Mang thai tháng thứ 7 - những thay đổi đáng nhớ

2015-11-19 08:56
- Mang thai tháng thứ 7 thực sự là một dấu mốc rất quan trọng với nhiều điều đáng nhớ, mẹ cùng theo dõi nhé!

Bước sang tháng đầu tiên của thai kì cuối, cơ thể mẹ diễn ra nhiều thay đổi mạnh mẽ hơn và bé yêu cũng vậy. Cơ thể con đang nhanh chóng hoàn thiện để thích nghi với cuộc sống bên ngoài. Mang thai tháng thứ 7 thực sự là một dấu mốc rất quan trọng với nhiều điều đáng nhớ, mẹ cùng theo dõi nhé!

Mang thai tháng thứ 7 - những thay đổi trên cơ thể mẹ

Ngực căng và thâm

Đầu tiên phải nói đến những thay đổi của bộ ngực vì đến tháng này, mẹ sẽ thấy ngực mình hơi căng tức hơn, vùng nhũ hoa và quầng vú sẫm lại. Nhiều mẹ bầu thậm chí đã bị rỉ một chút sữa non. Đây hoàn toàn là những dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể đang nhanh chóng chuẩn bị cho tuyến sữa hoạt động, giúp bé cưng được bú sữa ngay khi chào đời.

Mẹ có thể mua thêm áo ngực mới với kích cỡ vừa vặn, lưu ý đến chất liệu mềm mại để cảm thấy "dễ thở" hơn. Trong trường hợp ngực có dấu hiệu xẹp đi về kích thước và mất cảm giác căng tức bình thường, mẹ nên đến bệnh viện để kiểm tra ngay vì đó có thể là dấu hiệu thai nhi đang gặp trục trặc.

Mang thai tháng thứ 7
Tháng thứ 7 mang thai là mẹ bắt đầu đối mặt với nhiều triệu chứng khó chịu hơn như đau lưng, phù nề, nhức mỏi,... (Ảnh minh họa)

Cơ thể "sồ sề" hơn

Mang thai tháng thứ 7 là thời điểm hợp lý để mẹ tập trung tăng cân nặng cho bé cưng, do đó mẹ sẽ thấy cơ thể mình ngày càng nặng nề hơn, bụng bầu cũng to lên đáng kể; những vết rạn da theo đà đó mà xuất hiện nhiều lên, rõ và dài hơn.

Mẹ cần lưu ý ăn uống sao cho đủ chất dinh dưỡng nhưng tuyệt đối tránh ăn nhiều quá mức vì thừa cân cũng gây ra rất nhiều bất lợi về sức khỏe cho 2 mẹ con. Mẹ dễ mắc tiểu đường thai kì hơn (kéo theo em bé sau này cũng có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn); không chỉ thế, thai nhi quá lớn khiến mẹ sinh khó và dễ xảy ra biến chứng khi sinh nở. Trường hợp thai nhi nhẹ cân, mẹ hãy bổ sung dinh dưỡng bằng cách chia nhỏ và ăn nhiều bữa trong ngày, ăn thực phẩm lạnh mạnh và giàu dưỡng chất, có thể vận động, tập luyện các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.

Đối với các vết rạn da, mẹ có thể mát-xa nhẹ nhàng bằng dầu dừa để giảm cảm giác ngứa, rát và giúp da ẩm hơn, hạn chế những vết rạn mới. Tuy nhiên, mẹ nên chuẩn bị tinh thần trước bởi những vết rạn da thật khó để tránh hoàn toàn khi mang thai.

Rối loạn giấc ngủ

Đến thời gian này, mẹ bầu thật khó mà có được giấc ngủ ngon, tròn giấc. Mẹ sẽ liên tục phải dậy đi vệ sinh do tử cung lớn lên ép xuống bàng quang. Những giấc mơ kì lạ, những cơn đau mỏi khắp người và tư thế nằm khó khăn cũng khiến giấc ngủ bị gián đoạn, chập chờn,..

 

Phù nề, ợ nóng

Nhiều bà bầu khi mang thai tháng thứ 7 bắt đầu bị phù nề, ợ nóng trầm trọng hơn; song song với đó là tình trạng táo bón thường xuyên, bệnh trĩ ghé thăm và thi thoảng bị những cơn co thắt tử cung đau nhói hành hạ. Ngoài ra, khi bụng bầu lớn lên sẽ tạo áp lực đến các vùng cơ lân cận, các cơ quan nội tạng khác khiến bà bầu cảm thấy mệt mỏi, khó thở và đau nhức hơn. Để giảm bớt những sự khó chịu này, mẹ nên chia nhỏ bữa ăn và tránh ăn quá no, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước, thường xuyên vận động nhẹ nhàng cơ thể, tay chân đồng thời nghỉ ngơi nhiều, mát-xa cơ thể,...

Mang thai tháng thứ 7 - thai nhi phát triển "vượt bậc"

Bé tăng cân nhanh chóng

Như đã nói ở trên, giai đoạn này thai nhi phát triển cân nặng rất nhanh. Vào tuần đầu tiên của tháng bé nặng khoảng 1kg và đến tuần thứ 4 bé có thể tăng thêm đến 700g nữa; quả là lớn nhanh như thổi phải không mẹ? Không chỉ thế, chiều dài của bé cũng tăng khoảng 5cm - từ 36cm vào đầu tháng đến 41cm sau 4 tuần tiếp theo.

Từ tháng thứ 7 trở đi, lớp chất béo cũng được tích tụ nhiều hơn dưới da nên bé yêu của mẹ trông "mũm mĩm" hơn hẳn. Các nếp nhăn trên da căng dần, các nét trên gương mặt rõ ràng hơn mỗi ngày.

Phản ứng nhạy hơn với âm thanh, ánh sáng

Không phải nghi ngờ gì, đến thời gian này bé hoàn toàn có thể phân biệt được giọng nói của bố và mẹ; vì vậy bố mẹ hãy chăm nói chuyện với con hơn nhé! Khả năng nhìn của bé cũng tốt hơn, bé phản ứng với ánh sáng nhanh nhạy hơn rất nhiều.

Mang thai tháng thứ 7 - những thay đổi đáng nhớ

Thai nhi tháng thứ 7 nhạy cảm hơn với ánh sáng

 

Não bộ và các cơ quan chức năng nhanh chóng hoàn thiện

Các tế bào thần kinh của não bộ vẫn phát triển một cách "chóng mặt" trong khi thận, phổi, tuyến tụy và các tuyến nội tiết khác bắt đầu đi vào hoạt động và hoàn thiện chức năng.

Thai nhi "hiếu động" hơn

Mang thai tháng thứ 7 là đến lúc mẹ bắt đầu cảm nhận những cú đá, nhào lộn của bé nhiều hơn và mạnh hơn. Thậm chí nhiều lúc con nghịch ngợm đến mức mẹ phát cáu, nhưng mẹ cũng sẽ vui lắm vì biết bé cưng đang rất khỏe mạnh. Tuy nhiên, mỗi bé đều có sự hoạt động khác nhau, do đó mẹ có thể yên tâm nếu con mình ít "chạy nhảy" hơn so với bé nhà mẹ khác, chỉ cần bé không có biểu hiện gì bất thường, chẳng hạn con bỗng nhiên hoạt động quá nhiều, quá ít hoặc ngừng chuyển động hẳn trong thời gian 2 - 4 giờ đồng hồ, lúc đó mẹ hãy nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra.

Chuyển động của thai nhi

Đến tháng thứ 7, hầu hết các bà mẹ bắt đầu cảm thấy những cú đá của thai nhi, đó là những chuyển động của bé như nhào lộn, dịch chuyển sang trái, phải,… Đây là một dấu hiệu cho thấy em bé khỏe mạnh và phát triển với mức bình thường. Tuy nhiên, bạn đừng băn khoăn quá nhiều về cử động của thai. Trong 1 số trường hợp, thai nhi có thể ít hoạt động trong bụng mẹ nhưng không hẳn là một vấn đề lo lắng. Cách tốt nhất để biết em bé của bạn khỏe mạnh hay không là hãy thường xuyên đến các cơ sở y tế để khám.

Mint
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

3 cách an toàn và dễ làm để rã đông thịt