Thịt bị tiêm thuốc an thần, bơm nước: Nguy cơ đáng lo với sức khỏe

2015-04-22 17:00
- (Em đẹp) - Sự việc thịt heo bị tiêm thuốc an thần hoặc bơm nước đáng lo ngại với sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, bà nội trợ phải là người tiêu dùng biết cách lựa chọn thịt sạch.

Vừa qua, Công an Tp.Biên Hòa (Đồng Nai) đã bắt quả tang cơ sở nuôi heo có tiêm thuốc ngủ. Thậm chí, cơ sở này còn bơm nước vào bụng của lợn để tăng trọng lượng. Cơ sở này của ông Phan Văn Vui (xã An Hòa, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai).

Vào thời điểm kiểm tra, trong các chuồng có một số heo nằm yên lặng, 30 con bị bơm nước. Tổng số con heo đang được nuôi là hơn 100 con.

Theo lời khai của ông Vui, để tiện cho việc bơm nước, các nhân viên trong cơ sở đã bơm thuốc an thần cho heo để nước không bị thoát ra ngoài.

Những vụ việc bơm nước vào heo không phải là lần đầu tiên mới xảy ra, cách đây không lâu nhiều cơ sở chăn nuôi bị phát hiện bơm nước vào vật nuôi để tăng trọng lượng đã bị cơ quan chức năng phát hiện. Hồi tháng 10/2014, cơ quan chức năng Tp.Biên Hòa (Đồng Nai) đã phát hiện cơ sở nuôi heo ở khu 7 (Long Bình, Biên Hòa) các nhân viên đang bơm nước vào hàng trăm con heo, hơn 40 con đã hoàn tất việc bơm nước.

Bà nội trợ lo lắng

Từ khi xuất hiện các thông tin về bơm nước vào heo để tăng trọng lượng, chị Thoa (Quận 12, Tp.HCM) luôn lo lắng mỗi khi chọn thịt lợn cho bữa cơm gia đình. Chị Thoa nói: "Thực tế hàng ngày đi chợ, thấy thịt được đưa khắp nơi về, có nhiều sự lựa chọn nhưng tôi hoàn toàn không biết thịt có đảm bảo không, chứ nghe tin thịt bơm nước là sợ lắm. Sợ là không biết nước họ bơm có sạch không hay là nguồn nước ô nhiễm, thứ nữa là sợ liệu bơm nước như vậy có tăng nguy cơ nhiễm bệnh trong khi mổ".

Cùng chung tâm trạng với chị Thoa, chị Ngọc Anh (Long Thành, Đồng Nai) cũng là người nội trợ thường chọn món thịt trong bữa cơm gia đình. Mới đây nghe thông tin về việc heo bị tiêm thuốc an thần càng khiến chị ái ngại khi đứng trước quầy thịt heo dù là mối quen biết.

Chị Ngọc Anh nói: "Bản thân tôi khi đi chợ cũng đắn đo lắm. Nói không ăn thịt đâu có được, thịt vẫn cần có trong bữa ăn hàng ngày. Nhưng khi nghe tiêm an thần thì tôi thấy lo lắng, cầm miếng thịt lên không biết thịt nào đảm bảo, thịt nào có tiêm thuốc. Tiêm thuốc ở cơ sở chăn nuôi, cơ quan chức năng cũng khó phát hiện sau khi thịt được giết mổ".

Nhiều bà nội trợ cũng tỏ ra quan tâm đến việc làm sao phát hiện miếng thịt heo có tiêm thuốc, hoặc bơm nước và liệu có tiềm ẩn nguy cơ gì với sức khỏe. Rõ ràng một việc làm bất bình thường như vậy sẽ có ảnh hưởng đến người tiêu dùng dù ít dù nhiều.

Tác hại của bơm nước và thuốc an thần

Thuốc an thần Prozil bị chủ cơ sở nuôi heo tiêm vào con vật bị phát hiện cách đây mấy hôm còn có tên là acetylpromazil Đây là biệt dược của acepromzine. Theo lời một bác sĩ có tìm hiểu về loại thuốc này, biệt dược này từng được dùng chữa bệnh tâm thần phân liệt nhưng sau đó dùng loại thuốc khác.

Acepromzine được dùng để giúp kìm hãm sự hung dữ của động vật như chó, mèo, không có khuyến cáo dùng cho người. Việc dùng thuốc này tiêm cho heo rõ ràng là gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Bởi ngay cả việc dùng cho động vật cũng có thể xảy ra hạ huyết áp nghiêm trọng do giãn mạch.

Nếu tiêm cho heo trước khi đưa vào lò mổ thì chắc chắn nó sẽ đọng lại trong cơ thể, thịt. Khi thời gian đào thải chưa hết thì thuốc sẽ có thể gây hại cho người tiêu dùng khi ăn vào. Ngay cả khi ăn vào, thuốc sẽ tích tụ lại trong cơ thể, gây hại cho nhiều cơ quan như tim, thận, hệ xương và ảnh hưởng đến hệ thần kinh làm ảnh hưởng trí nhớ, hay quên, đãng trí và có thể có phản ứng run.

Trong khi đó, bơm nước không phải là không đáng lo. Chuyên gia vệ sinh an toàn thực phẩm đánh giá, việc bơm nước nhằm tăng trọng khối lượng khi xuất chuồng là việc làm cần phải lên án và xử lý thích đáng. Điều các chuyên gia lo lắng là nguồn nước bơm vào cho heo hay các con vật có thể không đảm bảo, chứa mầm bệnh, chứa vi sinh vật gây bệnh, chứa vi khuẩn có hại... khi được bơm vào cơ thể của vật nuôi sẽ khiến chúng thâm nhập vào thịt, các cơ quan của cơ thể.

Khi nước nhiễm bẩn, bệnh, vi sinh vật có hại đã thấm vào các cơ quan, thêm nữa là quá trình giết mổ không được sạch sẽ càng tiềm ẩn nguy cơ có hại cho người tiêu dùng.

Cách chọn thịt lợn

TS Nguyễn Duy Thịnh đưa ra lời khuyên, với thịt sờ vào có độ đàn hồi, không dính tay vì không có chất nhờn do ôi thiu. Còn nếu đã có chất nhờn do ôi thiu thì thịt sẽ dính tay. Màu sắc tự nhiên, không quá đỏ hay hồng bạc.

Một số chuyên gia khác cho hay, với thịt bị bơm nước, thịt không hồng, mà có màu hơi trắng bệch, sờ vào miếng thịt không đàn hồi mà bở, rệu rã, nhão. Sau 1 khoảng thời gian tính từ lúc giết mổ, từ thịt chảy ra nhiều nước.

Thịt đảm bảo chất lượng là khi người tiêu dùng đặt tay ấn lên miếng thịt chỗ lõm sẽ trở lại bình thường ngay, còn miếng thịt ôi thì miếng lõm sẽ không đàn hồi trở lại.

Diệu Quỳnh
(Theo Congluan.vn)

 

 

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bài tập đơn giản giúp cải thiện tình trạng gù lưng ngay tại văn phòng