Nỗi ám ảnh cả đời khi bố mẹ xem nhật ký hay điện thoại của con rồi đi kể khắp nơi

I Am NGA 2022-03-17 10:30
- Nhân danh tình yêu và sự quan tâm, nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng áp đặt, kiểm soát con thái quá khiến con cô đơn và chẳng còn chốn bình yên nào để tìm về.

Không phải tuổi thơ nào cũng đẹp đẽ để quay về

Vợ một nghệ sĩ nổi tiếng công khai hình ảnh nhóm chat có nội dung 18+ trong điện thoại của con với lời kêu gọi: “Các bác kiểm tra tài khoản Facebook của con các bác đi”. Chị cũng cho biết rằng mình đã đập nát hai chiếc điện thoại của con. Dù chị làm việc này để bảo vệ con, để cảnh tỉnh các bậc phụ huynh hay vì điều gì chăng nữa thì hành động này cũng quá nóng vội. Rất nhiều quan điểm trái chiều, những hình ảnh chế cháo, cười cợt của cộng đồng mạng đưa câu chuyện ngày một đi xa. Từ khi nào mà việc bố mẹ kiểm tra Facebook của con được coi là điều bình thường hiển nhiên?

Nỗi ám ảnh cả đời khi bố mẹ xem nhật ký hay điện thoại của con rồi đi kể khắp nơi

Điều này khiến tôi chợt nhớ về thời niên thiếu của mình với những trải nghiệm không mấy vui vẻ. Thời đó điện thoại di động chưa phổ biến nên cuốn nhật ký được xem là chốn riêng tư của tuổi mới lớn. Tôi viết trong một cuốn vở bình thường về những suy nghĩ, băn khoăn của một cô bé tuổi mới lớn, chẳng hề có những bí mật khủng khiếp hay nói xấu ai.

Tôi đi học xa nhà từ nhỏ, cấp hai tôi sống cùng bà trẻ - một người họ hàng bên ngoại. Vì tôi xa bố mẹ nên bà trẻ được gửi gắm trọng trách dạy dỗ tôi. Mặc dù tôi mới 12 tuổi nhưng đã được dạy dỗ nghiêm khắc về nữ công gia chánh, để đảm bảo sau này tôi đi lấy chồng sẽ không làm mất mặt gia đình. Với sự vụng về ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, chẳng có việc gì tôi làm khiến bà trẻ hài lòng. Điều buồn hơn cả là việc tôi nhỡ nấu nồi cơm sống hay nhão, rau luộc không xanh hay món kho hơi mặn, hôm sau cả xóm đều biết. Tôi bị dán nhãn là một đứa vụng về, làm gì cũng không nên hồn.

Nỗi ám ảnh cả đời khi bố mẹ xem nhật ký hay điện thoại của con rồi đi kể khắp nơi

Điều buồn hơn cả là trong lúc tôi đi học, bà đọc nhật ký của tôi, sau đó tỏ ra không hài lòng. Kể từ đó tôi không dám viết nhật ký nữa. Lớp 8, tôi bắt đầu viết thư cho thần tượng, một ca sĩ trẻ nổi tiếng lúc bấy giờ. Tôi ra quán net lập nick Yahoo để không bị lạc hậu với bạn bè. Rồi chuyện đến tai bố mẹ, tôi bị cả nhà “đấu tố” như thể mình vừa làm việc gì khủng khiếp lắm, trong khi kết quả học tập của tôi vẫn tốt.

Khi ấy tôi cảm thấy cô đơn và buồn bã vô cùng, bao nhiêu nỗi niềm tâm sự không biết trút vào đâu vì đến cuốn nhật ký cá nhân, không gian riêng tư nhất cũng bị xâm phạm. Tuổi dậy thì, tôi tự tìm hiểu rồi tự đi mua băng vệ sinh về dùng chứ chẳng dám mở miệng hỏi bà nửa câu. Trong mắt tôi khi ấy, bà là người rất khó tính và khiến tôi thấy sợ.

Người ta vẫn nói cuộc sống của người trưởng thành nhiều áp lực, ai cũng muốn có một tấm vé quay về tuổi thơ. Nhưng đâu phải tuổi thơ nào cũng đẹp đẽ để quay về. Tuổi thơ của tôi, và có lẽ cũng giống nhiều người khác, là những áp lực của trẻ con khi vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào người lớn. Chúng không hề có tiếng nói trong gia đình, chúng chưa bao giờ được lắng nghe. Cái gì người lớn bảo xấu thì đó là xấu và những thứ xấu xa thường bị cấm đoán mà không cần giải thích ngọn ngành. Khi ấy, tôi đã mong mình lớn thật nhanh, để không bị coi là trẻ con nữa, để có thể làm chủ cuộc đời mình.

Nỗi ám ảnh cả đời khi bố mẹ xem nhật ký hay điện thoại của con rồi đi kể khắp nơi

Trong câu chuyện người mẹ đập điện thoại của con vì có nội dung 18+, từ đầu đến cuối là cuộc chiến giữa chị và cộng đồng mạng. Chị không thấy mình sai, chị cho rằng không ai thương con bằng mẹ, Facebook của con do hai mẹ con cùng quản lý nên chị không hề xâm phạm quyền riêng tư khi xem điện thoại của con và đăng lên mạng xã hội. Chị cũng cho rằng việc bố mẹ xem điện thoại của con rồi đập vỡ là chuyện bình thường, hầu như nhà nào cũng có. Không ai quan tâm xem cậu bé trong câu chuyện cảm thấy thế nào, cậu sẽ đối mặt với bạn bè ra sao khi chính bản thân mình trở thành ví dụ để mẹ mình cảnh tỉnh những bậc phụ huynh khác.

Chúng ta đều từng là những đứa trẻ, ngây ngô, vụng về, sai lầm, vấp ngã và sửa sai. Cách mà bạn được giáo dục những năm tháng đầu đời có thể quyết định phần lớn đến cuộc đời của bạn. Sẽ thế nào với một đứa trẻ khi gia đình không còn là nơi an toàn để nó có thể tin tưởng, sẻ chia? Sẽ thế nào với một người trưởng thành vẫn phải sống với những ám ảnh thời thơ ấu?

Nỗi ám ảnh cả đời khi bố mẹ xem nhật ký hay điện thoại của con rồi đi kể khắp nơi

Làm cha mẹ là một trong những bài học lớn nhất đời người

Người ta có câu “Sinh con rồi mới sinh cha”. Những người đàn ông, phụ nữ trưởng thành chỉ được định hình vai trò làm cha mẹ của mình kể từ khi họ có con. Cùng với sự học hỏi, trưởng thành của đứa trẻ, cha mẹ cũng phải học hỏi và trưởng thành không ngừng cùng con. Gia đình chính là cái nôi giáo dục đầu tiên của trẻ con trước khi chúng đến trường học. Nhưng những gì cha mẹ dạy con cái chưa chắc đã là những điều đúng đắn tuyệt đối. Có thể bản thân họ cũng đem những điều họ từng được dạy để dạy lại cho con cái mình, trong đó có những niềm tin, giá trị cũ đã trở nên lỗi thời.

Trẻ con bây giờ thậm chí còn thông minh và rành công nghệ hơn cả cha mẹ. Chúng cũng được hấp thụ những luồng tư duy mới mẻ và hiện đại hơn. Giáo dục giới tính là môn học mà trẻ em nên được học từ sớm, nhưng trong nhiều gia đình, đây vẫn là đề tài cấm kị, được gắn với những thứ xấu xa.

 Nỗi ám ảnh cả đời khi bố mẹ xem nhật ký hay điện thoại của con rồi đi kể khắp nơi

Nếu nhìn cuộc đời dưới góc độ những bài học thì việc làm cha, làm mẹ là một bài học lớn của đời người, và không phải ai cũng làm tốt vai trò của mình. Thay vì kiên nhẫn lắng nghe và thấu hiểu con, nhiều cha mẹ đi đường tắt bằng cách can thiệp thô bạo vào những thứ riêng tư của con, như cuốn nhật ký hay chiếc điện thoại. Họ nghĩ rằng mình đã ngăn chặn kịp thời để con không tiếp thu những cái xấu, nhưng sau đó họ còn lại gì khi khoảng cách giữa con cái với cha mẹ ngày càng lớn? Đến một lúc nào đó, họ sẽ nhận ra chẳng thể bảo vệ con bằng cách nhốt chúng trong lồng kính và giám sát chặt chẽ. Rồi đến một ngày, họ sẽ cảm thấy bất lực khi con cái càng lúc càng tuột khỏi tầm tay của họ.

Thời đại bây giờ, không thể tránh việc trẻ con tiếp xúc với công nghệ từ sớm, nhất là khi nhu cầu học trực tuyến tăng cao trong dịch bệnh. Cha mẹ vẫn nên tạo một không gian an toàn trên mạng cho con thay vì cấm đoán.

Rồi này câu chuyện mẹ cậu bé đập điện thoại cũng sẽ rơi vào dĩ vãng. Dù thế nào cũng nên thông cảm cho người mẹ, không phải ai cũng vừa giỏi kiếm tiền, vừa là một người mẹ tuyệt vời, dạy con khôn léo. Nhưng giá như người mẹ bình tĩnh hơn, tinh tế hơn thì đã không khiến sự việc ồn ào, rồi người bị ảnh hưởng nhất lại là trẻ con.

I Am NGA

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


5 cách diện áo cổ lọ ôm sát chuẩn chỉnh như hội gái Hàn