Các trường hợp ngôi thai không thuận lợi để sinh thường
Tin liên quan
Ngôi thai được phân thành 3 dạng chính: Ngôi đầu, ngôi mông và ngôi ngang. Ở giai đoạn đầu của thai kỳ, bé sẽ nằm trong bụng mẹ với đầu hướng lên, nhưng từ tuần 35 đến 37, bé sẽ quay đầu xuống để sẵn sàng cho việc chào đời. Tuy vậy, có những bé vẫn “ngoan cố” giữ nguyên tư thế của mình đến tận ngày sinh.
Ngôi đầu
Ngôi đầu là tư thế thuận lợi nhất để sinh thường. Ở tư thế đầu quay xuống, tùy theo độ ngửa đầu mà bé có các tư thế như ngôi chỏm, ngôi thóp trước, ngôi trán, ngôi mặt. Tuy thuận lợi nhưng các kiểu ngôi trán, ngôi mặt vẫn có thể gây khó khăn cho mẹ lúc sinh vì diện tích tiếp xúc ở phần này lớn và khó đi lọt qua ngả âm đạo. Đặc biệt, nếu thai nhi ngôi mặt và cằm quay về phía lưng của người mẹ thì phải sinh mổ.
Ngôi mông
Đây là ngôi ngược, đầu bé hướng lên, phần mông hoặc chân lọt vào khung chậu của mẹ. Có hai dạng:
- Ngôi mông đủ: Bé có tư thế gần như ngồi xếp bằng trong tử cung. Nếu bác sỹ khám sẽ thấy cả mông và chân bé.
- Ngôi mông thiếu: Bé vắt chân lên cao, bác sỹ chỉ sờ được mông, bé thả chân xuống, chỉ sờ được chân và bé quỳ gối, chỉ sờ được đầu gối.
Không phải trường hợp ngôi mông nào cũng phải sinh mổ. Tùy vào sức khỏe của mẹ và khả năng xoay trở của thai trong quá trình sinh mà bác sỹ sẽ tư vấn cho mẹ giải pháp phù hợp. Ở trường hợp ngôi mông kiểu chân, mẹ sẽ được chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, nếu sinh đôi, tử cung có vết mổ cũ hay con so nặng trên 3kg thì mẹ cũng nằm trong diện chỉ định sinh mổ.
Ngôi ngang
Trong trường hợp nhau thai nằm sấp hay sinh đôi, thai chỉ xoay được giữa chừng nên thường chui nằm ngang hay xiên trong tử cung. Trong trường hợp này, bé không thể qua lọt được khung chậu nên bác sĩ sẽ áp dụng biện pháp sinh mổ.
Trong thời gian chuyển dạ, mẹ có thể áp dụng một số kỹ thuật để tác động đến ngôi thai, giúp việc sinh nở thuận lợi hơn:
- Cố gắng đứng thẳng càng lâu càng tốt, nghiêng người về phía trước khi có các cơn gò.
- Nhờ người massage lưng và đung đưa hông khi có cơn gò để giúp bé đổi hướng.
- Tránh nằm ngửa hay ngồi ghế.
- Nên nằm nghiêng và dạng chân để hông mở rộng.
Tuy nhiên, việc tác động đến ngôi thai như trên không phát huy nhiều tác dụng nếu bé ở ngôi chân hay ngôi ngang. Nếu mẹ đang mang thai ở các dạng ngôi thai này, nên khám thai đúng lịch và tìm sự tư vấn của bác sỹ. Trong một số điều kiện thích hợp, các bác sỹ sẽ giúp mẹ thực hiện kỹ thuật xoay ngôi thai.
Cách xác định bé có ngôi đầu hay ngôi mông
Có thể biết được bé có ngôi đầu hay ngôi mông nhờ quan sát bằng mắt thường và cảm giác của mẹ bầu. Nếu bé có ngôi đầu, mẹ sẽ cảm thấy nặng nề phía dưới khung xương chậu, một phần bụng tròn rõ rệt và cảm thấy em bé đạp cạnh sườn. Với ngôi mông, bụng mẹ bầu sẽ phẳng bè và mềm hơn. Khi bé đạp mẹ cảm nhận được tay, chân bé tại vùng giữa bụng mình. Vùng xung quanh rốn mẹ bầu cũng lõm sâu vào.
Mẹo hay tránh cho bé khỏi ngôi mông
Lưng là bộ phận nặng nhất trên cơ thể em bé, bởi vậy lưng em thường có xu hướng bị hút về vùng thấp nhất trong bụng mẹ. Nếu bụng của bạn ở vị trí thấp hơn lưng, như trường hợp bạn ngồi trên ghế và hướng về phía trước, lưng em bé sẽ xoay hướng về phía bụng bạn. Nếu lưng của bạn ở vị trí thấp hơn mông, như trong trường hợp bạn nằm ngửa hoặc ở tư thế nửa ngồi nửa nằm trên ghế sofa, lưng của em bé sẽ xoay hướng về lưng bạn.
Vì thế, cần tránh tư thế làm cho em bé hướng mặt vào bụng bạn như ngả lưng trên ghế, dựa lưng trên ghế ô tô hoặc tư thế đầu gối co cao hơn khung xương chậu. Tư thế của mẹ thuận lợi nhất cho bé là quỳ gối thẳng, ngồi thẳng lưng, hoặc tư thế bò với tay và đầu gối chống xuống sàn. Khi ngồi trên ghế, luôn đặt chân thấp hơn khung xương chậu và thân hơi hướng về phía trước.
(Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất