Xua tan nỗi lo lắng trước khi thuyết trình trước đám đông với 4 bí kíp sau
Tin liên quan
Đã bao giờ vì thiếu tự tin trước đám đông mà đánh mất một cơ hội nào đó trong công việc, trong cuộc sống? Việc thiếu tự tin khi đứng trước nhiều người sẽ khiến bản thân bị hạn chế trong việc giao tiếp, trao đổi thông tin và hơn thế nữa là đánh mất cơ hội trong công việc và cuộc sống. Vậy nên, đây là những bí quyết để chúng ta nâng cao sự tự tin trước đám đông ngay!
1. Tự làm cho mình tự tin
Khi phát biểu trước nhiều người, không dễ để chúng ta có thể tự tin ngay từ ban đầu. Vì thế, một cách để ổn định tâm lý là chúng ta hãy tự làm cho mình tự tin.
Để làm được điều này, trước tiên chúng ta cần nắm chắc chủ đề sẽ phát biểu hay thuyết trình, chuẩn bị thật kỹ nội dung cho bài nói của mình. Bên cạnh đó, không quên thu gọn nội dung trên lại thành từng ý chính, ghi chú vào giấy nhớ và hãy cầm mẫu giấy ghi nhớ trên và luyện tập nhiều lần trước gương.
Có sự chuẩn bị kỹ càng sẽ giúp bạn bớt hồi hộp và tự tin hơn phần nào ở bước đầu
Trong trường hợp bạn bất ngờ được gọi lên phát biểu, bạn không cần bắt đầu ngay mà hãy xin vài phút chuẩn bị, cố gắng bình tĩnh và thao tác các bước trên một cách thật nhanh.
2. Làm chủ cảm xúc
Hòa mình vào đám đông, nói và cười thật nhiều để não bộ tiết ra nhiều endophin giúp giảm lo lắng, sợ hãi.
Thay vì để trong đầu xuất hiện những suy nghĩ như: "Không biết mình có làm được không?", "Mình run quá. Mình chưa thuộc bài",... thì hãy để nội tâm nói những điều tích cực như: "Mình sẽ làm được thôi!", "Tự tin lên vì run sợ không giúp mình làm tốt hơn, chiến đấu thôi!',...
Cố gắng hít thở sâu để bớt run và rạng rỡ để trấn an nỗi lo lắng của bản thân mình
Ít phút trước khi bắt đầu, thay vì cố gắng dồn chữ vào đầu thì nên dành thời gian hít thở sâu và thư giãn.
3. Làm chủ không gian
Dù chưa phát biểu nhưng chúng ta cũng nên tìm cách lên sân khấu, nhìn xuống bên dưới cho quen với không gian và đám đông khán giả.
Làm quen với không gian sẽ thuyết trình giúp bạn rất nhiều trong việc điều chỉnh ánh nhìn và cảm xúc khi nói
Đã bắt đầu nói là chỉ có tập trung vào nội dung mình nói, mắt nhìn người nghe, đừng liếc sang hai bên cánh gà vì như vậy sẽ càng khiến chúng ta mất tập trung. Cố gắng đừng vừa nói vừa bị xao nhãng bởi những suy nghĩ khiến mình mất tự tin.
Hãy nói to, dõng dạc vừa giúp người nghe thấy bạn tự tin vừa lấn át tâm lý lo lắng.
4. Rút kinh nghiệm
Sau khi hoàn thành bài phát biểu, hãy tự chấm điểm được hoặc chưa được của bản thân để khích lệ mình và phấn đấu hơn. Ngoài ra cũng hãy lắng nghe góp ý mang tính xây dựng của người khác. Bỏ ngoài tai những lời chê bai tiêu cực mang tính đả kích, xúc phạm, hạ bệ mình để tránh làm tâm trạng mình xấu đi.
Lắng nghe chính bản thân và của cả người khác để rút kinh nghiệm cho lần phát biểu tiếp theo
Tận dụng cơ hội được phát biểu, thuyết trình trước đám đông để vừa học vừa thực hành nhiều lần. Vì lần sau nhất định sẽ tốt hơn lần trước!
Trong chúng ta, ai cũng có nỗi sợ riêng và khó có thể kiểm soát được. Song, để hoàn thiện chính mình, ta phải tự tìm ra giải pháp khắc phục và vượt qua nỗi sợ đó. Đừng nên e ngại về nỗi sợ thiếu tự tin trước đám đông của mình. Những người nhận thức được vấn đề của mình ắt hẳn sẽ thành công dễ dàng trong học tập và cuộc sống
Thu Trang (Tổng hợp)
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất