Lúc hấp hối, Th. nhìn mãi ra cửa đợi người thân nhưng cuối cùng, vẫn ra đi trong cô đơn
Tin liên quan
Cuộc sống cô độc tới cả khi chết
Không được gia đình nhìn nhận, xã hội kỳ thị khiến những bệnh nhân HIV/AIDS điều trị tại bệnh viện 09 khó có thể mở lòng khi nói chuyện. Họ trải qua những ngày tháng cô đơn cho đến tận ngày qua đời.
Với nhiều bệnh nhân đang điều trị tại đây, khi chúng tôi hỏi điều gì khiến họ sợ nhất? Họ đều trả lời không hề sợ chết mà chỉ sợ khi chết không có một người thân nào bên cạnh. Bởi vì, hầu hết những bệnh nhân HIV/AIDS thường bị gia đình bỏ rơi “sống chết mặc bay”.
Nhiều khi người nhà còn tới yêu cầu bác sĩ “làm cách nào cho nó nhanh chết, không gia đình khổ đủ rồi…”. Những câu nói từ người nhà bệnh nhân HIV/AIDS kiểu như: “Bao giờ nó chết”, “nó đi nhanh thì tốt”, “nó chết sớm đi”… làm bác sĩ không khỏi chạnh lòng.
Bệnh nhân AIDS tại bệnh viện phải chịu đựng cảnh xa lánh của người thân.
Là người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân và chứng kiến những hoàn cảnh éo le. Bác sĩ Hoàng Hải Hà, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện 09 vẫn không khỏi lạnh người khi chứng kiến những đám tang của bệnh nhân HIV/AIDS mà không người đưa tiễn, không một tiếng khóc xót thương.
“Tôi còn nhớ mãi ánh mắt ám ảnh của bệnh nhân Th. cứ nhìn xa xăm ra cửa. Đôi mắt đó như chực khóc, Th. mong được gặp người nhà lần cuối, được đón về gia đình… Nhưng cuối cùng bệnh nhân Th. vẫn ra đi trong sự cô đơn lạnh lẽo, không một người thân bên cạnh.”, bác sĩ Hà xúc động nói.
Theo bác sĩ Hà, có trường hợp bệnh nhân bị người nhà chở đến vứt bỏ tại cổng bệnh viện, phó mặc tất cả cho bác sĩ. Họ để lại mảnh giấy ghi rằng: "Khi chết hãy gọi theo số này để tới nhận xác”. Nhưng khi bệnh nhân chết, bác sĩ gọi điện thì không liên lạc được, hoặc có liên lạc được thì đầu dây bên kia trả lời là nhầm máy… lạnh lùng.
Bác sĩ và bệnh viện lại phải lo cho bệnh nhân từ bộ áo quan, bát cơm, quả trứng… và đưa thi thể tới Văn Điển để hỏa thiêu.
“Chết không người đưa tiễn, không người nhận xác là tình trạng khá phổ biến của những bệnh nhân điều trị HIV/AIDS tại Bệnh viện 09. Tro hài cốt vô chủ của các bệnh nhân này được để tại một căn phòng riêng dưới nhà xác Văn Điển đợi người nhà tới nhận”, bác sĩ Hà nói.
Xin đừng kỳ thị
Câu chuyện của bệnh nhân HIV/AIDS tử vong đã đau lòng thì khi sống cũng khổ tâm không kém. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân HIV/AIDS bị lây nhiễm khi đang là giáo viên, công an, sinh viên… Khi những bệnh nhân này tới điều trị tại bệnh viện, họ thường bị mất phương hướng, phản ứng tiêu cực và có suy nghĩ trả thù đời.
Bác sĩ Hà không khỏi lạnh người khi phải chứng kiến những cái chết không người đưa tiễn.
“Những năm 2008, 2009, người ta nghĩ mắc HIV/AIDS là dính tới những tật xấu của xã hội. Chính vì vậy nạn nhân HIV/AIDS chịu sự kỳ thị rất lớn từ cộng đồng. Thời gian này gần như tuần nào bệnh viện cũng phải chứng kiến những vụ nhảy lầu tự tử rất thương tâm”, bác sĩ Hà tâm sự.
Theo bác sĩ Hà, dù được bác sĩ giải thích, khi bệnh nhân HIV đã được dùng thuốc kháng vi rút thì khả năng lây bệnh cho người khác là rất thấp. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp gia đình bệnh nhân tới thăm con chỉ đứng ngoài phòng nói vọng vào, thậm chí nhiều gia đình chỉ đứng dưới phòng bảo vệ gửi đồ tiếp tế rồi nhờ bảo vệ mang lên giúp.
“Khi nói chuyện với tôi, bà cô của tôi phải ngồi thật xa. Vì bà sợ vi rút HIV như con bọ nhảy có thể nhảy sang người vậy”, bệnh nhân N.P.A nói.
Chị N.P.A chia sẻ: “Khi bà nội tôi mất, tôi về chịu tang, chỉ ngồi một góc và bịt khẩu trang kín mít. Lúc ăn cũng phải ăn một mâm riêng".
Trước khi chia tay chúng tôi, bác sĩ Hà nói:“Bệnh nhân HIV/AIDS đã rất cô độc và đáng thương, chỉ mong cộng đồng thông cảm bớt đi những kỳ thị không đáng có với họ. Để cho họ có thể được sống và sinh hoạt như người bình thường. Một bệnh nhân HIV nếu dùng thuốc đúng giờ, đúng liều thì có thể sống tới 70 tuổi -80 tuổi nếu như sức khỏe tốt”.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất