Overthinking có thật sự tệ? Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết sự thật này!

2024-07-02 10:06
- Chúng ta đừng vội phán xét rằng bản thân chúng ta hoặc người khác đang overthinking (suy nghĩ quá nhiều). Chúng ta đã thực sự lắng nghe và cố gắng hiểu họ chưa?

Khi gõ từ khóa “overthinking” lên thanh công cụ tìm kiếm, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy những bài viết với tiêu đề: “7 dấu hiệu cho thấy bạn là người suy nghĩ quá nhiều”, “13 chiến lược để ngừng overthinking”, “9 mẹo để vượt qua overthinking”.

Là một người hay nghĩ, tôi bắt đầu nghi ngờ tính hiệu quả của những lời khuyên này. Nếu dễ dàng dừng lại việc overthinking như vậy, hẳn sẽ không có nhiều bài viết đến thế.

Tôi tự hỏi liệu chúng ta có đang nhìn nhận việc overthinking một cách quá tiêu cực không? Liệu overthinking có phải là một phần bản chất của con người và nó có ích ở một vài khía cạnh nào đó? Nếu không, liệu quá trình tiến hóa của con người có loại bỏ được đặc tính vô dụng này không?

Chắc chắn, vũ trụ không hề mắc sai lầm khi ban cho con người một bộ não dễ suy nghĩ quá mức.

Overthinking có thật sự tệ?

Từ lâu tôi đã biết mình là một người suy nghĩ nhiều. Điều này giúp ích rất nhiều cho tôi ở trường cũng như tại nơi làm việc vì tôi được công nhận về khả năng phân tích và tư duy chặt chẽ. Tuy nhiên, khi đề cập đến những vấn đề cá nhân như gia đình, các mối quan hệ hay vấn đề nghề nghiệp, khả năng tư duy sâu sắc này của tôi bị coi là suy nghĩ quá mức.

Vài năm trước, tôi đã phải đối mặt với một cuộc hôn nhân thất bại và một công việc mới đầy thử thách cùng một lúc. Giữa những căng thẳng và mệt mỏi, tôi thấy não mình liên tục nghĩ về những gì đang xảy ra và những gì tôi có thể làm. Tôi muốn rời khỏi cuộc hôn nhân - nhưng còn đứa con của chúng tôi, những ràng buộc tài chính của chúng tôi, gia đình nội ngoại hai bên thì sao? Tôi muốn nghỉ việc, nhưng nếu tôi không thể tìm được một công việc tốt hơn vì tuổi tác, kinh nghiệm, thị trường việc làm thì sao?

Khi tôi cố gắng chia sẻ những suy nghĩ này với bạn bè, tôi thường nhận được phản hồi "bạn suy nghĩ quá nhiều rồi". Ban đầu, tôi nghĩ vấn đề thực sự là ở tôi. Tôi ước mình không phải là người suy nghĩ quá nhiều như vậy. Nhưng tôi có thực sự suy nghĩ quá nhiều không? Đây là những việc quan trọng, chẳng lẽ chúng ta không nên suy nghĩ kỹ trước khi quyết định hay sao?

Thật buồn khi mọi người dường như phớt lờ những nỗi sợ hãi và lo lắng của tôi khi nghĩ về những vấn đề của mình. Vì họ không hiểu nên tôi bớt kể với họ.

Bây giờ tôi có thể tự tin nói rằng, nếu hồi đó không có sự suy nghĩ chín chắn, tôi đã không có một cuộc ly hôn tương đối suôn sẻ và thay đổi công việc trong cùng khoảng thời gian đó. Chúng không đến từ may mắn - chúng đến từ sự suy nghĩ cẩn thận, kỹ lưỡng để giảm bớt những ảnh hưởng xấu.

Tôi đã lên kế hoạch và thực hiện việc ly hôn và chuyển đổi công việc của mình giống như một thương vụ trị giá hàng triệu đô la. Đối với những người khác, đó có thể coi là suy nghĩ quá mức. Đối với tôi, đó là sự suy nghĩ cần thiết.

Overthinking có thật sự tệ?

Overthinking - bản chất là tiêu cực?

Overthinking được định nghĩa một cách tiêu cực. Theo Từ điển Cambridge, overthinking là “hành động suy nghĩ về điều gì đó quá nhiều theo cách không hữu ích”.

Hãy thử xét kỹ hơn hai mô tả trong định nghĩa.

Thứ nhất, “quá nhiều” là một thuật ngữ rất chủ quan. Cần phải có mức độ “vừa phải” để làm cơ sở so sánh. Chẳng phải có một ranh giới giữa “suy nghĩ quá nhiều” và “suy nghĩ vừa phải” sao? Và ranh giới đó ở bạn có thể rất khác ở tôi.

Và nếu như có suy nghĩ “quá nhiều” thì cũng có khả năng suy nghĩ “quá ít”, không suy nghĩ thấu đáo về các vấn đề có thể gây hại không kém.

Thứ hai, “không hữu ích” cũng là một thuật ngữ rất chủ quan. Hãy để tôi đưa ra một ví dụ đơn giản:

Một cô gái trẻ đi siêu thị mua ớt cho mẹ. Mẹ cô đã quên nói rõ màu ớt mà bà muốn. Cô gái trẻ đứng nhìn các loại ớt trong siêu thị và suy nghĩ rất lâu nên mua màu nào.

Nếu bạn đứng cạnh cô gái và quan sát cô ấy, bạn có thể nghĩ “tại sao cô ấy lại mất nhiều thời gian để đưa ra quyết định như vậy? Chắc cô ấy suy nghĩ quá nhiều rồi, chọn màu nào cũng được!” Đối với bạn, việc chọn màu sắc của ớt để mua là vô ích.

Nhưng cô gái thì khác. Mẹ cô rất khó tính và nóng nảy. Có lần cô mang về nhà những củ cà rốt thường thay vì cà rốt bao tử, mẹ cô đã nổi cơn tam bành, hét lớn và mắng cô vì sự ngu ngốc của mình. Việc suy nghĩ cẩn thận nên mua loại ớt màu nào chắc chắn sẽ giúp cô gái tránh việc bị mắng té tát như vậy.

Mặc dù mẹ cô không nói rõ màu sắc, cô vẫn thận trọng nhớ lại món ăn mà mẹ cô đang chuẩn bị và liệu mẹ có từng dùng một loại ớt nào trước đây hay không. Mất nhiều thời gian hơn bình thường nhưng cô bé đã tính toán được.

Những gì hữu ích với cô ấy có thể không hữu ích với bạn. Chúng ta không ở trong hoàn cảnh của cô ấy để có thể đánh giá.

Và cô bé ấy chính là tôi.

Overthinking có thật sự tệ?

Tại sao suy nghĩ thận trọng thường bị nhầm lẫn là suy nghĩ quá mức?

Mọi người thường không có thời gian và sự kiên nhẫn để lắng nghe. Người nói cũng không biết diễn đạt và tóm tắt những suy nghĩ của mình. Nếu không có đủ thông tin và hiểu biết về cuộc sống của nhau, có thể dễ dàng nảy sinh nhận xét rằng người khác đang suy nghĩ quá nhiều.

Hãy thử nghĩ xem, có bao nhiêu người trong cuộc đời bạn đã thực sự dành thời gian để lắng nghe và thấu hiểu bạn? Một hoặc hai người bạn tốt? Và có lẽ cả những nhà trị liệu và tham vấn được trả tiền để làm việc đó.

Nhiều lần, sau khi lắng nghe sâu sắc các vấn đề của chúng ta, những người bạn và nhà trị liệu sẽ hiểu được ta đang gặp phải vấn đề gì và giúp ta hiểu rõ hơn về vấn đề của mình.

Khi chúng ta suy nghĩ nhiều về một vấn đề, chúng ta có xu hướng mổ xẻ vấn đề đó đến tận cùng dưới mọi góc độ, cả mặt tích cực và tiêu cực. Vấn đề là chúng ta thường nói nhiều hơn về các khía cạnh tiêu cực và tạo ấn tượng rằng chúng ta chỉ suy nghĩ tiêu cực, hay suy nghĩ quá mức.

Riêng tôi cho rằng những mặt tích cực của một vấn đề là hiển nhiên và không cần phải thảo luận dài dòng. Những mặt tiêu cực mới là những mặt cần được tập trung vì chúng cần được giảm nhẹ hoặc giải quyết.

Vậy làm thế nào để chúng ta suy nghĩ một cách hữu ích?

Overthinking có thật sự tệ?

Suy nghĩ là một siêu năng lực của con người. Xét đến mức độ phức tạp của bộ não con người, liệu bạn có ngạc nhiên khi biết chúng ta có khả năng suy nghĩ rất nhiều không?

Một bài báo trên Scientific American ước tính dung lượng lưu trữ bộ nhớ của não là khoảng 1 triệu gigabyte, với hơn một nghìn tỷ kết nối giữa một tỷ tế bào thần kinh. Khả năng lưu trữ này tương đương với 3 triệu giờ chương trình truyền hình, đủ để phát liên tục trong 300 năm.

Nếu đó là khả năng lưu trữ của não chúng ta, vậy khả năng xử lý của nó thì sao. Não người được biết là xử lý hiệu quả hơn nhiều so với máy tính. Những gì máy tính có thể mất vài triệu bước để tính toán thì não người chỉ mất vài trăm lần truyền nơron thần kinh. Ngoài ra, con người có khả năng lập kế hoạch và ra quyết định. Khả năng nhận thức vượt trội này khiến chúng ta khác biệt với các loài động vật khác. Có vẻ như sức mạnh não bộ cũng khiến chúng ta dễ suy nghĩ quá mức.

Điều quan trọng là chúng ta cần suy nghĩ một cách hiệu quả thay vì suy nghĩ quá mức theo hướng tiêu cực. Dưới đây là 4 quy tắc cần ghi nhớ.

1. Khi suy nghĩ, hãy cố gắng làm rõ hơn các vấn đề một cách có ý thức, với một mục tiêu ra được quyết định hoặc có kế hoạch hành động cụ thể trong khung thời gian nhất định.

2. Nhận ra khi nào suy nghĩ bị mắc kẹt và dẫn đến sự bối rối hoặc lo lắng. Đây là lúc nói chuyện với ai đó có thể hữu ích.

3. Bạn có thể chọn lọc người để nói chuyện. Một số người sẽ không đủ kiên nhẫn hoặc chân thành để lắng nghe vấn đề của bạn và có thể sẽ đánh giá bạn là người suy nghĩ quá nhiều.

4. Khi nói chuyện về vấn đề với ai đó, tốt nhất là đề cập đến cả mặt tích cực và tiêu cực. Điều này giúp mọi người hiểu rằng chúng ta đã suy nghĩ kỹ về vấn đề từ nhiều góc độ trước khi đi sâu vào các phần cụ thể cần giải quyết.

Overthinking có thật sự tệ?

Phân biệt giữa suy nghĩ hữu ích và suy nghĩ quá mức

Suy nghĩ sẽ không hữu ích nếu nó dẫn đến tình trạng bối rối, lo lắng kéo dài hoặc không thể đưa ra quyết định. Ngược lại, nếu việc suy nghĩ nhiều về điều gì đó cuối cùng dẫn đến sự rõ ràng hơn, những kế hoạch cẩn thận hơn và những quyết định chắc chắn hơn thì việc suy nghĩ đó có thể được coi là rất hữu ích.

Người có thể phân biệt giữa suy nghĩ hữu ích và suy nghĩ quá mức là chính chúng ta và những người hiểu rõ chúng ta. Như câu nói, không ai xỏ vừa đôi giày của người khác. Tuổi thơ, cách ta được nuôi dạy và hàng thập kỷ kinh nghiệm sống của mỗi người đã thiết lập nên các mô hình suy nghĩ của chúng ta.

Chúng ta đừng vội phán xét rằng bản thân chúng ta hoặc người khác đang suy nghĩ quá nhiều. Chúng ta đã thực sự lắng nghe và cố gắng hiểu họ chưa?

Overthinking có thật sự tệ?

Tôi không bác bỏ thực tế rằng có thể có những lý do về sức khỏe tinh thần dẫn đến việc một người thường xuyên có những suy nghĩ tiêu cực. Đã có rất nhiều bài viết về việc suy nghĩ quá mức như một triệu chứng hoặc làm phát sinh lo âu và trầm cảm. Nhưng chúng ta cũng nên kiềm chế việc đưa ra phán đoán hoặc vội vã quy kết tình trạng bệnh lý cho một hành động mà nhiều người trong chúng ta thực hiện thường xuyên.

Tôi chắc chắn rằng các nhà triết học qua nhiều thế kỷ (như Seneca, Khổng Tử và Gandhi) có thể đã được coi là những người suy nghĩ quá mức trong thời đại của họ. Nhưng suy nghĩ của họ hữu ích như thế nào để mang lại lợi ích và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ?

Mặc dù suy nghĩ quá mức có thể gây mệt mỏi, nhưng khi phải đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc sống, tôi thà cẩn thận hơn bằng cách suy nghĩ nhiều hơn là suy nghĩ quá ít.

Vân Du (Tổng hợp/ Theo M.Lish - TinyBuddha).

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


3 cách an toàn và dễ làm để rã đông thịt