Cá tháng tư: Chuyện kinh doanh thực phẩm quê "đổi đời" trên phố
Tin liên quan
Cứ tưởng chỉ có ngày Cá tháng tư lòng tin mới bị tận dụng triệt để trong các trò chơi khăm. Nhưng không, chuyện đội giá hàng quê trên phố thị đã diễn ra mỗi ngày. Thịt lợn sạch giá 200.000 đồng/kg, gà H’mông lông đen 250.000 đồng/kg, gà ri thả vườn 195.000 đồng/kg, rô phi đồng 200.000VNĐ/kg, tôm sông có trứng 350.000 đồng/kg, cà chua ương 30.000 đồng/kg, rau tập tàng 40.000 đồng/kg, … là bảng giá cố định cho một số mặt hàng thực phẩm được một “nhà phân phối” nghiệp dư với “nghề tay phải” là nhân viên văn phòng, “nghề tay trái” là bán lẻ thực phẩm quê. Đây được xem là trào lưu phổ biến hiện nay khi mà phân phối thực phẩm dựa trên lòng tin giữa người bán và người mua đang được coi là kế sách kinh doanh 1 vốn 4 lời hiện nay.
Đội giá vô tội vạ
Thời gian qua, các bà nội trợ chuyển sang đặt niềm tin vào những người bán hàng online. Không biết từ khi nào, trên các diễn đàn, mạng xã hội xuất hiện nhan nhản những người bán hàng mà ở quê có trang trại rộng lớn, chuyên sản xuất đồ sạch để cung cấp cho thị trường.
Các bà nội trợ rất sùng chọn mua gà quê qua... ảnh và nhận gà đã được làm sạch.
Chị Trần Thị Liễu – nhân viên phân phối rau sạch cho một thương hiệu có tiếng – cho biết: “Chỉ nói riêng mặt hàng rau củ quả, chúng tôi rất vất vả trong việc cạnh tranh với số lượng đông đảo các nhà phân phối thực phẩm quê kiểu này. Với cái mác rau quê, rau nhà trồng… họ hét giá trên trời. Chẳng hạn như cà chua sạch của công ty tôi bán với giá 20.000 đồng/kg thì các mẹ bán rau quê hét giá 30-35.000 đồng/kg, rau lang công ty bán với giá 16.000/kg được bán giá 20.000 đồng…Giá cả chát chúa như vậy nhưng chất lượng không có ai đứng ra đảm bảo, chỉ dựa trên lòng tin, tiền trao, cháo múc – chỉ có duy nhất nick ảo trên mạng xã hội và một số điện thoại để làm tin”.
Ở trên phố, chỉ có dân tỉnh lẻ là rõ nhất giá thực phẩm gắn mác quê đã được các “tiểu thương” thổi lên khủng khiếp như thế nào. “Gấp 2 đến 3 lần là tỷ lệ giá để làm ăn có lãi” – theo lời một người bán thực phẩm quê online.
Theo đó, mua tại nguồn, rau tập tàng chỉ có giá gốc từ 10-12.000 đồng/kg, rau lang 10.000 đồng/kg, mồng tơi 14.000 đồng/kg, cải cúc 6-7.000 đồng/kg, rau cải ngồng 7-8.000 đồng/kg… Một quả trứng gà ta xịn có giá bán cao nhất là 3.000 đồng, trứng vịt thì 2.200-2.500 đồng. Một kg tôm đồng, tôm sông chỉ có giá chát chúa là 160.000-180.000/kg. Cá sông mua tại bến đò cũng chỉ có giá từ 50.000 -90.000 đồng/kg,… Nhưng khi được gắn mác thực phẩm quê, chúng mang lại siêu lợi nhuận cho khâu trung gian.
Dù chưa có loại "chuối phố" nhưng "chuối quê" vẫn có giá cao hơn "chuối thường"
Đồng cảm với ý kiến của chị Liễu, anh Lê Huy Hoàng (Quốc Oai, Hà Tây) cho biết: “Gia đình tôi tự nuôi lợn bằng bỗng rượu để tự cung tự cấp trong gia đình, đôi khi nuôi được nhiều cũng bán ra ngoài, nhưng được giá cũng chỉ là 5,5-6 triệu đồng/tạ lợn hơi. Một con lợn sạch 70kg hơi sẽ thu được khoảng 45kg - 50kg móc hàm. Người ta bán ra với giá thấp nhất là 200.000 đồng/kg thì mỗi con lợn họ cũng thu lời từ 4-5 triệu đồng. Trong khi đó, thịt lợn ngon tại chợ cũng chỉ có giá chưa đến 100.000/kg”.
Chất lượng – chỉ người bán biết
Anh Nguyễn Văn Bản, một shipper - người giao hàng chuyên nghiệp - tiết lộ: “Tôi làm nghề giao hàng 4 năm nay nên cũng được chứng kiến không ít chuyện cười ra nước mắt khi chủ hàng và khách hàng xảy ra cãi vã về chất lượng thực phẩm. Lôi nhau lên diễn đàn, lên mạng xã hội…Xong xuôi, nếu mắc lỗi, người bán chỉ cần đổi nickname, đổi số điện thoại là công việc làm ăn lại xuôi chèo mát mái”.
Cá diếc đồng tại gốc giá 12-15.000/kg, đem ra phố được bán với giá 25-35.000/kg.
Kinh doanh thực phẩm quê online mang lại siêu lợi nhuận là vậy, nhưng chưa có cơ chế nào để các cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng, giá bán… của loại hình kinh doanh này. Người bán không mất chi phí thuê cửa hàng, cũng chẳng cần nhãn mác, đóng thuế thì càng không… Chỉ bằng uy tín cá nhân để phân phối thực phẩm vào bếp ăn của các gia đình trong thành phố. Mấy người tiêu dùng biết được, có thể, họ đã phải chi nặng tay cho những thực phẩm không rõ nguồn gốc và rất có thể, bên mâm cơm của gia đình họ vẫn có bóng dáng của sát thủ ngồi chung bàn.
Chị Lê Thùy Linh (Văn Quán – Hà Đông – Hà Nội) cho hay: “Trước đây tôi cũng hay mua thực phẩm của các mẹ bán hàng trên mạng, nhưng sau đó thấy nhà nhà bán đồ sạch, người người kinh doanh thực phẩm quê nên tôi đâm ra lo ngại về chất lượng. Lấy đâu ra nhiều đồ sạch đến thế? Cuối cùng, tôi chọn cách là nhờ họ hàng ở quê mua ở những gia đình nuôi trồng uy tín ở đó rồi đóng gói, gửi ra Hà Nội mỗi tuần một lần, cả rau củ quả lẫn thịt gia súc, gia cầm”.
Liên Châu
(Theo Congluan.vn)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất