Lịch sự là gì? Tại sao cần phải lịch sự? Những phép lịch sự cơ bản trở thành nguyên tắc trong cuộc sống
Tin liên quan
Lịch sự là một trong những yếu tố giúp bạn nhanh chóng ghi điểm trong mắt người đối diện và khiến bạn trở nên thanh lịch, nhã nhặn, khiêm nhường hơn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Vậy lịch sự là gì?
Lịch sự là gì?
Lịch sự (hay còn gọi là phép lịch sự) là cách ăn nói hoặc cư xử với người khác nhã nhặn, lễ độ trong giao tiếp xã hội. Phép lịch sự giúp gây được thiện cảm với những người xung quanh và làm thỏa mãn, hài lòng các bên. Phép lịch sự đòi hỏi người thực hiện thành thực và luôn tôn trọng người khác.
Ví dụ: Cô gái này ăn nói lịch sự còn chàng trai thì cư xử thiếu lịch sự quá!
Theo tác giả cuốn Từ điển Tiếng việt Hoàng Phê và những nhà nghiên cứu khác thì lịch sự mang nghĩa là “có cách cư xử lịch thiệp và biết tuân theo lề lối chuẩn mực xã hội trong giao tiếp. Theo quan điểm truyền thống của người Việt Nam thì lịch sự còn bao gồm khái niệm “lễ” - một từ Hán Việt có nghĩa là “lễ nghi”.
Lịch sự còn là tính từ dùng để miêu tả vẻ đẹp sang trọng, thanh nhã. Ví dụ: Những người vào nhà hàng đều ăn mặc rất lịch sự.
Lịch sự tiếng anh là gì?
Lịch sự danh từ trong tiếng Anh là Politeness: Lịch sự, phép lịch sự, sự lịch sự
Ví dụ: Politeness is a basic requirement in every meeting
Lịch sự (tính từ) trong tiếng Anh là Polite
Ví dụ: He is very polite
Tại sao chúng ta cần lịch sự trong giao tiếp?
Lịch sự là cách cư xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Vậy tại sao chúng ta cần lịch sự? Tại sao mỗi người đều cần hướng đến chuẩn mực giao tiếp xã hội. Chúng ta cần lịch sự vì:
Góp phần hình thành nhân cách
Nhân cách là cái gì đó tưởng chừng như rất trừu tượng nhưng thực chất nó là tổ hợp các phẩm chất, đạo đức, cách đối nhân xử thế tốt đẹp, phù hợp của một người và được hình thành từ những thói quen, nếp sống, nếp nghĩ nhỏ nhặt. Lịch sự cũng chính là một trong những yếu tố giúp con người ta hình thành một nhân cách tốt.
Ví dụ, ngay từ nhỏ, con cái đã được bố mẹ dạy nói lời cảm ơn, xin lỗi với mọi người. Khi lớn lên, đứa trẻ ấy sẽ từ đó trở thành người rất lịch sự trong giao tiếp, biết cách nói xin lỗi và cảm ơn trong từng trường hợp.
Trên bàn ăn, chúng ta nhường miếng ngon cho người già, trẻ nhỏ, kính trên nhường dưới. Gặp người bạn mới, ta chào hỏi nhã nhặn. Trong giao tiếp, ta nói lời khiêm nhường, dễ nghe. Lịch sự có nhiều khía cạnh: lịch sự trong ứng xử, lịch sự trong ăn mặc, lịch sự trong giao tiếp, lịch sự trong ăn uống… nhưng những biểu hiện vừa lấy ví dụ của một người lịch sự thường được mọi người đánh giá người đó là người có học thức, có giáo dục hay nói cách khác là có nhân cách.
Tạo ấn tượng tốt, làm thỏa mãn, hài lòng người khác
Suy cho cùng, mọi mối quan hệ dù là gia đình, bạn bè, công việc, tình yêu… đều được gây dựng và phát triển thông qua giao tiếp. Khi chúng ta ăn nói lịch sự, chúng ta có thể tạo tấn tượng tốt, làm thỏa mãn, hài lòng đối phương và dễ dàng đạt được hiệu quả giao tiếp. Người xưa đã dạy: Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Ví dụ về lịch sự: Bạn muốn đối tác ký kết hợp đồng với mình, bạn không thể ăn nói một cách cợt nhả, thiếu nghiêm túc. Bạn muốn có được tình yêu của người khác, bạn không thể bày tỏ một cách thô lỗ, cục cằn. Bạn muốn người khác giúp mình, bạn không thể trình bày một cách hời hợt hay quát tháo, ra lệnh…
Như vậy, rõ ràng là phép lịch sự đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống, là cách để người khác thông qua đó một phần đánh giá nhân cách, phẩm cách con người bạn, đồng thời nó là một nghệ thuật giúp chúng ta đạt được hiệu quả trong giao tiếp mà đạt được hiệu quả trong giao tiếp là chìa khóa để chúng ta thành công trong mọi lĩnh vực.
Xây dựng và duy trì mối quan hệt tốt
Phép lịch đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội. Nó không chỉ thể hiện sự tôn trọng và quan tâm đến người khác, mà còn phản ánh khả năng giao tiếp hiệu quả của bạn.
Khi bạn cư xử lịch sự, người khác sẽ cảm thấy được coi trọng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mối quan hệ. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong các bối cảnh xã hội và nghề nghiệp như hội nghị, tiệc tùng, hội thảo hay nơi làm việc.
Trong môi trường công sở, phép lịch sự góp phần tạo nên bầu không khí làm việc tích cực và thúc đẩy tinh thần hợp tác giữa các đồng nghiệp. Hơn nữa, thái độ tôn trọng và lịch sự còn giúp giảm thiểu xung đột, đồng thời tăng cường sự thấu hiểu và đồng cảm giữa các thành viên trong tập thể.
Thể hiện sự tôn trọng trong giao tiếp
Phép lịch sự là cách thể hiện sự tôn trọng đối với người khác trong giao tiếp. Dưới đây là một số bí quyết cư xử trong giao tiếp
- Tránh làm gián đoạn khi người khác đang nói
- Ngôn từ tôn trọng: Sử dụng "xin lỗi", "cảm ơn", "xin phép", "vui lòng" để thể hiện sự tôn trọng và truyền đạt ý kiến một cách nhã nhặn.
- Tôn trọng không gian cá nhân: Giữ khoảng cách phù hợp khi giao tiếp, tránh xâm phạm không gian riêng tư của người khác.
- Hành vi lịch thiệp: Những cử chỉ nhỏ như đóng cửa nhẹ nhàng, giữ thăng bằng trong thang máy, sẵn sàng giúp đỡ người khác góp phần tạo ấn tượng tốt.
- Lắng nghe chủ động: Chú ý và thể hiện sự quan tâm khi người khác nói, thể hiện sự tôn trọng đối với ý kiến của họ.
- Phép lịch sự trong giao tiếp trực tuyến: Trong kỷ nguyên số, cần duy trì phép lịch sự khi giao tiếp qua mạng xã hội và email. Tránh dùng từ ngữ thô tục, không lạm dụng chữ viết hoa, và phản hồi email đúng hạn.
Tránh xung đột
Cách ứng xử lịch sự có thể giúp giảm thiểu sự hiểu lầm và tránh xung đột không cần thiết. Ngoài ra, Phép lịch sự còn tạo môi trường tương tác tích cực và thúc đẩy sự thấu hiểu, đồng cảm và hợp tác giữa các bên.
Cư xử lịch sự là cách thể hiện bạn tôn trọng người khác. Thái độ lịch sự luôn dụng ngôn từ phù hợp, thể hiện sự quan tâm đến cảm xúc của người khác và tránh những lời nói hay hành động có thể gây tổn thương họ. Khi bạn cư xử lịch sự, người khác sẽ cảm thấy được trân trọng và từ đó giảm thiểu khả năng phát sinh mâu thuẫn.
Hơn nữa, phép lịch sự còn là công cụ hữu hiệu trong việc giải quyết xung đột. Bằng cách duy trì thái độ bình tĩnh và lịch sự, bạn có thể giúp làm dịu tình hình căng thẳng, tạo điều kiện cho cuộc đối thoại mang tính xây dựng và hiệu quả. Phép lịch sự cũng giúp bạn đưa ra những góp ý tích cực, hỗ trợ các bên đạt được thỏa hiệp và giải quyết bất đồng một cách văn minh và tôn trọng lẫn nhau.
Tạo môi trường tích cực
Phép góp phần tạo nên một môi trường giao tiếp thân thiện và hòa đồng.
Tăng hiệu quả giao tiếp
Phép lịch sự giúp truyền đạt thông điệp một cách hiệu quả hơn.
Phản ánh văn hóa
Nó thể hiện các chuẩn mực và giá trị văn hóa của một xã hội.
Tạo thuận lợi trong công việc
Trong môi trường chuyên nghiệp, phép lịch sự có thể mở ra nhiều cơ hội và tạo thuận lợi trong công việc.
Ý nghĩa của lịch sự là gì?
Lịch sự trong giao tiếp, trong ăn uống, ăn mặc… hay bất cứ khía cạnh nào giúp chúng ta cải thiện 3 vấn đề trong cuộc sống như sau:
Danh tiếng của chính mình: Cách bạn cư xử xã giao sẽ để lại ấn tượng tốt hoặc xấu đối với người khác. Khi bạn cư xử lịch sự, người khác sẽ đánh giá bạn là người trưởng thành, tinh tế, có trách nhiệm đồng thời sẽ đối đãi với bạn như vậy. Tuy nhiên, nếu bạn cư xử thô lỗ, trong mắt họ, bạn cũng chẳng đáng được đối xử tử tế. Suy rộng ra, bạn có thể đánh mất nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống, công việc vì trong mắt người khác, bạn thiếu lịch sự và người thiếu lịch sự thật chẳng ra gì
Bạn bè: Giàu vì bạn, sang vì vợ. Bạn bè là một yếu tố rất quan trọng đối với sự thành bại của một người trong cuộc sống.
Người ta vẫn nói, gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Khi bản thân bạn là người lịch sự thì các mối quan hệ của bạn, điển hình là bạn bè cũng sẽ như vậy và ngược lại. Có thể những người thô lỗ sẽ làm bạn được với những kẻ cục cằn vì ngưu tầm ngưu, mã tầm mã nhưng kỳ thực sẽ chẳng có người lịch sự, nho nhã nào muốn làm bạn với những kẻ thô lỗ, khó ưa.
Cách người khác đối xử với bạn: Bạn không thể yêu cầu người khác đối đãi tử tế, lịch thiệp với mình trong khi mình là một kẻ cục cằn, thô bỉ. Cách người khác đối xử với bạn phụ thuộc vào chính cách bạn cư xử với họ và những người xung quanh. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân là thế.
Các phép lịch sự cơ bản cần thiết trong cuộc sống mỗi người cần có
Lịch sự mang lại rất nhiều ý nghĩa đối với con người. Vậy để trở thành người lịch sự phải làm thế nào. Dưới đây là các phép lịch sự cơ bản mà mỗi người cần có.
Biết nói “cảm ơn”, “xin lỗi” phù hợp - Phép lịch sự cơ bản
Cảm ơn khi được người khác giúp đỡ mình và xin lỗi khi bản thân làm sai điều gì đó là phép lịch sự tối thiểu mà ngay từ khi còn là một đứa trẻ chúng ta đã được cha mẹ, thầy cô giáo dục. Từ đó, chúng ta biết điều chỉnh hành vi của mình, nên làm những điều được “cảm ơn” và không nên làm những điều phải “xin lỗi”.
Một kẻ không biết xin lỗi khi va phải người khác giữa chốn đông người mà còn tỏ thái độ xấc xược, thách thức hẳn sẽ khiến những người xung quanh lắc đầu ái ngại. Ngược lại, vẫn là con người ấy nhưng thái độ xin lỗi thành khẩn sẽ khiến người bị đau vui vẻ cho qua và những người xung quanh hài lòng chấp nhận.
Biết nói lời cảm ơn, xin lỗi là biểu hiện của người biết chừng mực, lễ độ. Đôi khi, chúng ta cần nói cảm ơn nhau mỗi ngày và xin lỗi ngay cả khi bản thân không có lỗi để cuộc sống thêm thuận hòa, thiện chí, tích cực.
Phép lịch sự khi đi ăn tiệc
Bàn ăn cũng là nơi con người cần rất nhiều lịch sự mà người xưa vẫn dạy: ăn trông nồi, ngồi trông hướng. Ở một đất nước với nền văn hóa truyền thống lâu đời như Việt Nam thì người Việt có rất nhiều các nguyên tắc lịch sự trong mâm cơm hay trên bàn tiệc. Có thể điểm qua vài nét chính như sau:
- Lịch sự khi chọn món ăn: Trong mâm tiệc tuyệt đối không nên chỉ trỏ, bới lật thức ăn từ dưới lên trên để chọn miếng ngon hay đang gắp món này lại đặt xuống để chọn món khác
- Lịch sự trong tư thế ngồi: Không ngồi quá xa hoặc quá gần mâm ăn, không thay đổi chỗ ngồi, muốn ăn món ăn xa chỗ ngồi phải nhờ người khác gắp cho chứ không được rướn người lên gắp thức ăn
- Lịch sự trong cách sử dụng thìa, dĩa, gia vị: Khi ngồi vào mâm ăn không gõ bát gõ đũa, khi múc canh không vừa cầm bát vừa cầm đũa thìa, không nhúng đũa thìa cá nhân vào bát canh chung hay bát nước chấm chung, không được múc canh, súp lên miệng uống mà phải múc vào bát riêng rồi uống…
- Lịch sự trong thái độ: Không chê bai món này, món kia, không ăn quá nhiều 1 món dù đó là món khoái khẩu. Ăn xong biết dọn dẹp cùng mọi người…
Lịch sự khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng
Các phương tiện giao thông công cộng như xe bus, xe khách, máy bay, tàu hỏa… là nơi có đông người và chúng ta cũng cần cư xử hết sức lịch sự:
- Không chen lấn, xô đẩy khi lên/ xuống xe
- Nhường chỗ cho người già, trẻ em khi đi xe điện, xe bus
- Ngồi đúng vị trí của mình, chú ý giữ trật tự, không cười nói ồn ào để không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh
Lịch sự khi đến nhà người khác
Khi đến nhà người khác, nhất là trẻ con khi đến chơi nhà bạn cũng cần tuân theo những nguyên tắc lịch sự như sau:
Chỉ vào nhà, ngồi, uống nước… khi được chủ nhà cho phép. Trẻ con khi đến nhà bạn chơi cũng phải cư xử đúng mực như: không được nghịch ngợm đồ đạc trong nhà bạn, không được nô đùa, cười nói quá to, không được làm phiền nếu nhà bạn có cụ già…
Trước khi ăn nên mời chủ nhà và những người trong gia đình, trước khi về chào hỏi lịch sự
Trẻ con đến nhà bạn chơi nên biết thu dọn và sắp xếp đồ chơi gọn gàng, đúng chỗ như ở nhà mình để lần sau chủ nhà không ngần ngại việc bé đến chơi
Lịch sự khi đến các trung tâm mua sắm
Khi đến các trung tâm mua sắm, không được chen lấn, xô đẩy mà hãy xếp hàng chờ đến lượt mình khi thanh toán. Khi có việc vội đi cần được thanh toán trước, hãy xin phép người ở trên và đề nghị nhân viên thu nhân tạo điều kiện giúp
Cẩn thận trước từng món hàng, không nâng lên đặt xuống mạnh, không bới chọn quá kỹ để tránh làm hỏng hàng của siêu thị
Không cười nói quá lớn để tránh làm ảnh hưởng đến người khác
Các phép lịch sự chung
Luôn gõ cửa trước khi vào phòng ai đó: đây là phép lịch sự tối thiểu thể hiện sự tôn trọng không gian riêng tư của người khác, kể cả con nhỏ. Tuyệt đối không được tự ý xông vào phòng mà không ngõ cửa. Đây là hành vi rất mất lịch sự
Không được chỉ tay vào mặt người đối diện: Khi giao tiếp, nói chuyện với người khác, hành động chỉ tay vào mặt người khác rất không nên vì nó thể hiện sự khiếm nhã, thái độ săm soi, thậm chí là coi thường người khác khiến người khác cảm thấy rất khó chịu.
Lấy tay che miệng khi ho hoặc hắt hơi: Đây là phép lịch sự cơ bản vì khi ho, hắt hơi, sẽ có nhiều vi khuẩn bay ra, lây bệnh cho người khác theo đường không khí nên người ta thường lấy tay che miệng khi ho, hắt hơi ở nơi đông người. Hoặc khi ngồi trong mâm cơm, lấy tay che miệng khi ho hoặc hắt hơi để tránh cơm trong miệng văng ra ngoài khiến người cùng mâm khó chịu
Phép lịch sự cơ bản bố mẹ cần dạy con cư xử trong cuộc sống
- Chào hỏi lịch sự: Hướng dẫn trẻ chào hỏi người lớn và bạn bè một cách phù hợp. Dạy cách nói "chào buổi sáng", "tạm biệt", "chúc ngủ ngon", v.v.
- Dạy trẻ nói lời "cảm ơn" và "xin lỗi": Dạy trẻ cách sử dụng những từ ngữ này để thể hiện tôn trọng và quan tâm đến người khác. Cụ thể: Dạy trẻ nói "cảm ơn" khi nhận được sự giúp đỡ hoặc món quà. Khuyến khích trẻ nói "xin lỗi" khi mắc lỗi hoặc vô tình làm phiền người khác.
- Không ngắt lời người khác: Dạy trẻ kiên nhẫn chờ đến lượt mình nói chuyện. Giải thích tầm quan trọng của việc lắng nghe người khác.
- Sử dụng từ "làm ơn": Khuyến khích trẻ sử dụng "làm ơn" khi yêu cầu điều gì đó.
- Cách ăn uống lịch sự: Hướng dẫn cách sử dụng dao, nĩa, thìa đúng cách. Dạy trẻ không nói chuyện khi miệng đang đầy thức ăn.
- Giữ vệ sinh chung: Dạy trẻ che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Khuyến khích rửa tay thường xuyên.
- Tôn trọng người lớn tuổi: Dạy trẻ cách tôn trọng và đối xử với người lớn tuổi.
- Cách sử dụng điện thoại lịch sự: Hướng dẫn cách nói chuyện điện thoại một cách lịch sự. Dạy trẻ không sử dụng điện thoại khi đang trò chuyện trực tiếp với người khác.
- Cách xin phép: Dạy trẻ xin phép trước khi làm việc gì đó ảnh hưởng đến người khác.
- Giữ khoảng cách lịch sự khi giao tiếp: Trong các tình huống xã hội, dạy trẻ hãy giữ khoảng cách vừa phải và không quá gần gũi. Điều này giúp tạo môi trường giao tiếp thoải mái và tôn trọng người khác.
- Luôn gõ cửa trước khi vào phòng ai đó: Đây là một thói quen lịch sự để không làm phiền người khác và tôn trọng không gian cá nhân của họ
Ví dụ về phép lịch sự cơ bản trong giao tiếp
Dưới đây là một số ví dụ về phép lịch sự trong giao tiếp tiếng Việt:
Khi xin giúp đỡ:
Thay vì nói: "Làm giúp tôi cái này đi!"
Bạn có thể nói: "Anh/chị có thể giúp tôi một chút được không ạ?"
Khi cảm ơn:
Thay vì nói: "Cảm ơn!"
Bạn có thể nói: "Rất cảm ơn anh/chị đã giúp đỡ. Tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của anh/chị."
Khi đề xuất ý kiến:
Thay vì nói: "Làm theo ý tôi đi!"
Bạn có thể nói: "Anh/chị nghĩ sao nếu chúng ta thử theo cách này? Mong anh/chị cho ý kiến."
Khi phải từ chối:
Thay vì nói: "Không làm được điều đó!"
Bạn có thể nói: "Rất tiếc, tôi không thể đáp ứng được yêu cầu của anh/chị lúc này. Mong anh/chị thông cảm."
Khi đề nghị một cách lịch sự:
Thay vì nói: "Làm điều này đi!"
Bạn có thể nói: "Anh/chị có thể xem xét việc thực hiện cách này được không ạ? Mong anh/chị cân nhắc."
Khi mời ai đó:
Thay vì nói: "Đến đây!"
Bạn có thể nói: "Anh/chị có thể ghé qua nếu anh/chị thoải mái được không ạ?"
Những cách diễn đạt lịch sự giúp tạo ra một môi trường giao tiếp tích cực và tôn trọng, đồng thời làm cho mọi người cảm thấy thoải mái và hợp tác hơn.
Trên đây là khái niệm lịch sự là gì, ý nghĩa của phép lịch sự và những phép lịch sự cơ bản cần thiết trong cuộc sống. Hi vọng những tổng hợp này sẽ mang đến cho bạn đọc những kiến thức hữu ích, thú vị!
MIN (Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất