Bác sĩ của PGS Văn Như Cương tiết lộ bí quyết không mấy ai biết để chiến đấu với ung thư của bệnh nhân giàu nghị lực

2017-10-12 11:30
- Phát hiện ung thư gan ở giai đoạn muộn nhưng nghị lực sống đã giúp PGS Văn Như Cương sống thêm được 3 năm 3 tháng.

Tinh thần lạc quan, đam mê cống hiến

PGS Văn Như Cương được phát hiện bệnh ung thư gan vào tháng 7/2014, khi đó tiên lượng bệnh của ông khá xấu. Bác sĩ dự đoán chỉ sống thêm được khoảng 6 tháng.

Th.BS Đoàn Trung Hiệp, Phụ trách Khoa Ung bướu người lớn và Trung tâm xạ trị, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho hay thời điểm PGS Văn Như Cương tới điều trị, gan bị xơ nhiều. Các bác sĩ đã tiến hành chăm sóc giảm nhẹ nút mạch, chăm sóc dinh dưỡng. PGS Văn Như Cương được nút mạch 4 lần sau đó phải dừng do không thể nút được nữa. Tiếp đó, thầy Cương được chuyển sang điều trị thuốc trúng đích, truyền đạm giải độc gan (gan đã xơ hóa).

Bác sĩ Đoàn Trung Hiệp: PGS Văn Như Cương là một người hùng trong cuộc chiến chống ung thư

Tình yêu nghề và học trò đã giúp PGS Văn Như Cương có sức mạnh vượt qua căn bệnh ung thư.

Theo bác sĩ Hiệp, quá trình chiến đấu với căn bệnh ung thư của PGS Văn Như Cương là một câu chuyện đầy nghị lực sống. Thầy là một bệnh nhân ung thư cao tuổi, bệnh nặng, tiên lượng bệnh khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, ý chí và tinh thần lạc quan sự cộng tác điều trị, thầy đã vượt xa mọi thống kê về ung thư học.

“Bằng chứng là với căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối của thầy được tiên lượng chỉ sống trong vòng 6 tháng nhưng thầy đã sống thêm được 3 năm 3 tháng. Trong quá trình điều trị, có lúc bệnh của PGS Văn Như Cương trở nặng, suy gan. Thầy đã bị hôn gan 3-4 lần, gần đây nhất bị tràn dịch màng phổi, phổi có nhiễm nấm… ”, bác sĩ Hiệp nói.

Nói về PGS Văn Như Cương, bác sĩ Hiệp cảm nhận được tinh thần lạc quan, niềm ham sống và cống hiến cho học trò, ngành, nghề giáo dục… đã chuyển thành sức mạnh để  chiến đấu, chống lại căn bệnh ung thư.

Khi vào viện điều trị, thầy vẫn luôn mong muốn khỏe lại để về với học trò, dự lễ khai giảng, cống hiến và đóng góp ý kiến cho ngành giáo dục qua các kỳ thi.

“Tôi cảm nhận thấy được rằng, ngay cả khi bệnh trở nặng, thầy vẫn muốn trở về với học trò, công việc. Niềm đam mê với giáo dục trong suốt 80 năm cuộc đời đã thành sức mạnh, động lực sống lớn nhất để thầy chiến đấu với căn bệnh ung thư”, bác sĩ Hiệp chia sẻ.

Gia đình tràn đầy tình yêu thương

Khi thầy bị bệnh, tất cả các thành viên trong gia đình luôn ở bên cạnh. “Đây là một gia đình hiếm có, cả 4 thế hệ đều sống với nhau trong một mái nhà. Họ luôn quan tâm chăm sóc cho nhau. Tôi nghĩ gia đình chính là động lực lớn trong quá trình chiến đấu với căn bệnh này”, bác sĩ Hiệp cho biết.

Bác sĩ Đoàn Trung Hiệp: PGS Văn Như Cương là một người hùng trong cuộc chiến chống ung thư

Gia đình chính là động lực giúp PGS Văn Như Cương vượt qua giới hạn của bệnh tật.

Sòng phẳng với căn bệnh ung thư

Cuộc chiến với ung thư là cuộc chiến khó khăn nhất của chúng ta hiện nay. Chiến đấu với bệnh ung thư sẽ cực kỳ căng thẳng và mệt mỏi. Mỗi một người bệnh là một chiến sĩ, xung quanh họ là bác sĩ và gia đình cùng hỗ trợ.

Bác sĩ Hiệp chia sẻ: "Thầy Cương có sự lạc quan một cách lý trí và thầy rất sòng phẳng với căn bệnh ung thư. Thầy đã vượt qua được những ám ảnh chết chóc về bệnh ung thư để có niềm tin cộng tác với khoa học, y học, bác sĩ và gia đình. Thầy là người truyền cảm hứng cho tôi và cho nhiều bệnh nhân khác trở nên  lạc quan hơn. Hành trình 3 năm chiến đấu với bệnh tật của thầy có rất nhiều điều cần phải học hỏi”.

Tình yêu tuyệt vời của vợ

Bác sĩ Hiệp cho rằng, thời gian sống kéo dài của PGS Văn Như Cương còn có công lao rất lớn của vợ thầy (cô Oanh). Trong cuộc sống hàng ngày, cô Oanh và thầy Cương luôn muốn dành cho nhau sự quan tâm chu đáo. Tình yêu vô bờ bến đã giúp cho thầy vượt qua được những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời.

Từ câu chuyện chiến đấu ung thư của thầy Cương, bác sĩ Hiệp đã truyền được cảm hứng sống, tinh thần lạc quan cho các bệnh nhân khác. “Một người tuổi đã cao, mắc ung thư giai đoạn cuối vẫn hiên ngang chiến đấu vượt qua mọi giới hạn của bệnh tật là tấm gương để mọi người học theo”, bác sĩ Hiệp nói.

Theo bác sĩ Hiệp, nguyên nhân tử vong chính của thầy do suy kiệt.  Bác sĩ đã đưa ra các kịch bản cho gia đình: nguy cơ vỡ u, máu chảy ồ ạt và tử vong hoặc thầy bị rơi vào hôn mê dẫn đến nhiễm độc toàn thân và hệ thần kinh trung ương, hoặc suy kiệt thể chất và sinh học.

“Những ngày cuối đời, insulin trong máu của thầy đã tăng, điều này chứng tỏ cơ thể đã bị trơ sinh học. Tôi khuyên gia đình nên đưa thầy về nhà để được ở bên cạnh người thân”, bác sĩ Hiệp xúc động nói.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Thủ thuật tắt 'đã xem' trên Zalo một cách đơn giản nhất