Con xanh xao, chậm lớn, mẹ tự mua siro bổ sung sắt tại nhà, nửa năm sau hoảng loạn khi thấy triệu chứng này
Tin liên quan
Những nguy hiểm tiềm ẩn
Thấy con gầy gò, xanh xao, chậm lớn, chị Huỳnh Ngọc Huyền (28 tuổi, Bình Dương) tìm hiểu trên mạng thấy tất cả các triệu chứng của con rất giống với bệnh thiếu máu.
Thay vì đưa con đi khám, chị Ngọc Huyền đã ra hiệu thuốc mua sirô bổ sung sắt và kẽm cho con. Bổ sung sắt được 6 tháng, con chị Huyền vẫn xanh sao, chậm lớn, bụng có dấu hiệu chướng to. Lúc này, chị Huyền mới vội vàng đưa con đi khám, bác sĩ chẩn đoán con chị bị beta – Thalassemia (bệnh tan máu). Còn dấu hiệu chứng bụng của con chị Ngọc Huyền là do sắt tích tụ tại gan gây nên.
Bệnh nhân bị biến chứng gan do mắc bệnh Thalassemia, ảnh BSCC.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, Đại học Y Dược học Tp.HCM cho biết, trong quá trình khám bệnh đã gặp nhiều bệnh nhi chỉ vì biếng ăn, xanh xao cha mẹ tự ý mua sắt, mua thuốc bổ về cho con uống. Một số bệnh nhi còn dùng chung một đơn thuốc của nhau.
Đó là trường hợp của bệnh nhi Nguyễn Hoàng Khang (5 tuổi), khi thấy con có dấu hiệu của bệnh thiếu máu giống con hàng xóm (đi khám bị thiếu hồng cầu nhỏ). Mẹ bé Khang đã xin đơn thuốc bổ của người khác và đi mua cho con uống hơn nửa năm. Khi con có những triệu chứng nặng mới đưa tới bệnh viện khám và điều trị.
“Tự ý bổ sung sắt hay thuốc bổ không theo chỉ định của bác sĩ sẽ rất nguy hiểm. Thiếu hồng cầu nhỏ có rất nhiều nguyên nhân trong đó có thiếu sắt, do bệnh lý Thalassemia hoặc các bệnh lý nội khoa mãn tính tiềm ẩn khác chưa được tìm ra”, bác sĩ Sang cho hay.
Tự bổ sung sắt là sai lầm
Bổ sung sắt nếu không đúng bệnh lý sẽ rất nguy hiểm. Ví dụ, một đứa trẻ bị thiếu máu nếu bổ sung sắt sau 30-60 ngày theo liều quy định sẽ cải thiện được tình trạng thiếu máu. Nhưng đối với bệnh nhi mắc bệnh lý Thalassemia nhưng không biết mà tự ý bổ sung sắt sẽ cực kỳ nguy hiểm.
Người mang bệnh lý này sẽ gặp phải biến chứng phải truyền máu định kỳ hàng tháng. Ngoài ra, bệnh nhân cần phải thực hiện thải sắt do bác sĩ thực hiện để tránh biến chứng lên gan, thận, xương sọ... Một bệnh nhân được ghi ngờ mắc bệnh Thalassemia phải được làm xét nghiệm định lượng nồng độ sắt huyết thanh, TIBC và làm điện di hemoglobin... Khi chắc chắn bệnh nhân đó là bình thường thì bác sĩ sẽ bổ sung sắt cho trẻ.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, thiếu máu còn có thể gặp ở những bệnh lý nội khoa như viêm ruột, xuất huyết tiêu hóa tiềm ẩn, Helicobacter pylori... Những trường hợp này nếu được chẩn đoán là thiếu sắt cần phải có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Nếu thấy lòng bàn tay trẻ nhợt nhạt hơn bàn tay bố mẹ thì nên đưa trẻ đi xét nghiệm.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang khuyến cáo, tuyệt đối không bổ sung sắt cho trẻ nhỏ khi chưa có chỉ định của bác sĩ, ngay cả thuốc bổ cũng như vậy. Nếu thấy con gầy gò, xanh xao, bụng to, chậm lớn, da sậm màu nên đưa trẻ đi khám, xét nghiệm để tìm nguyên nhân. Việc làm xét nghiệm chỉ mất vài trăm nghìn nhưng có thể xác định được những bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể sớm.
Để xác định trẻ thiếu máu, bố mẹ có thể so sánh với lòng bàn tay trẻ. Nếu thấy lòng bàn tay trẻ nhợt nhạt hơn bàn tay bố mẹ thì nên đưa trẻ đi xét nghiệm. Trẻ nhỏ nếu thiếu máu kéo dài không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển. Thiếu máu còn sẽ ảnh hưởng tới nhận thức, trí tuệ của trẻ. Trẻ thiếu máu thường mất khả năng tập trung, chậm biết đọc, học tập sa sút, thiếu máu nặng có thể gây đột quỵ.
Nhóm trẻ dễ bị thiếu máu hơn so với trẻ bình thường gồm:
Nhóm trẻ sinh thiếu tháng và nhẹ cân
Nhóm trẻ sống ở những vùng thiếu ăn, điều kiện kinh tế nghèo nàn, dinh dưỡng không đầy đủ
Trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc béo phì
Trẻ uống quá nhiều sữa bò
(Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi)
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất