Nghề giúp việc chăm người ốm: Chua chát những câu nói, ánh mắt... 'xát muối' của chủ nhà
Tin liên quan
Chấn động tinh thần mạnh sau khi người bệnh sống thực vật ra đi
Hẳn mọi người còn nhớ vụ nổ kinh hoàng năm 2016 trên đường Lê Trọng Tấn, KĐT Văn Phú, Q. Hà Đông, Hà Nội khiến 4 người chết. Trong đó có một người phụ nữ may mắn sống sót. Tuy nhiên, sau tai nạn khủng khiếp ấy, chị biến thành người sống thực vật. Gia đình đành chấp nhận đưa chị về nhà chăm sóc với hy vọng ngày nào tình trạng của chị sẽ khá lên.
Tại nhà, chị nằm bất động trên giường với ống hút, dây nhựa và bông gạc, phải ăn qua đường ống xông. Gia đình chị buộc phải thuê một người chăm sóc riêng cho chị. Và chị Khúc Phương chính là người đã chăm sóc cho người phụ nữ ấy.
Tết ấy, chị Phương đã ở lại với người bệnh. Nhưng điều kỳ diệu đã không xảy ra. Sự ra đi của người bệnh đã để lại chấn động rất lớn trong lòng chị. Ảnh minh họa.
Chị Phương vẫn nhớ rất rõ chiều 29 – 30 Tết 2018, người bệnh sốt, phải nhập viện. Tết vừa rồi, chị đã quyết định ở lại với người bệnh.
Đến sáng mùng 6 Tết, cảm thấy trong người không được khỏe, chị xin phép gia đình đi kiểm tra xem có sốt vi rút không. Kết quả cho thấy đúng là chị bị sốt vi rút.
“Trên đường đi về nhà, linh tính mách bảo khả năng người bệnh sẽ ra đi, khi về đến cổng thấy đông bà con hàng xóm mới bàng hoàng chạy vào nhà. Lúc đó, tôi kịp đến bên nắm tay em, chứng kiến cảnh em bấc ba nấc rồi đi. Mười năm làm nghề giúp việc chăm sóc người bệnh, chưa bao giờ tôi cảm thấy mình bị chấn động mạnh đến thế. Đến giờ hình ảnh đó vẫn hiện lên trong đầu rõ mồn một”, chị Phương bộc bạch.
Trước kia, khi còn ở Đài Loan, chị đã từng tắm rửa, thay quần áo cho những ông cụ, bà cụ trong tâm thế “sắp đi”. Thế nhưng lần này chấn động, ám ảnh tinh thần lớn quá! Chị Phương đã quyết định nghỉ việc chị đã gắn bó trong suốt 10 năm qua.
Nỗi lòng chăm người ốm kiêm…ô sin
Cho dù đã nghỉ việc, chuyển sang công việc khác nhưng chưa lúc nào chị Phương thôi trăn trở về “phận” người giúp việc chăm sóc người bệnh.
So với giúp việc thông thường, giúp việc chăm sóc người ốm tại gia đình, bệnh viện có thu nhập cao hơn, khoảng 6 – 7 triệu đồng/ tháng, chủ nhà bao ăn ở. “Căng” lắm thì được 8 triệu đồng.
Điều khiến chị Phương trăn trở nhất là hiện xã hội vẫn chưa có sự nhìn nhận xứng đáng về vai trò của người giúp việc chăm sóc người ốm.
Không phải gia đình nào cũng "có tâm" với giúp việc chăm sóc người bệnh. Đôi khi, họ còn "vẽ" thêm việc cho giúp việc làm. Ảnh minh họa.
“Đã làm nghề này thì phải chấp nhận sống xa gia đình, chồng con. Cả tháng, thậm chí mấy tháng mới được về quê một lần. May mắn giờ có điện thoại, internet để giữ liên lạc với gia đình.
Có những gia đình tốt bụng, không để giúp việc thiệt thòi nhưng số đó rất hiếm hoi. Còn lại không được như thế. Cứ mỗi lần xin về quê là chủ nhà mặt nặng mày nhẹ, gây khó dễ “nhà có người nọ người kia việc gì phải về”. Có chị em kể họ bị gia đình “vẽ” thêm việc. Bệnh nhân ngủ, chủ nhà sai đi quét sân, làm cái nọ cái kia.
Chỉ mong muốn mọi người hiểu, có đồng lương phù hợp với công việc và sự đối xử xứng đáng, không nên phân biệt chủ nhà – giúp việc với người làm nghề này”, chị Phương bày tỏ.
Chị Phương cũng từng trải qua cảm giác tủi thân muốn ứa nước mắt khi bị chủ nhà phân biệt đối xử. Họ yêu cầu giúp việc ăn sau, không được ăn cùng chủ nhà. Để tránh cảnh đó, chị Phương đã chủ động bê tô cơm lên phòng, vừa ăn vừa trông người ốm cho đỡ phiền phức.
Với tính chất công việc 24/24 gắn liền với người bệnh, không có thời gian ra ngoài, hiện nhiều chủ nhà đã trả lương bằng cách “bắn” qua tài khoản thay vì đưa trực tiếp cho giúp việc. Theo đó, người giúp việc cũng đỡ mất công giữ tiền trong người, tránh cảnh mất mát tiền của rồi ngờ vực lẫn nhau.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất