Tiền có mua được động lực không?
Tin liên quan
Một người bạn của tôi từng bỏ ra 20 triệu cho một khóa học tiếng Anh ở một trung tâm nổi tiếng. Ngoài lý do muốn có giáo viên dẫn dắt để học hành bài bản, chị nói việc phải bỏ ra một số tiền lớn như vậy sẽ khiến chị tiếc tiền mà có động lực học hành hơn.
Cậu bạn tôi gần đây cũng đầu tư cho việc học tiếng Anh, cậu thuê một sinh viên của trường RMIT làm gia sư dạy mình nhưng cậu nói học vài tuần rồi mà không mấy hiệu quả. Cậu có hỏi tôi một số ứng dụng học tiếng Anh, nhưng khi tôi hỏi mục đích học của cậu là gì và trình độ hiện tại của cậu thế nào thì cậu đều không biết.
Chị Văn Đinh Hồng Vũ, CEO của một ứng dụng học tiếng Anh nổi tiếng từng chia sẻ trong một talkshow rằng những gói học của ứng dụng thường bán chạy nhất vào dịp đầu năm mới, khi người ta bắt đầu đặt ra những mục tiêu mới cho cả năm. Chinh phục ngoại ngữ, tập thể thao, học một kỹ năng mới là những thứ được nhiều người lựa chọn. Họ thường có một khởi đầu bừng bừng nhiệt huyết, nhưng có thể đi xa đến đâu trên con đường của mình lại là một câu chuyện khác. Nhiều người chỉ đi được một quãng ngắn ngủi rồi bỏ ngang, vì thế không có việc gì tới nơi tới chốn cả. Một năm qua đi, năm sau lại đặt ra những mục tiêu y như năm trước, và rồi lại chẳng đi đến đâu.
Nhiều người gặp khó khăn trong việc tự kỷ luật bản thân nên họ thường chọn giải pháp là bỏ tiền ra mua khóa học, thuê thầy, thuê huấn luyện viên hướng dẫn. Đồng thời họ tin rằng việc bỏ tiền ra sẽ giúp họ có động lực học hiệu quả hơn. Muốn thi IELTS mà không biết phải ôn luyện thế nào, bắt đầu từ đâu, họ đóng một khoản tiền cho những trung tâm cam kết đầu ra và sau đó phó mặc hoàn toàn cho giáo viên. Muốn giảm cân, rèn luyện sức khỏe, có vóc dáng đẹp, cứ bỏ tiền ra mua thẻ tập, thuê PT là xong. Dường như mọi vấn đề có thể được giải quyết chỉ bằng việc chi tiền.
Vậy tiền có mua được động lực không?
Trước hết, phải khẳng định rằng ta không nên tiếc tiền học phí vì học không bao giờ phí. Trên mạng có vô số những khóa học miễn phí chất lượng nhưng cái gì cũng có cái giá của nó. Khi bạn học đến một thời điểm nào đó, tự khắc bạn sẽ muốn nâng cấp lên trình độ cao hơn và những kiến thức nâng cao thường chỉ có trong những khóa học tính phí.
Trong các phương pháp quản lý tài chính cá nhân, nhiều chuyên gia cũng khuyên chúng ta nên dành một khoản tiền nhất định mỗi tháng, thường là 10% thu nhập cho mục đích giáo dục. Khoản tiền này sẽ dùng để mua sách, khóa học, tham gia workshop hay những hình thức khác giúp chúng ta nâng cấp bản thân không ngừng. Vì thế, một người sẵn sàng bỏ tiền ra để mua lấy thứ họ cần là điều hoàn toàn đúng đắn. Việc có người hướng dẫn bài bản vẫn tốt hơn phải tự mày mò, tốn nhiều thời gian hơn, lại dễ đi lòng vòng, chậm đạt được mục tiêu.
Nhưng thầy dạy chỉ là một phần, việc tự học, tự rèn luyện mới quan trọng. Dù người học đã đóng phí và có thầy cô dẫn dắt nhưng có một tình trạng chung rất phổ biến ở mọi trung tâm, đó là lượng học viên cứ rơi rụng dần. Với những khóa học online thì tỉ lệ bỏ dở giữa chừng còn cao hơn nữa. Trên một fanpage của một dịch vụ học tiếng Anh trực tuyến với người bản ngữ, tôi thấy có rất nhiều bình luận muốn bán rẻ lại tài khoản học của mình với lý do phổ biến là “bận không có thời gian học”.
Tiền có thể giúp ta mua được những khóa học đắt đỏ hay tìm những người thầy giỏi nhưng không bao giờ mua được động lực. Tiền chỉ nên là phương tiện giúp ta đạt được mục tiêu của mình, không phải là thứ quyết định thành công. Vì thế, dựa dẫm vào tiền bạc để có động lực làm những thứ buộc phải động tay, động chân và động não là một sai lầm.
Sau những trải nghiệm không mấy thành công, tôi phải cay đắng thừa nhận, tiền không mua được động lực, ít nhất điều đó đúng với tôi. Trong những ngày mỏi mệt cả về thể xác lẫn tâm trí, tôi thẫn thờ đến một trung tâm yoga, đăng ký một khóa học. Tôi mạnh dạn mua hẳn khóa 3 tháng và được tặng thêm 1 tháng tập, tôi nghĩ mình cần phải làm gì đó cho bản thân. Việc tập yoga mang đến cho tôi hứng khởi thời gian đầu. Nhưng dần dần, việc bỏ ra 1 tiếng đi tập mỗi ngày sau giờ làm, về đến nhà khi toàn thân mệt mỏi rã rời, không còn thời gian nấu cơm ăn đã khiến tôi nản dần. Những buổi tập thưa dần, cuối cùng tôi bỏ hẳn.
Tôi cũng từng đăng ký tham gia một khóa học nghệ thuật lên tới cả trăm triệu, học phí kỳ đầu là 20 triệu. Cuối cùng, tôi cũng chẳng trụ nổi qua kỳ đầu do quá bận rộn, mệt mỏi, căng thẳng khi vừa đi học, vừa phải đi làm, khối lượng công việc, bài vở đều nặng như nhau.
Có vẻ động lực là thứ được nhiều người coi trọng. Họ chấp nhận bỏ tiền ra mua cái thứ gọi là “động lực” ấy bằng mọi giá. Song, động lực là thứ khó duy trì được lâu dài. Dù học hay làm thứ bạn yêu thích đến đâu, cũng sẽ đến lúc bạn cảm thấy nhàm chán. Hal Elrod nói: “Việc lặp đi lặp lại có thể gây nhàm chán hoặc tẻ nhạt, đó là lý do rất ít người có thể thành thạo bất cứ điều gì”.
Vậy giải pháp ở đây là gì?
Kể từ khi biết đến phương pháp “thói quen nguyên tử” của James Clear trong cuốn Atomic Habits (Thay đổi tí hon, hiệu quả bất ngờ), tôi đã không còn đánh giá quá cao động lực. Thay vào đó, việc thiết lập những thói quen tốt, dù nhỏ, quan trọng hơn nhiều. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham khảo phương pháp Kaizen của người Nhật, một trong những cuốn sách tôi từng đọc về phương pháp này là Triết lý Kaizen: Bước đi nhỏ thay đổi cuộc đời của Robert Maurer.
Theo đó, thay vì hừng hừng lao vào học hay làm một thứ gì đó khi mình đang nhiệt huyết, tôi làm từng chút một mỗi ngày, quan trọng là làm đều đặn hàng ngày. Hiện tại, tôi đã xây dựng được thói quen tự học, chăm chỉ làm việc nhà hơn, đi bộ mỗi ngày hơn 3,5km và phần nào giải quyết được vấn đề lười vận động. Tất cả nhờ chiến lược xây dựng thói quen nhỏ, thay đổi từ từ và giúp bản thân tốt hơn 1% mỗi ngày.
Có điều gì bạn từng quyết tâm làm nhưng vẫn chưa thành công không? Hãy thử một lần đặt thứ gọi là “động lực” xuống và bắt đầu từ những hành động nhỏ, xây dựng những thói quen nhỏ, rồi sẽ đến lúc bạn gặt hái thành quả bất ngờ.
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất