Trì hoãn không phải lúc nào cũng xấu: Biết trì hoãn đúng lúc đôi khi còn tốt hơn là vội vã lao ngay vào công việc!
Tin liên quan
Sự trì hoãn có thực sự tiêu cực như bạn vẫn nghĩ?
“Việc hôm nay chớ để ngày mai” - từ nhỏ chúng ta đã được dạy rằng trì hoãn là không tốt. Trì hoãn, thường được “đánh đồng” với các tính từ không mấy thuận tai như: lười biếng, vô tổ chức hoặc thiếu chuyên nghiệp. Tuy nhiên “trì hoãn” chỉ là một “động từ” đơn thuần. Nếu nhìn nhận ở nhiều góc độ, bạn sẽ thấy dù việc trì hoãn đôi khi có bất cập và cũng đem lại những lợi ích không ngờ.
Theo tạp chí Smithsonian (Mỹ), các nhà khoa học cho rằng có hai kiểu trì hoãn: trì hoãn thụ động và trì hoãn chủ động. Trì hoãn thụ động là khi bạn nán lại một việc quan trọng chỉ để nằm ườn trên sofa và “cày” nốt series truyền hình thực tế - đây chính là kiểu trì hoãn “có vấn đề”. Còn với trì hoãn chủ động, bạn thực sự làm một việc khác có giá trị trong thời gian trì hoãn. Theo John Perry, tác giả cuốn The Art of Procrastination (Nghệ thuật của sự trì hoãn), khi đang chần chừ trước một nhiệm vụ nào đó, người trì hoãn chủ động sẽ tìm kiếm những công việc khác để “thế chỗ”. Ví dụ, bạn đang phải lập kế hoạch cho dự án mới nhưng muốn trì hoãn nó vào lúc này. Thay cho nhiệm vụ quan trọng đó, bạn chọn ngồi viết email, nghiên cứu cho một dự án khác, dọn nhà hoặc trả tiền điện,...
Sự trì hoãn có thật sự là xấu?
Kiểu trì hoãn chủ động có thể có lợi cho bạn, miễn là bạn thuộc kiểu người có thể chịu được áp lực khi hoàn thành công việc sát “deadline”. Tất nhiên không phải ai cũng vượt qua được áp lực vào phút chót, vì thế nếu bạn không thể hoạt động như vậy, bạn nên tránh sự chần chừ. Còn nếu như có khả năng (và thậm chí có thể còn năng suất hơn) trong áp lực thời gian, bạn không cần thiết phải loại bỏ thói quen trì hoãn của mình. Mà ngược lại - hãy tận dụng nó, chỉ cần bạn chắc chắn rằng mình đang trì hoãn chủ động, thay vì thụ động.
Những lợi ích tiềm ẩn của sự trì hoãn có thể bạn chưa biết
Trì hoãn giúp bạn có thêm thời gian để cân nhắc xem đâu mới là việc quan trọng
Chần chừ một chút sẽ giúp bạn có thêm thời gian để suy nghĩ về những gì mình coi trọng nhất. Đôi khi vội vàng hấp tấp không phải cách hay, dành ra một khoảng thời gian trước khi bắt tay vào mọi việc sẽ khiến bạn nhận ra đâu là những giá trị cốt lõi mình theo đuổi và nên làm gì tiếp theo.
Bạn đưa ra quyết định đúng đắn hơn sau khi trì hoãn
“Cắm đầu cắm cổ” vào làm việc chưa chắc đã đem lại kết quả vẹn toàn. Đôi khi sự trì hoãn sẽ mang lại cho bạn góc nhìn toàn diện và định hướng rõ ràng hơn. Có thể khi nhìn nhận kỹ vấn đề, bạn sẽ nhận ra rằng dự án này cần thêm sự đồng hành của các đồng nghiệp khác, hoặc hiện tại chưa phải thời điểm khôn ngoan để bắt đầu,…
Trì hoãn giúp bạn có thêm năng lượng để thực hiện công việc khó khăn
Chúng ta thường trì hoãn những công việc mà mình không thích cho lắm hoặc bản thân đã biết trước là nó khó khăn hoặc tẻ nhạt. Sự trì hoãn này lại tạo nên “nỗi lo sợ về deadline”. Và nỗi sợ này sẽ giải phóng adrenaline, một chất giảm đau tự nhiên, vô tình lại giúp bạn thực hiện những công việc khó khăn một cách dễ dàng và ít mệt mỏi hơn.
Trì hoãn khiến bạn tập trung cao độ ở những phút cuối cùng
Thực hiện công việc ở thời điểm hạn chót cận kề tưởng như là điều không nên, vậy nhưng lại giúp bạn tập trung toàn lực vào nhiệm vụ. Bởi vì đang phải gấp rút “chạy deadline”, bạn ít có khả năng bị phân tâm bởi những điều khác xung quanh. Bạn sẽ không trả lời điện thoại, lướt Tiktok, đăng tải trạng thái trên Instagram hay suy nghĩ về bất kỳ điều gì khác ngoại trừ hoàn thành xong đầu việc.
Thiếu thời gian làm cho chúng ta làm việc nhanh hơn
Bởi vì có áp lực thời gian, bạn sẽ hoàn thành công việc một cách nhanh chóng hơn bình thường. Đầu việc khó nhằn mà bạn không thích sẽ hiện diện trong cuộc sống của bạn ít hơn bởi bạn đã dành cho mình khoảng thời gian tối thiểu để làm nó.
Trì hoãn khiến cho những việc khác trở nên dễ dàng
Gửi báo cáo chi phí hoặc kiểm tra hàng tồn kho cho dự án của bạn có vẻ dễ dàng hơn so với đầu việc bạn đang tránh. Điều này cho phép bạn loại dần tất cả những việc nhỏ nhặt khác khỏi danh sách việc cần làm một cách nhanh chóng trước khi bắt tay vào đầu việc quan trọng. Đằng nào bạn cũng phải hoàn thành tất cả danh sách công việc, phải không? Sẽ tốt hơn nếu bạn xử lý những đầu việc đơn giản nhất và dành áp lực phút cuối cho công việc quan trọng nhất. Vì nếu hoàn thành công việc khó nhằn ngay từ đầu, bạn sẽ có tâm lý “xoã” trong phần còn lại của thời hạn và mặc kệ những công việc khác.
Bên cạnh đó, đợi đến những phút cuối cùng mới thực hiện sẽ khiến bạn giảm bớt sự kỳ vọng về chất lượng của thành phẩm, cũng như bớt dằn vặt và tự trách bản thân nếu như kết quả không thật sự hoàn hảo.
Khi nào sự trì hoãn được coi là “có chiến lược”?
1. Khi bạn đang cố gắng đưa ra quyết định tốt nhất có thể
Đôi khi, việc ra quyết định có thể cực kỳ khó khăn, đặc biệt là khi quyết định đó liên quan đến những điều quan trọng trong cuộc sống của chúng ta - cho dù đó là công việc, gia đình, tài chính hay những thứ tương tự. Sự trì hoãn có thể hữu ích khi bạn phải đối mặt với những quyết định lớn, vì nó giúp tâm trí suy nghĩ thấu đáo và cân nhắc các lựa chọn khác nhau. Quá trình trì hoãn là thời điểm tuyệt vời để bạn thu thập và xem xét thông tin cần thiết trước khi đưa ra quyết định tốt nhất có thể.
2. Khi bạn đang “nâng lên đặt xuống” các công việc ưu tiên
Bước vào văn phòng mỗi sáng, có cả tỉ công việc được “đổ xuống đầu” bạn cùng một lúc, trong khi bạn chỉ có một chút thời gian. Bạn có thể cho rằng sự trì hoãn là điều cuối cùng bạn có thể làm trước cả “núi việc” này, nhưng hãy nghĩ lại. Theo Forbes, việc trì hoãn một chút ở những hoàn cảnh như thế này có thể có lợi, vì điều đó giúp bạn ưu tiên những việc cần hoàn thành trước, thay vì lao thẳng vào việc mà không có bất kỳ câu hỏi hay sự suy xét nào. Bằng cách dành cho mình những khoảng lặng cần thiết để suy nghĩ, bạn sẽ có thể thấy rõ rằng một số việc trong danh sách quan trọng hơn những việc khác và cần được làm trước tiên.
3. Khi bạn muốn bỏ một số việc không cần thiết ra khỏi “To do list”
Hãy tiếp tục nói về danh sách các công việc bạn phải làm trong ngày. Theo Psychology Today, khoảng thời gian trì hoãn cho phép bạn suy nghĩ kỹ và bỏ một số đầu việc không thực sự cần thiết ra khỏi danh sách cần làm. Ví dụ, là một người hay trì hoãn, mỗi ngày bạn đã có một danh sách việc cần làm “siêu khổng lồ” trong ngày tiếp theo. Do phần lớn thời gian buổi sáng của bạn dành cho giai đoạn “trì hoãn chủ động”, bạn cuối cùng nhận ra một số mục trong danh sách “to do list” không thực sự cần thiết.
Nhìn chung, giống như nhiều điều khác trong cuộc sống, sự trì hoãn không phải hoàn toàn tốt hay hoàn toàn không tốt. Như giáo sư tâm lý học Adam Grant từng phát biểu trên chương trình TED Talks rằng: “Sự trì hoãn là một điều gây hại nếu bạn đề cao năng suất, nhưng nó lại trở thành một ưu điểm nếu như bạn cần sự sáng tạo”.
Hãy thử sử dụng sự trì hoãn để tạo lợi thế của bạn trong công việc. Nhưng nên nhớ điều quan trọng là, chúng ta phải hiểu thời điểm, biết cách vận dụng hợp lý để kích thích năng lực làm việc của mình. Có như vậy, bạn có thể biến sự trì hoãn chủ động thành công cụ để thành công.
Cẩm Mịch/Theo Bustle & Ted
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất