Hãy dành lời xin lỗi khi bạn thực sự có lỗi, đừng tuỳ tiện xin lỗi khi bạn không sai!

2024-01-19 08:00
- Đôi khi chúng ta quá chú trọng với việc trở thành người tốt trong mắt người khác mà quên cả chuyện tôn trọng chính bản thân mình.

Bạn có quen thuộc với những tình huống này?

Bạn bắt đầu một email gửi sếp với câu: “Xin lỗi vì đã làm phiền anh/chị, nhưng…”.

Một đồng nghiệp đặt “cái phịch” đám giấy tờ xuống bàn họp rồi đánh đổ ly cà phê của bạn. Bạn vội vã nói: “Xin lỗi, để tôi dọn nó ngay bây giờ”.

Nếu câu trả lời là có, có thể bạn đã rơi vào tâm lý nói xin lỗi quá nhiều hoặc có xu hướng xin lỗi cho những điều không đáng. Thực tế, đây là một thói quen tự hại và về lâu dài có thể trở thành một phản xạ vô thức, nó không chỉ khiến bạn cảm thấy kiệt quệ mà còn ảnh hưởng không tốt tới các mối quan hệ của bạn trong công việc lẫn cuộc sống đời thường.

Nói xin lỗi quá nhiều: Là lịch sự hay tự hại mình?

Những gì diễn ra với chúng ta thời thơ ấu có thể là một phần nguyên nhân dẫn đến xu hướng luôn nhận lỗi về mình. Với một số người, thói quen hễ mở miệng là xin lỗi có thể xuất phát từ quá khứ bị ngược đãi, bạo hành hoặc đơn giản là bị la mắng quá nhiều khi còn nhỏ. Nhiều người khác lại được cha mẹ dạy về tầm quan trọng của việc phải cư xử lịch sự ngay từ lúc nhỏ dại. Từ đó, tâm trí của chúng ta dần nhận thức một cách sai lầm rằng cứ chăm chỉ nói xin lỗi nghĩa là mình “có vẻ tốt bụng”, và vì thế “mình xứng đáng được yêu thương”.

Thế nhưng, có một sự khác biệt lớn giữa việc trở thành người tốt trong mắt mọi người và xứng đáng được yêu thương. Và đôi khi chúng ta quá chú trọng với việc trở thành người tốt trong mắt người khác mà quên cả chuyện tôn trọng chính bản thân mình.

Xu hướng xin lỗi quá mức còn có thể xuất phát từ tâm lý né tránh xung đột và bất đồng. Ở tình huống này, lời xin lỗi được đưa ra nhằm khẳng định trách nhiệm để giải quyết vấn đề, để chặn trước mọi sự tranh luận, bất kể người xin lỗi có đáng phải nói xin lỗi hay không.

Hãy dành lời xin lỗi khi bạn thực sự có lỗi, đừng tuỳ tiện xin lỗi khi bạn không sai!

Việc xin lỗi quá nhiều có thể gây ra 5 hệ quả sau:

Bạn thiếu tự tin hơn

Xin lỗi về việc có mặt tại phòng của sếp vào giờ họp đã định (“Em xin lỗi vì đã làm gián đoạn. Anh/chị đã sẵn sàng họp chưa?”) không chỉ không cần thiết (sếp của bạn đã đồng ý với thời gian của cuộc họp đó từ trước, phải không?), mà nó còn khiến bạn thêm dè dặt mỗi khi cất lời và những người xung quanh cảm thấy bạn không tự tin vào chính mình.  

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm lý Xã hội Châu Âu (The European Journal of Social Psychology), lựa chọn không xin lỗi có thể có những lợi ích về mặt tâm lý. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, trong số những người tham gia nghiên cứu, những người từ chối bày tỏ sự hối hận cho thấy dấu hiệu "lòng tự trọng mạnh mẽ, tăng cảm giác quyền lực và tính chính trực".

Lời nói của bạn giảm đi trọng lượng

Khi ai đó liên tục nói dối bạn, bạn sẽ ngừng tin tưởng họ như ban đầu. Và việc xin lỗi liên tục cũng gây ra ảnh hưởng tương tự. Nếu bây giờ bạn nói xin lỗi vì những điều nhỏ nhặt, lời xin lỗi của bạn sau này sẽ ít có sức nặng hơn – đối với những tình huống thực sự cần một lời xin lỗi chân thành. Ngoài ra, những lời xin lỗi không cần thiết chỉ làm cho lời nói của bạn trở nên rườm rà và mất đi sự rõ ràng của thông điệp cần nhấn mạnh.

Thái độ người khác quyết định cảm xúc của bạn

Nói xin lỗi quá mức có thể được coi là một hành động vô thức khi chúng ta tìm kiếm sự trấn an. Khi nói xin lỗi, có phải bạn đang mong người khác sẽ an ủi mình rằng: “Bạn không có lỗi gì đâu”, hay “Ồ không, bạn đã làm rất tốt bài thuyết trình hôm nay mà”?.

Người khác mất đi sự tôn trọng đối với bạn

Trong cuốn sách: “Sức mạnh của một lời xin lỗi”, nhà tâm lý học Beverly Engel cho rằng, việc nói xin lỗi quá nhiều cũng không khác gì việc ngợi khen quá nhiều. Bạn có thể nghĩ rằng mình đang thể hiện sự tử tế và chu đáo, nhưng thực ra bạn đang gửi đi thông điệp rằng bạn thiếu tự tin và vô dụng.

Nếu như bạn là người duy nhất luôn luôn xin lỗi, cán cân quyền lực khi đối thoại sẽ bị mất cân bằng. Điều này sẽ gây xói mòn mối quan hệ và lòng tự trọng của chính bạn. Ví dụ như trong cuộc sống công sở, những nữ quản lý nói xin lỗi quá nhiều có thể bị coi là nhút nhát và thiếu kỹ năng lãnh đạo.

Với một số người, họ sẽ luôn tìm mọi cách để khai thác điểm yếu của người khác. Nếu như có thói quen xin lỗi với mọi thứ xảy ra, bạn sẽ luôn nhận lại phần thiệt thòi và gián tiếp cho người khác quyền được “ăn hiếp” mình.

Bạn thiếu trách nhiệm với những việc mình làm

Nghe có vẻ hơi “ngược”, phải không? Rõ ràng là bạn luôn ý thức về những lỗi lầm của mình nên mới liên tục nói xin lỗi cơ mà, sao lại là thiếu trách nhiệm? Rất tiếc phải nói rằng, điều đó là thật. Nhiều người trong chúng ta thường dễ dàng thốt ra lời xin lỗi như một cách để được miễn trách nhiệm về những hành động sai trái của mình, hết lần này đến lần khác.

7 tình huống chúng ta không cần nói lời xin lỗi cho những gì mình làm

Khi bạn nói sự thật

Bạn hoàn toàn không cần xin lỗi khi nói lên sự thật. Nhiều nhà tâm lý học tin rằng, việc trung thực tốt hơn là cố gắng không làm tổn thương ai đó bằng cách nói sai sự thật. Hãy nói lên điều mà bạn thực sự nghĩ, không cần bắt đầu bằng “Tôi xin lỗi”, thay vào đó, hãy dùng cụm: “tôi nghĩ”, “theo ý kiến của tôi”,…  Điều này sẽ khiến bạn trở thành người có những lời nói giá trị hơn.

Khi bạn quá xúc động

Donna Flagg, tác giả cuốn “Sống sót qua cuộc trò chuyện kinh hoàng”, cho rằng: “Bằng cách cho ai đó biết được cảm giác của bạn, bạn đang giúp người khác hiểu mình. Vậy tại sao bạn phải xin lỗi nếu như người đó thực sự có ý nghĩa với bạn?”. Không có gì là xấu hổ khi để ai đó thấy cảm xúc thật của chúng ta, chỉ cần đảm bảo rằng việc chia sẻ cảm xúc được diễn ra ở nơi phù hợp thay vì trong một cuộc họp nghiêm túc.

Khi bạn chưa thể đưa ra câu trả lời ngay lập tức

Sẽ luôn có những người coi nhu cầu của họ quan trọng hơn nhu cầu của bạn. Đó là kiểu người nhất quyết thúc giục bạn hồi âm cho email, tin nhắn,… của họ ngay lập tức, mà chẳng hề nghĩ rằng có thể bạn cũng đang bận nhiều việc khác.

Đừng vì bị hối thúc mà cảm thấy áy náy mỗi khi không xoay sở kịp để phù hợp với nhu cầu của người khác. Nếu yêu cầu của họ đưa ra không khẩn cấp thực sự, bạn chỉ cần cho họ biết rằng bạn sẽ không lơ nó và sẽ trả lời ngay khi có thể. Ưu tiên nhu cầu của mình trước cũng là một cách yêu bản thân. Và yêu bản thân là bước đầu tiên và quan trọng nhất để tìm thấy hạnh phúc và sự viên mãn.

Hãy dành lời xin lỗi khi bạn thực sự có lỗi, đừng tuỳ tiện xin lỗi khi bạn không sai!

Khi bạn yêu ai đó

Yêu thương là điều giá trị nhất và ý nghĩa nhất trong cuộc đời. Không quan trọng bạn yêu ai hay họ có yêu lại hay không, bạn không có lỗi khi dành tình cảm cho một người, càng không cần phải nói lời xin lỗi vì mình đã yêu. Bạn biết yêu, trái tim biết rung động, mới là điều quan trọng.  

Khi bạn muốn dành thời gian để “một mình”

Mong muốn được “một mình” không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của một người đang có tâm trạng không tốt. Trên thực tế, nghiên cứu chỉ ra rằng việc dành thời gian cho bản thân sẽ làm tăng khả năng sáng tạo của mỗi người. Vì vậy, đừng cảm thấy có lỗi khi từ chối những hoạt động xã hội khác, hãy chỉ lắng nghe cảm xúc và nhu cầu của bản thân.

Khi bạn theo đuổi ước mơ của chính mình

Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, hãy sống hết mình để không hối tiếc. Đừng xin lỗi cha mẹ, vợ chồng, hay bất kì ai khác vì đã chọn bước đi trên con đường bạn muốn – thay vì con đường họ muốn bạn đi. Chúng ta sẽ không có được hạnh phúc nếu không được sống đúng với ước mơ của mình.

Khi bạn không hoàn hảo

Không vẹn toàn cũng là một điểm làm cho mỗi chúng ta trở nên đặc biệt và độc đáo. Nhìn ở một góc độ khác, những khiếm khuyết góp phần tạo nên bàn đạp giúp bạn nỗ lực và dám đối mặt hoàn thiện mình. Bạn không nên cảm thấy áy náy hay hối tiếc vì mình đã kém hoàn hảo trong mắt người đối diện.

Hãy nhớ 5 điều này trước khi nói lời xin lỗi

Nếu như muốn tiết chế việc nói xin lỗi, bạn sẽ cần nỗ lực để thực hành. Dưới đây là một số cách để làm điều đó:

Nhận thức rõ hơn về bản thân

Bước đầu tiên cần làm là đánh giá lại hành vi và khuynh hướng của bạn. Có thật là bạn đang nói xin lỗi quá nhiều? Bạn có thể nhìn nhận điều này bằng việc kiểm đếm số lần xin lỗi trong một ngày và vì những lý do gì. Biết được điều này sẽ giúp bạn quan sát thật cẩn thận trước khi thốt ra lời xin lỗi.

Hãy dành lời xin lỗi khi bạn thực sự có lỗi, đừng tuỳ tiện xin lỗi khi bạn không sai!

Gọi tên cảm xúc của bạn phía sau mỗi lời xin lỗi

Đây là một cách hay, giúp bạn hiểu được việc mình xin lỗi có phải xuất phát từ sự hối lỗi thật lòng hay không. Nếu như chỉ nói lời xin lỗi vì phản xạ vô thức, bên trong bạn có thể cảm thấy thật tồi tệ. Còn khi bạn nói xin lỗi chân thành cho hành động gây tổn thương của mình, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Hãy lưu tâm tới cảm xúc của bản thân trong quá trình giải quyết mọi xung đột, đó chính là chiếc chìa khóa vàng để hiểu liệu lời xin lỗi của bạn có thực sự ý nghĩa hay không.

Hiểu được tình huống nào nên xin lỗi hoặc không

Nếu bạn không thể kiểm soát được tình hình hoặc đó là một sai lầm nhỏ ngoài ý muốn của rất nhiều người, bạn không cần thiết phải xin lỗi. Nhưng nếu bạn thực sự có lỗi, hãy nói thật chân thành. Thừa nhận mình sai chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhưng nó có thể củng cố các mối quan hệ của bạn và cho thấy bạn là người có EQ cao.

Thoải mái khi nói “không”

Nói từ chối có thể gây khó xử và khó chịu với một số người, nhưng nói từ chối khi cần là một cách hiệu quả để bạn xây dựng giá trị bên trong mình. Ví dụ, nếu đang “ngập lụt” trong cả tá deadline và một đồng nghiệp yêu cầu bạn hỗ trợ, bạn không cần thiết phải xin lỗi vì mình không thể giúp mà chỉ đơn giản là từ chối nhẹ nhàng.

Chuyển hoá “xin lỗi” thành “cảm ơn”

Thay vì xin lỗi, hãy chuyển chúng thành những câu mang tính tích cực hơn, ví dụ như “Cảm ơn vì đã chờ tôi” khi bạn đi trễ vài phút, thay vì “Xin lỗi vì đã đến trễ”. Khi ai đó làm điều gì khiến bạn hài lòng, đừng xin lỗi vì bản thân đã không làm điều đó sớm hơn. Thay vào đó, hãy thể hiện lòng biết ơn.

Khi bạn đi làm về và người bạn cùng phòng đã nấu xong các món ăn ngon, thay vì xin lỗi vì đã không tự làm chúng (điều này chỉ khiến họ phải mất công trấn an bạn), hãy bày tỏ lòng biết ơn, điều này sẽ khiến họ hạnh phúc và cảm thấy được ghi nhận.

Nói lời cảm ơn thay vì xin lỗi có thể mang lại hiệu quả trong nhiều trường hợp khác nhau. Nếu ai đó phê bình bạn trong công việc, bạn có thể cảm ơn họ vì sự góp ý nhiệt thành. Nếu muốn chia sẻ nỗi buồn của mình với ai đó, bạn có thể cảm ơn họ vì đã lắng nghe, thấu hiểu thay vì xin lỗi khi mình đã làm như vậy. Thay vì: “Xin lỗi, tôi có một câu hỏi”, hãy thử nói: “Tôi muốn hỏi một câu”. Thay vì: “Xin lỗi, tôi không nghĩ rằng tôi đồng ý với quan điểm đó”, hãy thử nói: “Quan điểm đó thực sự hấp dẫn. Nhưng tôi có một cách nghĩ khác”. Hoán đổi câu xin lỗi thành lời biết ơn sẽ khiến cuộc sống của bạn ngọt ngào và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.  

Cẩm Mịch/Theo CNBC, Melodywilding và Mindbodygreen

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


3 bài tập giảm cân siêu tốc dành cho người lười