Là mẹ tốt, hãy... cấp cho con "quyền học dốt"!

2015-04-06 14:56
- "Mỗi người sinh ra đều là một thiên tài. Nhưng nếu bạn bắt một con cá thể hiện khả năng qua việc trèo cây, thì cả đời của nó sẽ sống và tin rằng nó chỉ là một đứa ngốc" - Albert Einstein.
Chuyện này nghe có vẻ buồn cười và tôi không dám chắc các bà mẹ sẽ đồng tình với mình. Nhưng tôi, nhân danh một đứa trẻ 12 năm học hành không có gì đáng kể, không có điểm cao, không trường chuyên lớp chọn, không thi học sinh giỏi (mẹ tôi rất không thích điều này), tôi cũng không học đại học, chỉ theo một lớp học nghề, sau đó tôi đăng ký thêm các lớp bồi dưỡng, lấy những chứng chỉ cần thiết rồi xin đi làm không công để có thêm kinh nghiệm,... Và đến giờ, tôi vẫn có cuộc sống an lành, hạnh phúc. Thế nên tôi muốn vạch rõ các lý do vì sao trẻ em có quyền học dốt, như sau:
1. Con cá, rõ ràng là không thể trèo cây!
Albert Einstein từng nói: "Mỗi người sinh ra đều là một thiên tài. Nhưng nếu bạn bắt một con cá thể hiện khả năng qua việc trèo cây, thì cả đời của nó sẽ sống và tin rằng nó chỉ là một đứa ngốc". Ai cũng biết rằng, đến cả cơ chế sinh học của mỗi người còn chẳng giống nhau, vậy thì vì sao chúng ta tin chắc rằng các em bé đều vui với từng ấy những môn học và chương trình giống nhau? Chưa kể đến cả cách cảm nhận về kiến thức cũng bị quy đồng, cách diễn đạt kiến thức cũng cần phải giống nhau vì người ta chỉ quen chấm bài theo gạch đầu dòng. Rõ ràng, không những “bọn cá” ngày nay đang bị bắt trèo cây, thậm chí chúng còn phải chuyển hẳn lên cây để sinh sống và... ăn hoa quả, chỉ vì việc luyện trèo cây và ăn hoa quả tốt cho những giống loài... không phải cá!
Tôi đã từng được nghe kinh nghiệm dạy con tự học của một người bạn. Chị khuyên rằng để đạt được kết quả mong muốn thì những buổi hướng dẫn con tự học, cả mẹ và con nên dừng lại ngay trước khi con chán. Và khi nào con chán thì người mẹ phải là người cảm thấy rõ rệt nhất: có thể là việc con “đánh mắt” đi nơi khác, có thể là những câu hỏi thiếu tập trung, có thể là một nét chán nản nào đó bộc lộ trên đôi mắt,... Lúc đó, việc cần làm không phải là quát con “tập trung vào” mà cần phải chủ động dừng lại, trước khi cảm giác chán nản in sâu vào não bộ của con. Để rồi từ hôm sau người mẹ cần ghi nhớ thời gian con bắt đầu bị mất tập trung và phải chắc chắn dừng lại trước thời gian đó. Có những em bé chỉ tập trung được trong vòng 5 phút, có bé tập trung được nhiều hơn một chút và có những em bé lại có thể tập trung hàng tiếng đồng hồ. Chuyện này không có gì đáng để đem ra so sánh, mẹ chỉ cần chắc chắn mình biết dừng lại vấn đề trước khi con chán là được. Hãy dừng lại trước khi con mình chán thay vì so sánh với khả năng tập trung của con mình với con nhà hàng xóm, đó là điều mấu chốt để dạy con thành công, bởi chuyện này quyết định đến sự hứng thú và khả năng tiếp thu của con sau này.
Vậy thì tại sao chúng ta lại đem những tiêu chuẩn giống nhau để đòi hỏi thành tích giống nhau của những đứa trẻ hoàn toàn khác nhau? Cá không thể trèo cây, chắc chắn vậy! Và đứa trẻ này thì khác với đứa trẻ kia - đó là chuyện thường tình.
2. Thế giới sinh động không hề nằm trong sách:
Tôi còn nhớ một lần, tôi có xem một bộ phim giả tưởng kể về câu chuyện ở một cô nhi viện. Ở đó có những đứa trẻ được sinh ra hoàn toàn từ phương pháp nhân bản vô tính. Chúng không có bố mẹ và bị tách biệt khỏi thế giới. Những đứa trẻ ấy chỉ được nuôi đến khi 18 tuổi để rồi người ta sẽ mổ chúng ra và hiến tạng cho ngành y học. Nói không quá lời, trong trường hợp ấy, những đứa trẻ cũng không khác gì những con vật, lớn lên trong trang trại để một ngày đưa đến lò mổ kết thúc cuộc đời, làm hàng hóa để buôn bán và sinh ra lợi nhuận. Tất nhiên, đó hoàn toàn là câu chuyện giả tưởng nhưng những người làm phim đã mượn một câu chuyện giả tưởng, không hề có thật ấy để diễn tả một điều hiện thực: phải chăng, chúng ta đang nuôi những đứa trẻ hiện thực, có cha và có mẹ nhưng không khác gì cách nuôi những đứa trẻ “hàng hóa”, “mô phỏng” và “vô tính”. Xem phim, tôi thấy đau thắt ruột gan mình, nhất là chi tiết bọn trẻ trong cái “trại chăn nuôi” ấy luôn ngơ ngác, chúng vùi đầu vào sách và phải học thuộc những điều rất đơn giản đến ngớ ngẩn như: “Đến một quán café thì không thể gọi được sữa và nước lọc, nhưng một chút bánh ngọt thì có thể!". Những điều ấy đứa trẻ bình thường nào cũng biết nhưng bọn trẻ được sinh ra bởi phương pháp nhân bản vô tính với sự giáo dục “ngớ ngẩn” ấy thì không. Và chúng phải học thuộc cho có lệ, chứ đằng nào thì 18 tuổi cũng bị người ta mổ ra lấy nội tạng mà thôi. Chúng không hề biết thật sự một quán café trông có vẻ ra sao, ở đó người ta buôn bán thế nào; tại sao sữa lại không có trong thực đơn ở đó, trong khi bánh ngọt thì có thể,...
Có bao giờ chúng ta dám đồng ý với nhau rằng, những ý chính, những gạch đầu dòng mà đứa trẻ nào cũng mang về “nhai nuốt” hàng đêm để ngày mai cô giáo kiểm tra cũng chỉ là một sự mô phỏng ngô nghê như thế, về thế giới. Nếu thế, hãy để bọn trẻ tự khám phá những gì chúng ham mê, và sự hướng dẫn của người lớn, có chăng là hãy giữ đúng mức ở khái niệm “hướng dẫn” thay vì nhồi nhét và áp đặt.
3. Người lớn có trách nhiệm tạo ra chương trình học thu hút trẻ em:
Không thể trách bọn trẻ ngày càng lười học. Bởi học tập là quá trình phát triển tự nhiên, mà trong quá trình đó, tiếng nói từ “vô thức” luôn chiếm ưu thế. Yêu và ghét một môn học/ một phần kiến thức, cảm thấy muốn cố gắng tiếp tục hay dừng lại… không phải nằm ở lý do những người trẻ có cố gắng hay không, mà nằm ở việc chương trình có phù hợp với quy luật “có thể cố gắng” của người trẻ hay không. Không phải điều gì cũng nên gắng sức, nhất là trong học tập, bởi nếu bọn trẻ luôn nghĩ rằng học tập là quá trình vất vả, “nghiến răng” chịu đựng cái mình không thích, sẽ không khác gì bọn trẻ nhân bản vô tính, học thuộc đơn giản chỉ là để thuộc, vì đằng nào chúng không thể hòa nhập được với cuộc sống bình thường của một con người.
Nguyên Ân
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Làm gì khi con gái giận?