Những chướng ngại trong hôn nhân: Một cuộc trò chuyện sâu có thể giải quyết tất cả?
Tin liên quan
Các vấn đề chắc chắn sẽ nảy sinh trong bất kỳ cuộc hôn nhân hoặc mối quan hệ nào và mọi người thường tránh né những cuộc trò chuyện khó khăn xung quanh họ. Nhưng những cuộc nói chuyện rất khó khăn đó lại là chìa khóa để cả hai có thể hiểu nhau hơn.
Tại sao những cuộc nói chuyện sâu về cuộc hôn nhân của bạn lại quan trọng đến vậy
Giả vờ như không có gì sai có thể sẽ khiến bạn và đối tác của mình đi trên vỏ trứng xung quanh nhau — và nếu không thể giao tiếp với nhau, bạn cũng sẽ không biết cách cư xử với nhau. Kết quả: Một mối quan hệ có cảm giác không chân thực.
Việc trải qua một cuộc nói chuyện sâu, cùng nhau nói về những điều khó khăn trong hôn nhân sẽ giúp cả hai mở lòng, nhìn thấy được nỗi niềm của người còn lại và thấu hiểu, tháo gỡ được nhiều khúc mắc hơn.
Hơn nữa, những vấn đề chưa được giải quyết có xu hướng lặp lại theo thời gian, gây ra cay đắng và oán giận. Nếu bạn không đồng ý về cách nuôi dạy con cái, tranh cãi về tiền bạc hoặc đối mặt với bất kỳ vấn đề hôn nhân thông thường nào khác, hãy cùng nhau ngồi lại để thảo luận và tìm ra hướng giải quyết. Vì việc bỏ qua các vấn đề thậm chí có thể khiến cuộc hôn nhân của bạn thất bại .
Trên thực tế, các nghiên cứu luôn cho thấy giao tiếp tốt là một trong những yếu tố mà hầu hết các mối quan hệ lâu dài thành công đều có. Dưới đây là một số mẹo để trải qua những cuộc trò chuyện sâu sắc có thể hóa giải nhiều vấn đề trong các mối quan hệ, đặc biệt là hôn nhân.
Nhìn vào sự mong đợi của bạn
Nếu bạn mong đợi cuộc trò chuyện sẽ diễn ra tồi tệ thì có thể nó sẽ diễn ra như vậy. Nếu bạn cho rằng việc nói chuyện lớn sẽ khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn thì có lẽ điều đó sẽ xảy ra. Thay vào đó, hãy xác định kỳ vọng của bạn về cuộc trò chuyện theo hướng tích cực. Hãy tưởng tượng điều bạn muốn xảy ra, điều đó sẽ khiến tâm trạng bạn tích cực hơn, vì tâm trạng sẽ quyết định thái độ, từ ngữ bạn dùng trong cuộc hội thoại để điều hướng hướng đi của cuộc nói chuyện.
Hiểu động lực của bạn
Biết lý do tại sao bạn muốn nói chuyện. Bạn có muốn hiểu rõ hơn về quan điểm của đối tác của mình không? Làm sáng tỏ sự hiểu lầm? Thảo luận về một lời nói dối bị nghi ngờ hoặc hành vi gây tổn thương? Hoặc có thể bạn lo lắng về mức độ thân mật của mình với nhau và muốn gần gũi hơn. Dù vấn đề là gì, việc suy nghĩ thấu đáo về điều này sẽ giúp bạn tiếp cận tình huống một cách trung thực và tôn trọng.
Hãy chấp nhận thực tế
Chấp nhận rằng cuộc trò chuyện sẽ không thoải mái. Cả hai bạn có thể sẽ phòng thủ và dễ xúc động, vì vậy hãy dành chút thời gian để hình thành những gì bạn muốn nói trước khi bắt đầu. Hãy suy nghĩ xem lời nói của bạn có thể được đón nhận như thế nào và bạn có thể trả lời như thế nào. Bằng cách này, bạn có thể phản hồi dựa trên logic thay vì sự bốc đồng và cảm xúc.
Cách bắt đầu cuộc trò chuyện
Tránh nói "chúng ta có thể nói chuyện được không?" hoặc "chúng ta phải nói chuyện", điều này có thể khiến đối phương lo lắng. Thay vào đó hãy xem xét những phần mở đầu như “Anh/em đang suy nghĩ về…”, “Anh/em có nghĩ rằng chuyện abc…”, “Anh/em muốn mình cùng thảo luận về…”. Hãy nhẹ nhàng và điềm tĩnh, bạn chắc chắn sẽ kiểm soát được tình hình. Hãy nhớ nói rõ rằng đó là một cuộc trò chuyện chứ không phải một cuộc tranh cãi.
Chọn đúng thời gian và địa điểm
Việc tìm ra thời điểm và địa điểm để cho một cuộc nói chuyện sâu, không bị gián đoạn, không bị tác động bên ngoài cũng rất quan trọng. Dĩ nhiên đây không phải lúc để gây bất ngờ hay thao túng. Đừng mời vợ/chồng của bạn đi xem phim khi bạn định nói chuyện tại nhà hàng. Đừng đề cập đến một chủ đề khó khăn trong ô tô, trên máy bay,..
Sau khi bạn quyết định nói chuyện, hãy cho đối phương một chút thời gian để suy nghĩ về chủ đề nhưng không quá 48 giờ. Đừng yêu cầu họ đồng ý về thời gian cho đến khi bạn bình tĩnh lại. Và sẽ rất khó có một cuộc trò chuyện nghiêm túc trước hoặc sau khi cả hai có tâm trạng không ổn định (quá vui hoặc quá buồn bực) như chuyện giường chiếu hay một bữa nhậu say mèm.
Thống nhất về nơi để nói chuyện. Bạn có thể thích một địa điểm công cộng như nhà hàng, nơi ít có khả năng xảy ra tiếng ồn lớn và bộc phát giận dữ. Nếu bạn muốn nói chuyện ở nhà, hãy đảm bảo con trẻ không có ở nhà vào thời điểm đó.
Tiếp cận một cách nhẹ nhàng và thẳng thắn
Những cuộc nói chuyện kiểu này có thể nhanh chóng trở nên xúc động. Để duy trì cuộc trò chuyện hiệu quả bạn cần lưu ý một vài điều sau.
Hãy thẳng thắn nhưng thể hiện sự tôn trọng. Đừng nói xấu hay công kích, đừng ngắt lời và hãy thực sự lắng nghe thay vì đoán trước những gì bạn sẽ nói tiếp theo.
Bạn cũng cần để ý đến giao tiếp phi ngôn ngữ. Duy trì giao tiếp bằng mắt . Hãy thể hiện rằng bạn lắng nghe đối tác của mình, ngay cả khi bạn có thể không đồng ý với những gì họ đang nói.
Cuối cùng, hãy thể hiện rằng bạn biết các bạn có những quan điểm khác nhau và bạn thực sự có thiện chí muốn làm việc cùng nhau để hiểu chúng. Sau khi đạt được thỏa thuận mà cả hai đều có thể chấp nhận, hãy dành thời gian để theo dõi và cam kết với nhau về vấn đề mà các bạn đã thảo luận.
Nghiên Nhiên (Tổng hợp/ Theo VeryWellMind)
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất