, một mảnh đất nền tại Hà Nam và có sổ tiết kiệm hàng trăm triệu cùng các tài sản chứng khoán và vàng. Đổi lại, cô phải làm một lúc nhiều công việc khác nhau, vừa làm vừa học thêm văn bằng hai đại học. Mỗi ngày cô làm việc, học tập 18 tiếng và không có ngày nghỉ. Buổi tối, cô cần uống nhiều rượu để có thể đi ngủ đúng giờ và thức dậy vào 4 giờ hôm sau. Thời gian dành cho đời sống cá nhân như đọc sách, xem phim, tập thể dục gần như là không có. Cô cũng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như huyết áp cao, trào ngược dạ dày.

Liệu những cái giá phải trả có thể giải quyết được bằng tiền?

Là một người có tiền, Hà đã dùng tiền để giải quyết mọi vấn đề, kể cả những vấn đề về sức khỏe với tiêu chí “cái gì không giải quyết được bằng tiền thì có thể giải quyết được bằng rất nhiều tiền”. Cô đăng ký liệu trình nắn xương khớp tại một phòng khám với mức chi phù không rẻ. Để có thể dậy sớm làm việc giữa mùa đông, cô đã trang bị máy sưởi, máy nước nóng để pha cà phê và ăn sáng nhanh. Áp lực duy nhất đối với cô lúc này là sức khỏe không cho phép để bản thân làm việc với cường độ cao hơn nữa.

Nhưng có những thứ không thể giải quyết được bằng tiền, dù bạn có chi bao nhiêu chăng nữa. Như Nhật Chung phải đánh đổi chuyện tình cảm vì đã đổ hết thời gian và sự quan tâm vào công việc. Anh coi đó là cái giá phải trả để có được mức thu nhập như hiện tại.

Vòng luẩn quẩn của người trẻ: cật lực kiếm tiền rồi lại dùng tiền để giải quyết những vấn đề sức khỏe

Vòng “rat race” của cuộc đời không dễ gì thoát ra được

Rat race (cuộc đua chuột) là thuật ngữ dùng để diễn tả những cuộc đua của con người trong cuộc đời. Người ta luôn muốn đạt được thành tựu cao hơn từng ngày, vì thế họ lao mình vào một cuộc đua bất tận không có điểm dừng. Như những con chuột trong phòng thí nghiệp, chúng đua nhau chạy trong một mê cung không lối thoát và chỉ dừng lại khi đã kiệt sức. Phần thưởng chỉ là miếng phô mai bé tí tẹo chẳng hề xứng đáng với những kẻ liều mạng.

Dù phải đánh đổi sức khỏe, tình cảm, đời sống cá nhân thì Nhật Chung hay Thu Hà đều không hề hối hận hay cảm thấy tiếc nuối. Đối với Thu Hà, so với bạn bè cùng trang lứa thì mức thu nhập của cô khá cao, nhưng so với nhiều người trẻ khác thì cô vẫn còn nhiều cột mốc để phấn đấu. Kiếm nhiều tiền có thể khiến cô mệt mỏi nhưng lại đem đến một cuộc sống đủ đầy và những mối quan hệ hài hòa. Còn với Nhật Chung, chặng đường phấn đấu không chỉ đem lại nền tảng tài chính vững chắc mà còn là các mối quan hệ, sự trưởng thành và tự tin. Nếu được chọn lại, anh vẫn đi con đường cũ nhưng sẽ điều chỉnh để làm việc khoa học hơn.

Vòng luẩn quẩn của người trẻ: cật lực kiếm tiền rồi lại dùng tiền để giải quyết những vấn đề sức khỏe

Có lẽ nhiều người sẽ phải choáng ngợp với cường độ làm việc của Thu Hà, Nhật Chung hay những người trẻ thành công sớm bằng con đường tự lực và nghĩ rằng thật không đáng khi “bán mạng” cho công việc như vậy. Nhưng nếu đặt trước mặt họ những cơ hội kiếm tiền khủng, liệu họ có từ chối không? Như cậu bạn tôi, liên tục than vãn về tình trạng mệt mỏi, kiệt sức nhưng bảo cậu dừng lại nghỉ ngơi thì cậu không làm được. Làm freelancer không có giờ giấc cố định, hễ khi nào có job về thì làm. Từ chối không chỉ khiến cậu mất đi một khoản thu nhập mà còn mất mối quan hệ làm ăn, vì không phải lúc nào cũng có job để làm.

Rất khó để người ta có thể chối từ sự cám dỗ của tiền bạc, danh vọng, địa vị xã hội. Đặc biệt với những người trẻ thành công sớm, hầu hết đều giỏi giang, chăm chỉ và có khát khao khẳng định bản thân. Khi chưa có gì trong tay, người ta muốn phải có một thứ gì đó, nhưng khi đã có rồi người ta lại muốn có nhiều hơn. Những tham vọng dường như không có điểm dừng.

Người ta chỉ dừng lại khi xảy ra một biến cố gì đó khiến họ buộc phải dừng lại. Đó có thể là sự thay đổi về nhận thức khiến người ta từ bỏ những giá trị cũ để đi tìm lẽ sống mới. Cũng có thể là khi cái xác thân phàm trần không đáp ứng được cường độ làm việc và tham vọng của con người nữa.

Vòng luẩn quẩn của người trẻ: cật lực kiếm tiền rồi lại dùng tiền để giải quyết những vấn đề sức khỏe

Như Steve Jobs, một người giàu có, thành công đến tột đỉnh, để rồi trong những năm tháng cuối đời mới đau đớn nhận ra chiếc giường đắt nhất thế giới là giường bệnh. Ông thừa nhận rằng mình được biết đến là một hình mẫu thành công nhưng trong cuộc sống lại có rất ít niềm vui. Khi nằm trên giường bệnh, ông mới nhận ra không ai có thể chịu bệnh tật thay cho mình cả. Ông cho rằng khi đã tích lũy đủ giàu, người ta nên theo đuổi những mục tiêu khác ngoài tiền bạc.

Nhưng bao nhiêu mới là “đủ”? Cái đó không đong đếm được, khi người ta bằng lòng với những gì mình có thì họ đủ, còn một khi chưa bằng lòng thì có thêm bao nhiêu vẫn không đủ.

I Am NGA

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Cách làm trắng da bằng Vitamin E - chỉ vài ngàn đồng có ngay làn da tiền triệu