Kinh nghiệm xin visa du lịch Schengen tự túc
Tin liên quan
Du hí trời Âu hẳn là mơ ước của rất nhiều người yêu du lịch. Thế nhưng trước khi đến với thiên đường châu Âu, có một “cửa ải” khá khó khăn mà dân du lịch bụi ai cũng phải trải qua. Đó chính là việc xin visa Schengen.
Tuy nhiên, bạn đã có thể tự tin hơn khi tự mình đi xin visa sau những chia sẻ của chị Thanh Thuy Vu, một người vừa xin visa du lịch tự túc thành công.
"Tôi apply Visa Schengen qua Đại sứ quán (ĐSQ) Hà Lan. Và ở Việt Nam, đơn xin thị thực có thể được nộp tại Trung tâm tiếp nhận Thị thực tại Hà Nội, Việt Nam - VFS", chị cho biết.
Danh sách giấy tờ chị nộp cho VFS bao gồm:
1. Mẫu đơn xin thị thực Schengen
Chị Thanh Thuy Vu chia sẻ: "Theo tôi thấy tùy ĐSQ khác nhau mà mẫu đơn khác nhau về hình thức, còn về nội dung vẫn đảm bảo có 37 đầu mục cần phải điền. Nên bạn apply Visa qua ĐSQ Hà Lan bạn nên dùng mẫu như họ cung cấp trên website".
Mẫu visa được điền bằng tiếng Anh, trên máy tính. Có chỗ chữ ký thì sau khi điền đầy đủ, chính xác 37 mục xong, bạn in ra rồi ký vào. Sau khi in, bạn dán ảnh kích thước 3.5 x 4.5cm nền trắng.
2. Giấy tờ để xin visa Schengen
2.1. Hộ chiếu bản gốc: Còn hiệu lực và 1 bản photo tất cả các trang đã đóng dấu.
2.2. Sổ hổ khẩu là bản dịch công chứng tiếng Anh.
2.3. Lịch trình chuyến đi: Là lịch trình chi tiết theo ngày trong thời gian bạn thực hiện chuyến đi. Nước bạn chọn để apply Visa cần/nên là nước đầu tiên mà bạn đến trong khối Schengen và cần/nên là nước bạn có số ngày ở lại lâu nhất. Nên nhớ rằng lịch trình này chỉ nhằm mục đích nộp cho ĐSQ, nó không nhất thiết là hành trình thực tế của bạn, nhưng nó lại rất quan trọng vì là một trong tiêu chí để ĐSQ đánh giá hồ sơ. Do đó hãy làm nó thật cẩn thận và cụ thể.
Thời gian và giá tàu, giá máy bay chị tham khảo từ các website: http://raileurope.com, https://www.b-europe.com và https://www.skyscanner.net.
Thời gian và giá phòng lấy từ website http://booking.com.
2.4. Giấy tờ chứng minh chỗ ở trong chuyến đi: Bạn đăng ký một tài khoản ở website http://booking.com/. Đặt tất cả phòng cần đặt (ở nước nào thì đặt phòng nước đó), chờ họ gửi email kèm file booking phòng của bạn. In file này ra để nộp cho ĐSQ. Chú ý là nội dung phải bằng tiếng Anh và phải khớp với lịch trình bạn đã làm ở trên. Sau khi có kết quả đậu visa thì đăng nhập vào lại website đó để hủy các phòng đã đặt nếu lịch trình thật sự của bạn không khớp với lịch trình gửi cho ĐSQ, hoặc bạn tìm được phòng với giá rẻ hơn.
2.5. Giấy tờ chứng minh tài chính đều cần làm bằng tiếng Anh hoặc song ngữ.
Giấy xác nhận số dư sổ tiết kiệm: Bạn xin bản xác nhận song ngữ từ ngân hàng. Chị làm sổ tiết kiệm này trước thời điểm apply Visa ít nhất 3 tháng. Sổ được làm qua dịch vụ “Cho vay tín chấp để xin Visa đi du học/du lịch” của ngân hàng. Hiện giờ hầu như ngân hàng nào cũng có dịch vụ này.
Sao kê tài khoản ngân hàng 3 tháng gần nhất: Dùng bút đánh dấu những khoản trả lương của công ty.
Xác nhận hạn mức thẻ tín dụng (credit) của ngân hàng: Nên có thẻ tín dụng trước rồi mới xin xác nhận (Giấy xác nhận này cần là tiếng Anh hoặc song ngữ).
Xác nhận số dư tài khoản thẻ debit của ngân hàng: Chị vay tiền, gửi vào ngân hàng buổi sáng. Sáng hôm sau ra lại xin xác nhận số dư tài khoản thẻ này, rồi sau khi có xác nhận song ngữ lại rút tiền ra trả lại luôn. Chị cho biết xin xác nhận và rút tiền có thể làm xong trong luôn một buổi sáng.
Phiếu lương 3 tháng gần nhất: Đóng dấu mộc đỏ của công ty rồi trình giám đốc ký. Nếu có thêm bất cứ giấy tờ gì chứng minh bạn sở hữu tài sản có giá trị nào khác thì nên nộp thêm.
2.6. Giấy tờ chứng minh công việc hiện tại
Hợp đồng lao động & phụ lục hợp đồng lao động là bản dịch công chứng tiếng Anh.
Giấy xác nhận là nhân viên công ty bằng tiếng Anh và nộp bản gốc có dấu mộc đỏ của công ty và chữ ký giám đốc.
Đơn xin nghỉ phép: Bằng tiếng Anh và nộp bản gốc có dấu mộc đỏ của công ty và chữ ký giám đốc. Thời gian nghỉ phép cần khớp với thời gian chuyến đi của bạn.
2.7. Bảo hiểm du lịch quốc tế: Bảo hiểm này không chỉ cần nộp cho ĐSQ mà nó là thứ cần cho chính bạn khi đi du lịch. Vì thế hãy chọn gói bảo hiểm tùy theo khả năng của bạn. Nhớ là bằng tiếng Anh.
2.8.Vé máy bay: Bạn hãy tự book rồi in ra nộp cho ĐSQ. Hoàn toàn không cần qua bất cứ phòng vé hay đại lý/công ty du lịch nào. Sau khi book xong có email gửi về chỉ cần in booking ra là được. Bạn cần lưu ý để website ở chế độ tiếng Anh để booking gửi về cho bạn là bằng tiếng Anh và ngày đi/ngày về phải khớp với lịch trình bạn đã làm ở trên.
3. Phí xin visa
Chị Thanh Thuy Vu nộp tổng cộng 2,3 triệu bao gồm: Phí dịch vụ của trung tâm VFS + Phí nhận tin nhắn tracking hồ sơ + Phí nhận passport + visa tại địa chỉ yêu cầu.
Nguồn: Facebook Thanh Thuy Vu
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất