Trẻ nhập viện tăng cao vì thời tiết nồm ẩm kéo dài

Hoàng Sa 2015-03-11 09:04
- Thời tiết nồm ẩm kéo dài là nguyên nhân khiến nhiều trẻ nhập viện vì các bệnh viêm phổi, viêm phế quản, viêm họng,...
Hơn 1 tuần nay, miền Bắc đón nhận những cơn mưa xuân kéo dài khiến không khí trở nên ẩm ướt, khó chịu. Trời nồm không chỉ gây khó chịu cho người dân mà còn khiến trẻ em, người già dễ mắc bệnh do không thích ứng kịp với thời tiết.

Vạ vật đưa con đi khám bệnh

Mấy ngày gần đây, khoa Khám bệnh - Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) luôn đông đúc phụ huynh và trẻ nhỏ tới khám bệnh. Hầu hết các bé mắc viêm họng, viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Một số bé phải được điều trị cấp cứu bởi viêm phổi dẫn đến suy hô hấp.

16h00 (ngày 10/3), quầy làm thủ tục của Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) vẫn đông đúc các bậc phụ huynh và trẻ nhỏ.

Vẻ mặt mệt mỏi của phụ huynh và trẻ nhỏ khi phải vật vã chờ đợi khám bệnh.

Gần 1 tuần nay, chị Đặng Thanh Thủy (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình) luôn trong tâm trạng lo lắng vì cậu con trai 4 tuổi sốt, ho nhiều và sổ mũi. Mặc dù, gia đình đã cho ống thuốc hạ sốt nhưng chỉ được vài tiếng đồng hồ, bé lại tiếp tục sốt trở lại. "Cháu không sốt cao lắm nhưng ho liên tục. Nhiều lúc vừa ăn xong, gặp phải cơn ho kéo dài là lại nôn ra hết. Mới có vài ngày mà người gầy đi trông thấy. Đưa con vào bệnh viện khám, bác sĩ bảo cháu bị viêm phổi. Tình trạng thời tiết mưa, ẩm kéo dài thế này, không biết khi nào cháu mới khỏi”, chị Thủy buồn bã nói.

Mẹ con chị Hoa (Ba Đình, Hà Nội) đang ngồi chờ người nhà tới đón sau khi hoàn tất các thủ tục khám bệnh.

Ngồi chờ làm thủ tục nhập viện, chị Trần Thị Nga (Đống Đa, Hà Nội) không khỏi lo lắng khi bé Nguyễn Tố Lan (3 tuổi), con trai chị liên tục ho, sốt nhiều ngày không khỏi. “Mấy ngày trước, thấy cháu ho liên tục, tôi chủ quan đi mua thuốc cho con uống. Nhưng hai ngày nay, cháu sốt cao, không chịu ăn uống gì nên tôi và ông xã đưa con vào bệnh viện khám. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị hen phế quản do dị ứng thời tiết phải nhập viện để theo dõi”, chị Nga chia sẻ.

Ngồi cùng hàng ghế chờ như chị Nga là vợ chồng anh Lê Tuấn Tài (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng mệt mỏi không kém. Hai anh chị đang thay nhau dỗ dành cậu con trai hơn 3 tuổi quấy khóc, vì sốt cao và nổi mẩn đỏ khắp người. “Hơn một tuần nay, độ ẩm cao, trong nhà lúc nào cũng ướt nhẹp, đồ đạc mốc meo, quần áo ẩm ướt khiến con tôi bị dị ứng. Nhà ở tầng 1 của khu tập thể, ẩm thấp, bước chân ra là tới cửa nên chẳng biết khắc phục kiểu gì”, anh Tài ngán ngẩm nói.

Một gia đình ngồi ngoài mái hiên trước cổng bệnh viện chờ lấy kết quả khám bệnh.

Không chỉ người lớn, nhiều bậc phụ huynh chăm con ở viện nhưng thường xuyên phải đeo khẩu trang vì ho liên tục. “Thức đêm nhiều, lại phải chạy đi chạy lại mua thuốc thang, làm thủ tục khiến tôi cũng nhiễm bệnh. Nuôi con gần một tuần, con chưa khỏi bệnh thì đến tôi. Phải cố gắng chịu đựng vì bé nhà tôi bị viêm phổi, bác sĩ chưa cho ra viện”, chị Đoan Trang (Láng Hạ, Ba Đình) chia sẻ.

Cách phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết nồm, ẩm

Lý giải nguyên nhân trẻ liên tục nhập viện trong những ngày gần đây, các bác sĩ Nhi khoa cho biết, thời tiết nồm ẩm như hiện nay là môi trường lý tưởng cho vi-rút phát triển và là nguyên nhân gây bệnh cho trẻ.  Đặc biệt, những bệnh lý liên quan đến cơ địa dị ứng, các bệnh lý mãn tính như hen phế quản, mề đay... thêm tác nhân nấm mốc ở ngay trong nhà khiến cơn hen bùng phát.

Giữ ấm cho trẻ khi ra ngoài đường khi thời tiết mưa, ẩm cũng là một cách hữu hiệu giúp trẻ phòng bệnh.

Bên cạnh đó, nồm ẩm liên tục còn kéo theo các bệnh lý khác như sởi, thủy đậu, chân tay miệng, rubella,… tăng nhanh. Khí hậu ẩm ướt cũng là môi trường lý tưởng để muỗi sinh sôi, phát triển và gây bệnh.

Theo lời khuyên của các chuyên gia y tế, để phòng bệnh cho trẻ, các bậc phụ huynh cần vệ sinh sạch sẽ phòng ngủ của trẻ. Nếu độ ẩm ngoài trời lớn, cần phải đóng kín cửa để hạn chế không khí ẩm vào nhà. Với những vật dụng mà trẻ hay tiếp xúc cần giặt giũ thường xuyên, phơi phòng khô ráo. Cần mặc đủ ẩm cho trẻ khi đi ra ngoài đường.

Thay chăn ga thường xuyên đề phòng ẩm mốc bởi đây là một trong những tác nhân có thể gây các bệnh liên quan đến hô hấp của trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh tuyệt đối không mặc quần áo ẩm ướt cho trẻ mà phải sấy khô để tránh các loại vi khuẩn gây bệnh hen phế quản. Việc vệ sinh cá nhân thường xuyên cho trẻ như tắm, súc miệng bằng nước muối hàng ngày,… cũng là một trong những cách phòng bệnh hữu hiệu.

Hoàng Sa
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Nhìn gì trên cơ thể để phán đoán chức năng gan có khỏe mạnh hay không