Bánh căn Đà Lạt, món ngon ăn hoài không chán
2016-05-04 10:00
- Đến Đà Lạt, nếu chưa từng thưởng thức món bánh căn dân dã mà ngon miệng, chắc hẳn bạn đã thiếu đi 1 điều rất quan trọng trong hành hình du ngoạn của mình.
Tin liên quan
Dọc theo hành trình thưởng ngoạn cảnh quan Đà Lạt, bạn dễ dàng bắt gặp hình ảnh những quán nhỏ ven đường với những lò than to nhiều lỗ tròn trên mặt, nghi ngút khói. Món bánh ngon, lò than ấm nóng đã trở thành ấn tượng đẹp trong lòng du khách, khiến nhiều người phải "thầm thương trộm nhớ" nơi này.
Món ăn mà chúng tôi muốn nhắc tới, không phải món nào khác ngoài món bánh căn. Tuy có nguồn gốc từ miền Trung, nhưng qua bàn tay chế biến khéo léo của các mẹ, các chị, bánh căn đã trở thành 1 phần ẩm thực tinh tế của mảnh đất ngàn hoa.
Điểm độc đáo là bánh căn được đổ bằng những lò đất có lỗ và có nắp đậy.
Bánh căn là một món ăn dân dã nên nguyên liệu làm bánh cũng cực kỳ đơn giản, chính yếu là gạo. Tuy nhiên, để có được những chiếc bánh căn thơm giòn, người làm bánh phải chú trọng đến khâu pha chế bột gạo.
Theo kinh nghiệm của người làm bánh, đầu tiên muốn có bánh căn ngon phải dùng loại gạo hạt tròn, loại gạo địa phương mà phải là gạo cũ càng tốt. Gạo được ngâm trong nước rồi mang đi xay mịn cùng cơm khô, đây chính là bí quyết để bánh được giòn. Đặc biệt, khi pha bột, chú ý không được pha loãng quá, cũng không nên đặc quá sẽ làm bánh bị khê trước khi chín, mất đi hương vị thơm ngon.
Điểm độc đáo gây tò mò cho du khách là bánh căn nơi đây được đổ bằng những lò đất có lỗ và có nắp đậy. Khi lửa than đã hồng và các khuôn bánh nóng lên, người làm bánh đổ bột vào, tiếp đến cho trứng đã được đập thật đều tay rồi đưa vào giữa khuôn, màu vàng của trứng làm nên sự hấp dẫn trên nền bột bánh trắng phau.
Công đoạn cho trứng gà thật đều tay và đưa vào giữa khuôn.
Bánh căn khi đã chín sẽ được bày thành từng cặp trên đĩa, dùng kèm với một ít chả lụa, xíu mại và nước chấm. Điểm tạo nên hương vị độc đáo riêng của bánh căn đó chính là nước mắm được pha chế khéo léo đúng hương vị của người dân Đà Lạt gồm nước mắm pha với chút mỡ hành và chút ớt hoặc sa tế.
Khi ăn bánh, du khách nên chấm ngập cặp bánh còn nóng hổi vào chén nước chấm, cắn miếng bánh đã thấm nước chấm nồng vị ớt, béo ngậy mùi hành phi. Lúc này bạn sẽ cảm nhận được vị ngon của món bánh toát lên từ sự háo hức chờ đợi bánh chín của thực khách, hay đơn giản là từ chén nước chấm có sự hiện diện của viên thịt xíu mại bé xíu so với các vùng, miền khác.
Bánh căn ngon phải chấm cùng nước mắm pha đúng điệu Đà Lạt.
Vì là món ăn dân dã nên chỉ cần có 15.000 đồng là bạn có thể vào quán thưởng thức cho đến khi no căng bụng. Bởi một cặp bánh căn ở đây chỉ có giá từ 3.000 – 5.000 đồng tuỳ thuộc vào nhân bánh. Du khách có thể ăn vào buổi sáng nhưng chuộng nhất là ăn vào buổi chiều tối hay món bánh căn sẽ càng thêm hấp dẫn và tròn vị khi được thưởng thức lúc trời đang mưa.
Một buổi tối sẽ vô cùng tuyệt vời khi cùng người thân, bạn bè lang thang dạo bước quanh Hồ Xuân Hương, khám phá các chợ đêm, dừng chân ngồi bên những bếp lò lửa đỏ, lai rai bánh căn nóng hổi – món ăn vặt nổi tiếng đã trở nên gần gũi, thân thương với khách thập phương.
Bánh căn nóng hổi trở nên rất ngon khi trời lạnh.
Bạn cứ thử ghé Đà Lạt một chuyến, để ăn món bánh căn mà không đụng hàng với với các vùng, miền khác. Khi đó bạn sẽ thấy rằng, chỉ với một món ăn dung dị thôi, đủ nói lên tính cách của người Đà Lạt, ngọt ngào, quyến rũ. Và chắc chắn rằng, ai đã thưởng thức dù chỉ một lần bánh căn, cũng sẽ không bao giờ quên món ngon bình dị này.
Huyền Trần
Xem thêm:
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Độc thân thì đã sao? Độc thân chứ có phải chết đâu mà sợ?