Khi đàn ông là nạn nhân của bạo lực gia đình: Đàn ông không mạnh mẽ không phải là cái tội

2022-05-02 15:40
- Khi trở thành nạn nhân của bạo lực trong gia đình, nhiều người đàn ông câm nín và chịu đựng trong thời gian dài. Thay vì lên tiếng hay tìm kiếm sự trợ giúp, họ bị ngăn cản bởi quan niệm: “Là đàn ông, phải thật mạnh mẽ”.

‘Tôi, Johnny Depp, một người đàn ông, tôi cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình’

Những người yêu thích dòng phim tâm lý giật gân có lẽ chẳng còn lạ gì với Gone Girl, một bộ phim chuyển thể đình đám của Mỹ công chiếu năm 2014. Vào buổi sáng nhân ngày kỷ niệm 5 năm kết hôn, vợ của Nick Dunne – Amy đã đột ngột biến mất một cách bí ẩn. Bố mẹ, chồng của Amy và cảnh sát đã nỗ lực truy tìm nhưng tất cả bằng chứng để lại tại hiện trường, nhưng tất cả đều cho thấy chính Nick là kẻ đã ra tay sát hại vợ mình. Mọi sự nghi ngờ đều đổ dồn vào Nick, công chúng cho rằng người chồng chính là kẻ vũ phu dối trá, ngoại tình và ăn hại.

Tuy nhiên, nửa cuối phim đã khiến khán giả ngỡ ngàng, ngơ ngác và “bật ngửa”. Hoá ra sự mất tích đầy máu me của Amy không phải là do bị ai giết hại, mà là do cô tự biên tự diễn để “dằn mặt” gã chồng mình sau khi thấy cuộc hôn nhân đã không còn được mặn nồng như trước. Người vợ nội tâm phức tạp này cực kỳ thông minh khi dắt mũi được không chỉ khán giả mà cả đám cảnh sát hùng hậu, từ việc kết thân với hàng xóm láng giềng để nguỵ tạo hình ảnh một người vợ ngoan hiền, mua sắm bạt mạng bằng thẻ tín dụng của chồng để tạo những khoản nợ khổng lồ, cho đến việc lấy nước tiểu của bà bầu, tạo hiện trường giả, viết một cuốn nhật ký trong tưởng tượng… Mọi thứ đều được Amy tính toán và hành động một cách vô cùng kỹ lưỡng, khiến cho bậc thầy của những chiếc bẫy cũng phải xin ngả nón chào thua. Còn Nick, anh ta chẳng khác nào một con rối khi bị chính vợ mình cài cắm dàn xếp để trở thành một kẻ sát nhân bất đắc dĩ.

Vụ kiện Johnny Depp: Ngay cả đàn ông cũng có thể là nạn nhân của bạo lực gia đình

Người vợ trong Gone Girl đã tính toán và hành động một cách vô cùng kỹ lưỡng, khiến cho bậc thầy của những chiếc bẫy cũng phải xin ngả nón chào thua. 

Phim ảnh vẫn thường có những cú twist khiến khán giả phải “bổ nhào” là vậy. Thế nhưng, đôi khi những cú twist ngoài đời thực cũng chẳng kém phần gay cấn, thậm chí còn gây sốc hơn nhiều. Vụ kiện đang ồn ào của vợ chồng nhà Johnny Depp và Amber Heard là một ví dụ.

Johnny và Heard kết hôn vào đầu năm 2015. Tuy nhiên chỉ sau hơn một năm làm vợ chồng, Heard đã đệ đơn ly hôn và tố chồng bạo hành. Để chứng thực cho lời nói của mình, Heard đưa ra những bức ảnh cô bị thương ở mặt, cùng lời khai của hai nhân chứng. Cụ thể như Heard cáo buộc, Johnny đã tát và đánh Heard quá mạnh khiến cô chảy máu môi, nam diễn viên còn ném miếng kính vỡ vào người và xé váy của cô. Mặc dù đã phủ nhận các cáo buộc nhưng Johnny vẫn chấp nhận bồi thường 7 triệu USD (160 tỷ đồng) để kết thúc vụ ly hôn ồn ào. Hình tượng nam tài tử bắt đầu “vỡ tan tành” trong mắt công chúng và sự nghiệp cũng tụt dốc từ đó.

Cương quyết không nhượng bộ trước hành vi bạo lực, Amber Heard được công chúng coi như người hùng của các phong trào nữ quyền. Rồi đúng lúc phong trào Metoo xuất hiện như một làn sóng mới, Heard được mời làm diễn giả trong nhiều sự kiện về nhân quyền, để truyền cảm hứng về quyền phụ nữ và bạo lực gia đình. Năm 2018, Amber viết hẳn một bài báo cho tờ Washington Post, trong đó miêu tả tường tận những chi tiết về cuộc hôn nhân đầy bạo hành của cô. Ngay sau đó, Johnny Depp tiến hành khởi kiện vợ cũ tội phỉ báng và bịa đặt khi bị nữ diễn viên nhắc đến trong bài viết, đòi bồi thường 50 triệu USD. Heard cũng chẳng vừa, lập tức đưa ra phản bác và kiện ngược lại Johnny Depp, đòi bồi thường số tiền gấp đôi: 100 triệu USD.

Từ đây, câu chuyện càng thêm ly kỳ khi nam tài tử phơi bày lượng bằng chứng đồ sộ với 87 băng ghi hình từ camera cùng loạt nhân chứng để tố giác chính vợ cũ mới là người gây hấn, bạo hành và chửi bới anh. Johnny chỉ ra, Heard đã ném chai thuỷ tinh vào anh nhiều hơn một lần và khiến ngón tay anh bị đứt lìa một cách “rùng rợn như phim”. Sau đó nam tài tử đã đến bệnh viện để nối lại ngón tay nhưng để giữ hình ảnh cho vợ cũ và cũng là hình ảnh mạnh mẽ của chính mình, Johnny chỉ nói rằng gặp tai nạn khi đang chơi đàn. Vợ cũ còn dùng cánh cửa phòng tắm đập vào đầu và đấm vào hàm nam tài tử. Một lần khác, vào ngày sinh nhật của Heard, do Johnny trễ hẹn nên Heard đã có “màn trả thù bằng phân người” trên chính giường cưới của họ. Nam diễn viên cáo buộc vợ cũ đã nhiều lần dọa tự tử lúc hai người tranh cãi. Mỗi khi anh định bỏ đi vì không muốn tiếp tục căng thẳng, vợ cũ sẽ ngăn anh lại, khóc lóc, la hét và dọa "sẽ chết".

Đặc biệt, trong một đoạn ghi âm, Heard nói rằng: "Hãy nói cho cả thế giới đi Johnny, hãy nói với họ rằng: Tôi - Johnny Depp, một người đàn ông, cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình, để xem ai sẽ tin anh và đứng về phía anh!" . Tại phiên toà, Johnny Depp đã đứng lên và thừa nhận trong đau khổ:

"Tôi, Johnny Depp, một người đàn ông, tôi cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình".

Vụ kiện Johnny Depp: Ngay cả đàn ông cũng có thể là nạn nhân của bạo lực gia đình

Giới tính nào cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, của quấy rối tình dục và hơn thế nữa

Tạm khoan bàn xem ai mới thực sự là người dối trá trong câu chuyện trên, bởi phiên toà vẫn đang xét xử và chẳng ai dám nói trước điều gì về những “ông vua, bà hoàng” thích làm loạn. Biết đâu, công chúng sẽ lại được dịp cười trào lộng trước những sự thật kinh hoàng khác sắp được phơi bày. Nhưng video ghi lại cảnh Johnny Depp thú nhận tại toà là mình nạn nhân của bạo lực gia đình đã và đang thu hút sự chú ý rất lớn trên MXH những ngày gần đây. Nó khiến người ta phải nhìn nhận lại rằng, ừ đúng thế, bạo lực gia đình chẳng trừ một ai cả.

Đức thống kê rằng mỗi năm có tới 26.000 đàn ông là nạn nhân của bạo lực gia đình, theo DW, và 20% nạn nhân các vụ bạo hành là nam giới. Còn ở Anh, con số đó lớn hơn rất nhiều. Theo công bố của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, có 13,6% nam giới và 28,4% nữ giới từ 16 đến 74 tuổi cho biết đã bị ngược đãi trong gia đình. Tức là, cứ ba nạn nhân của ngược đãi trong gia đình thì hai người là nữ, một người là nam. Tỉ lệ 2:1 này còn xuất hiện trong thống kê năm 2018 – 2019 khi 9,2% nam giới và 21,6% nữ giới nước này là nạn nhân của lạm dụng tình dục.

Còn tại Việt Nam, theo báo cáo năm 2013 của Bộ Công An, 20% nạn nhân của các vụ bạo hành gia đình là đàn ông. Đơn cử như tỉnh Nghệ An đưa ra hồi năm 2017, trong 601 vụ bạo hành gia đình được phát hiện ở tỉnh này, có 58 nạn nhân là nam giới. Có thể thấy, cả nam giới hay nữ giới đều có thể là nạn nhân của bạo hành gia đình hay quấy rối tình dục, dù tỉ lệ nam giới bị bạo hành thấp hơn.

Vụ kiện Johnny Depp: Ngay cả đàn ông cũng có thể là nạn nhân của bạo lực gia đình

Bị bạo hành, vì sao đàn ông thường không lên tiếng?

Từ lâu, phụ nữ đã đấu tranh để được tin tưởng trong những trường hợp họ lên tiếng mình là nạn nhân của lạm dụng tình dục. Nhiều người không để ý rằng, nam giới cũng đang phải sống trong hàng loạt những định kiến xã hội. Khi nhắc đến bình đẳng giới, đa phần mọi người thường chỉ nghĩ tới phụ nữ, mà quên mất đàn ông. Có nhiều người nghĩ rằng phụ nữ là phái yếu, đàn ông là phái mạnh, vì thế bình đẳng giới chính là phải bảo vệ phụ nữ. Song, bình đẳng giới thực tế là phải quan tâm đến cả nam và nữ, không ai là ngoại lệ.

Đàn ông đã và đang phải gánh trên vai hình mẫu của sự mạnh mẽ, là trụ cột, đầy nam tính. Xã hội hiện tại chưa thừa nhận rằng đàn ông cũng là nhóm người dễ bị tổn thương. Bởi vậy, khi trở thành nạn nhân của bạo lực trong gia đình, nhiều người đàn ông câm nín và chịu đựng trong thời gian dài. Thay vì lên tiếng hay tìm kiếm sự trợ giúp, họ bị ngăn cản bởi quan niệm: “Là đàn ông, phải thật mạnh mẽ”.

Không chỉ vậy, câu chuyện về các đấng mày râu bị bạn đời bạo lực thường được miêu tả qua báo chí, truyền hình một cách hài hước. Với định kiến nam giới thường là thủ phạm thay vì nạn nhân, nhiều người còn cười nhạo khi chứng kiến những người đàn ông trở thành nạn nhân của phụ nữ. Chính điều đó cũng ngăn cản đàn ông nói ra câu chuyện của mình, bởi nỗi sợ sẽ chẳng có ai tin tưởng hoặc coi trọng họ. Nhiều người đàn ông khi bị bạn đời bạo hành thường chọn cách giải toả bằng bia rượu triền miên, hoặc bạo hành lại chính vợ mình. Điều này chỉ khiến cho vấn đề thêm luẩn quẩn, đi vào bế tắc.

Vụ kiện Johnny Depp: Ngay cả đàn ông cũng có thể là nạn nhân của bạo lực gia đình

Chịu bạo hành trong mối quan hệ, nên làm gì?

Cuộc chiến pháp lý giữa Johnny Depp và Amber Heard vẫn đang là tâm điểm của giới truyền thông và giới mộ đạo điện ảnh. Cả hai người liên tiếp đưa ra nhiều bằng chứng chỉ ra mình là nạn nhân bị bạo hành tinh thần và thể xác. Vậy còn chúng ta, nếu rơi vào tình huống bị bạo hành, điều nên làm là gì?

Đầu tiên phải nhìn nhận rằng, một kẻ bạo hành cũng chính là kẻ thao túng tinh thần của nạn nhân. Bởi nếu như họ không thao túng tâm lý được bạn, dễ gì bạn để họ bạo hành mình trong một thời gian dài?

Người thao túng thường rất tài ba trong việc đánh tráo và dắt mũi sự thật. Khi làm bạn tức giận, ngay lập tức họ sẽ sắm vai nạn nhân và khiến bạn cảm thấy mình có lỗi, và rằng những gì họ đối xử tệ với bạn là điều bạn xứng đáng phải chịu. Nếu như ở trong một mối quan hệ mà bạn ngày càng thấy mình tệ hại và xấu xa, thậm chí còn bị đánh đập và xúc phạm thì hãy “chạy ngay đi” trước khi mọi thứ tồi tệ hơn.

Việc bạn cần làm không phải là cố chứng minh cho người đó thấy rằng họ đã sai, bạn không tệ như họ nghĩ, và bạn có giá trị. Nếu càng cố biện minh, bạn chỉ càng cuốn sâu vào cái bẫy thao túng tinh thần và càng thêm tuyệt vọng. Điều bạn cần làm là chỉ thẳng cho họ thấy hành vi của họ là sai trái, và tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài. Hãy tìm đến bất cứ ai bạn tin tưởng, hoặc thông báo với người thân về tình trạng của mình.

Trong khi đó, nếu như những tiếng nói ngờ vực bản thân vẫn vang lên trong đầu, hãy cho bản thân thời gian để sửa chữa mối quan hệ với bản thân mình. Tự tin vào mình, thiết lập rõ ràng ranh giới của chính mình, từ đó hệ quả của sự thao túng sẽ dần phai và bạn sẽ có thể nói không với hành vi bạo hành.

Không có lý do chính đáng nào cho hành đập xúc phạm, hạ nhục và đánh đập. Không ai xứng đáng bị bạo hành dù con người đó mắc phải lỗi lầm gì chăng nữa. Đừng để kẻ thao túng tước đi giá trị của bạn. Bạn có thể chứng minh cho họ thấy nội lực của mình mạnh mẽ đến nhường nào, và bạn không sợ mất đi những người như họ.

Vy Cầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

"Vạch trần" 3 con giáp khó tin cậy trong tình yêu