“Vua nhạc sến” Vinh Sử: Phận tằm muôn kiếp vương tơ cho đời vui
2015-08-01 07:55
- Người sáng tác nhạc sến thì nhiều nhưng người được mệnh danh là “vua” của dòng nhạc trữ tình này thì cho đến nay chỉ có Vinh Sử.
Tin liên quan
Viết nhạc cho giới bình dân
Vinh Sử là một nhạc sĩ của nông dân, công nhân và tầng lớp lao động. Âm nhạc của ông không hàn lâm, kỹ thuật, sang trọng mà gần gũi, bình dị, mộc mạc giữa đời thường. Vinh Sử sáng tác như thể viết từ tận đáy lòng mình với những suy nghĩ buồn vui về thân phận và kiếp người. Với lời ca đơn giản, câu nhạc dễ nghe, chất chứa nỗi niềm cuộc sống, các ca khúc của ông được hầu hết giới bình dân đón nhận và yêu thích. Vinh Sử lại khéo léo đưa dân ca và những ngôn ngữ lời ăn tiếng nói hàng ngày vào trong các tuyệt phẩm của mình để người lao động dễ đồng cảm, dễ thấy bản thân trong âm nhạc. Không quá khi nói rằng âm nhạc của Vinh Sử được viết từ đôi tay lao động và mục đích cũng là để phục cho những đôi tay lao động.
Nhạc sĩ Vinh Sử sinh năm 1944, được mệnh danh là "Vua nhạc sến".
Nhiều người đặt câu hỏi về con đường đến với âm nhạc của nhạc sĩ “Gõ cửa trái tim”. Câu trả lời là sự tình cờ nghệ thuật trong bản năng vốn có của một chàng trai vốn sinh ra và lớn lên trong một xóm nghèo. Vinh Sử không được đào tạo qua bất cứ một trường lớp âm nhạc nào, cũng không phải con nhà nòi về nghệ thuật. Học hết lớp nhất (khoảng 15 tuổi) thì Vinh Sử bỏ học vì mê nhạc. Âm nhạc như đã có sẵn trong huyết quản của ông từ kiếp nào. Vinh Sử mạnh dạn mua sách về tự học nhạc, tự sáng tác mà không có một người thầy chính thức. Sau một năm học nhạc, Vinh Sử âm thầm tập tành sáng tác.
Nhạc sĩ Vinh Sử và nhạc sĩ Nguyễn Quang.
Thuở ban đầu, những ca khúc của ông chủ yếu nói về sự chia ly, những mất mát của tình yêu đôi lứa. Nội dung chủ yếu là một sợi tơ tình với những cảm xúc nhớ nhung, đau thương, mỗi người một ngả, yêu và không được yêu. Sau thời gian bỡ ngỡ trong âm nhạc, Vinh Sử mạnh dạn viết các ca khúc sâu lắng hơn về thân phận con người, về nỗi khắc khoải cô đơn hay sự khao khát chờ đợi. Sở hữu tư duy âm nhạc đa dạng và hơn cả là hướng tới tầng lớp bình dân, Vinh Sử sớm được mệnh danh là “vua nhạc sến”.
Ngồi trên “ngai vàng” nhưng sống đời khổ cực
Vào thời kỳ hoàng kim Vinh Sử hái ra tiền nhờ bán nhạc. Ông cũng từng nổi tiếng đào hoa khi yêu nhiều và cũng có nhiều phụ nữ theo đuổi. Ông trải qua bốn đời vợ, nhưng cuối cùng, khi về già sống trong căn bệnh ung thư đại tràng ông không có người phụ nữ nào chính thức bên cạnh. Chỉ có người vợ thứ tư vì vẫn nhớ đến tình nghĩa năm nào mà thỉnh thoảng qua thăm nom ông. Tác giả của “Nhẫn cỏ cho em” đang thuê một căn phòng nhỏ ở quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Trong ngôi nhà chật hẹp, đồ đạc hầu như chẳng có gì giá trị, vài ba vật dụng đơn giản để phục vụ cho cuộc sống qua ngày, còn lại là những tập bản thảo.
Tác giả của "Không giờ rồi" đang sống với nỗi đau di căn của ung thư đại tràng.
Từ một người ở đỉnh cao danh vọng, Vinh Sử trở thành một người nghèo khó về vật chất. Các con cũng khó khăn, nên khi đau ốm bệnh tật, Vinh Sử không dám nhờ các con mà phải tự xoay sở bằng tiền tác quyền và sự giúp đỡ của bạn bè, nghệ sĩ, người hâm mộ. “Ngai vàng” giờ chỉ còn trên danh nghĩa âm nhạc còn trong đời sống hàng ngày, Vinh Sử được cho là một trong những nhạc sĩ cô đơn và khổ cực nhất.
Vinh Sử sống một mình trong căn nhà thuê rộng chưa đầy 15 m2.
Thế nhưng điều đặc biệt là Vinh Sử vẫn sáng tác cần mẫn, chăm chỉ như một con tằm trọn kiếp vương tơ cho đời vui. Nhiều khi tay ông run run không viết nổi một nốt nhạc vừa thoáng hiện trong đầu nhưng nghị lực đã giúp người nhạc sĩ tài hoa ngày nào vượt qua tất cả. Vinh Sử không sợ bệnh tật, ông luôn luôn lạc quan. Nhạc sĩ của “Làm dâu xứ lạ” cũng không sợ cuộc sống phía trước mình dài hay ngắn, ông chỉ sợ mình không còn sáng tác được nữa. Với ông, âm nhạc là cuộc đời, là định mệnh, là “thuốc” chữa khi đau ốm. Và như một phép lạ chính trong những tháng ngày khó khăn đó, ông lại viết được nhiều nhất. Vinh Sử vẫn thường xuyên có những sáng tác mới và được xem là một trong những cây viết sung sức nhất trong làng nhạc Việt.
“Hai bàn tay trắng” – đêm nhạc “2 trong 1”
“Hai bàn tay trắng” là một ca khúc được xếp vào hàng kinh điển của nhạc sĩ Vinh Sử đồng thời cũng là câu nói cửa miệng của nhiều người mỗi khi nghĩ đến thân phận bèo trôi. Tựa đề của một bài hát nhưng đã vận vào cuộc đời Vinh Sử để rồi người ta cảm giác như ông như viết nhạc để tiên đoán cho cuộc đời mình. Vinh Sử đến với âm nhạc bằng ai bàn tay trắng, trải qua nhiều thăng trầm và những sai lầm, ông xòe bàn tay ra và giờ lại thấy nó chẳng có gì.
Nhạc sĩ Vinh Sử trong buổi họp báo diễn ra tại Hà Nội.
“Hai bàn tay trắng” – đêm nhạc riêng của Vinh Sử tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối mùng 1 và mùng 2/8 tới đây sẽ là một không gian nghệ thuật “2 trong 1”. Ở đó cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của Vinh Sử sẽ quyện hòa vào nhau với nhiều cung bậc cảm xúc do các giọng ca như Lệ Quyên, Bảo Khánh, Ngọc Châm, Hạ Vân thể hiện. Đây cũng là một liveshow mà Vinh Sử xuất hiện như người kể câu chuyện cuộc đời mình với đủ hỷ, nộ, ái, ố của một kiếp người.
Lê Đức
Ảnh: Sưu tầm
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
4 tuyệt chiêu triệt lông vùng bikini tại nhà đơn giản mà hiệu quả nhất