10 bộ phim gây tranh cãi nhất trong lịch sử điện ảnh

Red 2015-01-10 07:33
- “The Interview” chỉ là một trong số không nhỏ những bộ phim làm bùng nổ cuộc phản ứng mạnh mẽ từ phía khán giả và dư luận khi nội dung trong phim đả động đến những đề tài nhạy cảm.
 
Bộ phim “The Interview” đã làm bùng nổ một cách không thể lường trước một cơn chấn động: các phòng chiếu đều cháy vé, doanh thu khủng, từ khóa tìm kiếm “The Interview” là một trong những từ khóa hot trong một thời gian ngắn. Bộ phim tự bản thân nó đã đủ sức làm dấy lên những tranh luận sôi nổi một cách hiệu quả hơn bất kỳ phương tiện truyền thông nào.
"The Interview" thậm chí đã gây ra cơn chấn động ngay cả khi chưa được phát hành chính thức. Dave Skylark (James Franco) và nhà sản xuất Aaron Rapoport (Seth Rogen) cùng chạy chương trình truyền hình lá cải về những người nổi tiếng "Skylark Tonight." Khi khám phá ra nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên - Kim Jong-un là một fan hâm mộ của chương trình, họ đặt một cuộc phỏng vấn với ông trong một nỗ lực để hợp pháp hóa bản thân họ như những nhà báo. Dave và Aaron đã chuẩn bị để đến Bình Nhưỡng. Thế nhưng kế hoạch của họ thay đổi hoàn toàn khi CIA tuyển mộ họ để… ám sát Kim Jong-un.
Với nội dung gây tranh cãi như trên, “The Interview” vấp phải những phản ứng rất mạnh mẽ từ phía Triều Tiên. Bộ phim ban đầu đã bị hủy kế hoạch phát hành tại hơn 300 rạp ở Mỹ vào dịp Giáng sinh sau khi xảy ra vụ tấn công mạng nhằm vào hãng Sony bởi các hacker Triều Tiên. Tuy nhiên, sau cùng, “The Interview” bất ngờ được phát hành và lập kỷ lục khi trở thành phim được tải nhiều nhất trong lịch sử của hãng Sony và đem về tới gần 18 triệu USD trong vỏn vẹn 4 ngày đầu tiên.
Tuy nhiên, “The Interview” không phải bộ phim hiếm có gây nên những tranh cãi gay gắt trong xã hội. Cùng điểm lại những bộ phim trong lịch sử mà một cách vô tình hay hữu ý, đã kích động phản ứng mạnh mẽ từ phía khán giả và dư luận.
1. Birth of a Nation (1915)
“Birth of a Nation” là một trong những bộ phim đầu tiên của điện ảnh có tính đổi mới và mang nhiều tham vọng, được đánh giá là bộ phim bom tấn vào thời đó. Có thể bộ phim được coi dấu mốc lịch sử về kỹ thuật của nền điện ảnh đặc biệt kỹ thuật sắp xếp khung hình đã trở thành tiêu chuẩn cho các bộ phim về chiến tranh sau này; nhưng bộ phim đã nhận được những phản đối về mặt xã hội. Trong “Birth of a Nation”, vấn đề phân biệt chủng tộc được thể hiện công khai, và sự khắc hoạ kiểu mẫu anh hùng của nhân vật Ku Klux Klan trong phim đã vướng phải những chỉ trích khiến bộ phim bị cấm công chiếu tại nhiều tiểu bang. Và mặc dù sự tranh cãi này vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay, sức ảnh hưởng của đạo diễn D.W.Griffith đối với nền công nghiệp điện ảnh vẫn là điều không thể chối bỏ.
2. The Great Dictator - Kẻ độc tài vĩ đại (1940)
“The Great Dictator” là bộ phim có thoại đầu tiên của diễn viên phim câm vĩ đại Charlie Chaplin, được quay và phát hành tại Mỹ chỉ một năm trước khi Mỹ tham gia trực tiếp vào Chiến tranh thế giới thứ II. “The Great Dictator” phản đối công khai với Adolf Hitler và Chủ nghĩa phát xít. Trong phim Chaplin đóng cùng lúc hai vai, tên độc tài Adenoid Hynkel, nhân vật rõ ràng lấy hình mẫu từ Hitler (kể cả bộ ria mép), và người thợ cạo Do Thái bị bọn Nazi hành hạ. Bộ phim làm nổ ra tranh cãi cả về tính tiến bộ của nó khi công khai phản đối Hitler, và việc đưa Hitler trở thành một biểu tượng khôi hài.
3. Lolita (1962)
Được chuyển thể từ một tiểu thuyết cùng tên, vốn đã gây tranh cãi ở phong cách mới lạ lẫn nội dung khi nhân vật chính của tiểu thuyết tên Humbert Humbert, một người khá nhiều tuổi có sự ám ảnh về tình dục với một cô gái mười hai tuổi tên Dolores Haze. Phiên bản gốc của bộ phim Lolita được đạo diễn Stanley Kubrick đưa lên màn ảnh từ năm 1962. Tác phẩm này từng được đề cử Oscar vào năm 1963 dành cho Kịch bản chuyển thể xuất sắc.
4. Bonnie and Clyde, 1967
Bộ phim đoạt 2 giải Oscar của đạo diễn Arthur Penn kể về cuộc đời ngắn ngủi nhưng đầy mê hoặc của hai kẻ trộm ngân hàng. “Bonnie and Clyde” đã mở ra một kỷ nguyên mới của điện ảnh Hollywood và đồng thời tạo hiệu ứng “chướng tai gai mắt” với khán giả bởi nhiều cảnh quá bạo lực trong phim.
5. A Clockwork Orange - Cỗ máy con người (1971)
Được chuyển thể từ tiểu thuyết ngắn cùng tên xuất bản năm 1962, “A Clockwork Orange” là một bộ phim mà 3 thứ gồm: bạo lực, tình dục cưỡng bức và nhạc cổ điển được hòa trộn vào nhau. Nội dung phim lấy bối cảnh nước Anh ở tương lai, xoay quanh nhân vật trung tâm là cậu nhóc 15 tuổi Alex Delarge, tên tội phạm bẩm sinh với 3 thứ khoái lạc: bạo lực, hiếp dâm và… nhạc Beethoven. Giữ nguyên kết cấu của tiểu thuyết, bộ phim được chia thành 3 phần rõ rệt: hành trình phạm tội kinh hoàng của Alex, quá trình "tẩy não" Alex khi cậu tham gia vào một chương trình bí mật của chính phủ và cuối cùng là những "đòn thù" mà Alex phải nhận lấy sau khi bị "tẩy não" và ra tù. Với đề tài nhạy cảm, nhận vật chính lại đang ở tuổi vị thành niên, bộ phim ngay khi ra mắt đã làm dấy lên những ý kiến phản đối và lên án trong hàng thập kỷ.
6. Kramer vs. Kramer (1979)
Là một bộ phim có thành công lớn về mặt nghệ thuật khi giành được tới 5 giải Oscar quan trọng nhất: Phim xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, diễn viên chính xuất sắc nhất cho 2 ngôi sao Dustin Hoffman và Meryl Streep và giải về kịch bản; tuy nhiên “Kramer vs. Kramer” vấp phải những tranh cãi khi có nội dung về đề tài khủng hoảng trong hôn nhân. Bộ phim giống như lời cảnh báo trước về những thách thức và khó khăn trong việc nuôi dưỡng một đứa trẻ cũng như đưa ra mức giới hạn của cuộc hôn nhân mà tại đó, những người trong cuộc bắt đầu cảm thấy bất mãn.
7. Basic Instinct - Bản năng gốc (1992)
Bộ phim với diễn xuất của Michael Douglas, Sharon Stone. Ngay từ khi công chiếu, “Bản năng gốc” đã tạo dư luận mạnh mẽ khi xuất hiện nhiều cảnh nóng và hình ảnh bạo lực đẫm máu trong phim. “Basic Instinct” còn đặc biệt bị chỉ trích bởi các tổ chức ủng hộ người đồng tính vì có nội dung liên quan đến quan hệ tình dục đồng tính cũng như sự tham gia của người phụ nữ đồng tính đóng vai trò mắt xích trong chuỗi sự kiện giết người.
Mặc dù chịu nhiều chỉ trích, phim gặt hái thành công vang dội về doanh thu với 352 triệu đô la toàn cầu. Bộ phim sau đó được làm tiếp với tên gọi “Bản năng gốc 2” vào năm 2006.
8. Requiem for a Dream - Nguyện cầu cho một giấc mơ (2000)
Một bộ phim mang tính đột phá của đạo diễn Darren Aronofsky, ông đồng thời là người chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết cùng tên của Hubert Selby. Nội dung của “Requiem for a Dream” đưa ra một cách thẳng thừng chủ đề ma túy và những tác hại cũng như bi kịch mà nó mang lại. Bộ phim miêu tả các hình thức khác nhau của chứng nghiện, quá trình giam cầm những kẻ nghiện trong một thế giới của ảo tưởng và liều lĩnh tuyệt vọng. Nhân vật trong phim là bốn kẻ đầy tham vọng nhưng đã tiêu tan giấc mơ khi chứng nghiện ma túy của họ bắt đầu vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Người bị cắt bỏ tay, kẻ trở thành bệnh nhân tâm thần, quãng đời còn lại của họ chìm sâu vào vũng bùn đen tối chỉ vì thứ bột trắng chết người.
9. The Passion of the Christ - Nỗi khổ hình của Chúa (2004)
Bộ phim đứng đầu trong danh sách 25 tác phẩm điện ảnh làm chia rẽ quan điểm, gây sốc và khiến khán giả chán ghét nhất (đứng thứ hai là bộ phim “A Clockwork Orange”). The Passion of the Christ - kể về việc Jesus Chris bị phản bội và đóng đinh câu rút - đã gây ra “một cơn cuồng phong và chiến tranh văn hóa chưa từng có trong lịch sử Hollywood”. Tuy hai ngôi sao Jim Caviezel và người đẹp nước Ý - Monica Bellucci đã có một diễn xuất tuyệt vời trong phim, nhưng đạo diễn Mel Gibson đã nhận được nhiều chỉ trích khi đã thể hiện một cái nhìn quá bạo lực và tàn ác về cái chết của Chúa Giê-su.
10. Borat (2006)
Bộ phim kỳ quái “Borat” đã trở thành một hiện tượng toàn cầu sau khi phát hành do phong cách làm phim khác thường: phong cách tài liệu với những cuộc phỏng vấn “người thật việc thật”. Borat do nam diễn viên hài người Anh - Sacha Baron Cohen đóng, nhưng những người xuất hiện trong bộ phim này không hề biết điều đó (và cả nhiều khán giả sau khi xem phim cũng có thể chưa biết được sự thật đó). Bộ phim gây tranh cãi khi trong phim có nhiều đoạn rất tục như động tác thủ dâm, cởi truồng lúc cần tỏ ra tôn kính. Bộ trang phục đô vật nhưng được cắt mỏng tới mức chỉ còn mấy sợi dây quấn từ háng lên cổ để đi tắm biển nhanh chóng trở thành biểu tượng của phim, đồng thời là hình ảnh bị chỉ trích nhiều nhất.
Red
Nguồn ảnh: IMDb
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

30 phút làm thon gọn và săn chắc cơ (Phần 2)