Thay đổi thời tiết, các mẹ bỉm sữa lại sốt xình xịch với bài thuốc chữa sổ mũi, ho đờm từ hành tăm
Tin liên quan
Theo chị Trang Lê, ở Bảo Lộc, Hà Tĩnh, con chị 6 tháng tuổi, mấy ngày gần đây bé bị sổ mũi, ho đờm. Không muốn cho con dùng kháng sinh nên chị đã tìm hiểu bài thuốc dân gian chữa bệnh, chị đã làm theo cách mẹ chồng chỉ dạy, lấy hành tăm rửa sạch, giã nát rồi đắp vào lòng bàn chân cho bé.
Chia sẻ với PV Emdep, chị Trang cho biết: “Thật bất ngờ là chỉ sau 3 đêm, bé đã đỡ sốt, sổ mũi, ho đờm nhiều”.
Bài thuốc chị Trang làm cho con.
Cũng theo chị Trang, hành tăm là loại gia vị phổ biến được sử dụng trong nhiều món ăn của người miền Trung, vì thế rất dễ kiếm mẹ nào cũng có thể áp dụng. Vào vụ thu hoạch 1 kg hành tăm chỉ có giá từ 25-30 ngàn đồng nhưng đến tháng 11-12 thì 1 kg hành có thể có giá từ 100-200 ngàn đồng, thậm chí có năm còn lên đến 300-400 ngàn đồng.
Trao đổi về thông tin bài thuốc này này, BS Trần Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội cho rằng, từ xa xưa hành tăm đã được dân gian sử dụng như một vị thuốc để chữa bệnh. Theo đông y, hành tăm có tính nóng, vị cay, mùi hăng nồng, có tác dụng tiêu đờm, giảm ho, làm ra mồ hôi, lợi tiểu, sát khuẩn, giải độc, trị cảm hàn, côn trùng cắn và ngộ độc chì...
Hành tăm, gia vị quen thuộc của người miền Trung, miền Bắc gọi là củ nén.
BS Hùng cho biết: “Hành tăm là thực phẩm họ hành, có chứa phytonxit có tác dụng như một loại kháng sinh chống nhiễm khuẩn tự nhiên. Có hai cách dùng hành tăm, đó là dùng ngoài da và đường ăn uống. Tuy nhiên, dùng đường ăn uống thì chỉ nên áp dụng cho bé trên 1 tuổi”.
Cụ thể:
- Khi bị sốt do cảm lạnh có thể đập nát vài củ hành tăm xoa lên sống lưng và lòng bàn chân để hạ sốt.
- Hấp cách thủy hành tăm và đường phèn: có tác dụng kháng khuẩn đường hô hấp, trị ho, sổ mũi, nghẹt mũi.
- Hấp cách thủy hành tăm và mật ong giúp điều trị viêm họng, cảm sốt, ho dai dẳng.
- Cho hành tăm vào cháo của trẻ trên 1 tuổi để trị cảm lạnh.
Tuy y học cổ truyền đã ghi nhận công dụng của hành tăm, thế nhưng theo BS Hùng, các bà mẹ không nên “thần thánh” hóa các bài thuốc chữa bệnh dân gian truyền miệng, vì hiệu quả trị bệnh bằng thảo dược còn phụ thuộc rất nhiều vào sự đáp ứng của cơ thể mỗi bé.
“Nếu như thực hiện bài thuốc nói trên trong 2-3 ngày mà không hiệu quả, mẹ cần đưa bé đến ngay bệnh viện để tránh tình trạng bệnh diễn tiến nặng. Đồng thời, luôn cần theo dõi chặt chẽ các diễn biến của bệnh, để kịp thời điều chỉnh. Các mẹ cũng không quá lo lắng vì có một số trẻ bị ho, sốt nhẹ là vì phản ứng của cơ thể trước sự thay đổi của thời tiết, bệnh ho có thể tự khỏi.”.
Tuy nhiên, y học cũng có ghi nhận một số dấu hiệu ho, sốt là chỉ điểm của các căn bệnh nguy hiểm như sau:
- Ho kèm thở khò khè có thể là dấu hiệu của sưng phổi, viêm tiểu phế quản, hen phế quản.
- Ho nhiều, ho dai dẳng, ho nặng và nhiều hơn về ban đêm, kèm theo khó thở có thể là dấu hiệu của bệnh hen suyễn.
- Ho kèm sốt cao trên 39 độ C, thở nhanh hơn 40 lần mỗi phút đối với trẻ 1-5 tuổi hoặc trên 50 lần mỗi phút đối với trẻ dưới một tuổi, đồng thời có hiện tượng rút lõm lồng ngực... có thể là dấu hiệu của bệnh viêm phổi.
- Ho đi kèm nôn ói, ợ nóng, đau ngực có thể là triệu chứng của bệnh tiêu hóa trào ngược dạ dày - thực quản.
- Ho ra máu có thể do xây xát niêm mạc đường hô hấp hay các bệnh nặng hơn như giãn phế quản, lao phổi… gây nên.
- Ho nhiều khiến các cơ ngực và bụng căng cứng liên tục và gây đau.
Hiện nay, thời tiết chuyển mùa sang thu đông, lạnh và mưa, ẩm thấp rất dễ sinh nhiều vi khuẩn có hại đến sức khỏe trẻ nhỏ có sức đề kháng cơ thể yếu. Các bé rất dễ nhiễm lạnh dẫn đến một số căn bệnh thông thường về hô hấp như ho, cảm cúm, sổ mũi, thậm chí là bệnh nặng hơn như viêm phổi, viêm phế quản… Vì thế, các bà mẹ nên chủ động giữ ấm, cho bé ăn uống thực phẩm đầy đủ để có sức đề kháng, chống trọi bệnh tật.
Mỹ Mỹ
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất