NSƯT Lệ Ngải: “Nói bậy sao hát được dân ca”

Lê Đức 2015-06-05 14:57
- Liền chị nổi tiếng bậc nhất miền Quan họ quả quyết, hát dân ca thì phải nhã nhặn, lịch sự chứ nói tục, chửi bậy sao được.

NSƯT Lệ Ngải: “Nói bậy sao hát được dân ca”
NSƯT Lệ Ngải.

- Chị đánh giá như thế nào về các cuộc thi hát nhạc dân ca hiện nay?

Hiện nay, các cuộc thi dân ca được đầu tư về kinh phí nên đa phần rất chuyên nghiệp, hiện đại và hoành tráng nhưng quả thực tôi thấy thiếu chất dân ca. Nhiều thí sinh hát dân ca mà tôi có cảm giác như hát nhạc nhẹ chứ không phải dân ca. Tôi nghĩ rằng mỗi thế hệ có tiếng nói của riêng mình, các em có quyền hát mới so với trước đây nhưng quan trọng vẫn phải nắm được gốc. Hát dân ca mà mất gốc thì không thể hát dân ca được, cách tân mà mất giá trị truyền thống thì cách tân cũng không hiệu quả. Như dân ca quan họ, có thể sáng tác lời mới trên những giai điệu cổ nhưng làm sao để cho khi người ta nghe người cảm thấy rằng đó đúng là quan họ thì như vậy mới là thành công.

- Theo chị, cách hát dân ca của các ca sĩ trẻ hiện nay có gì khác với thời của chị?

Các giọng hát trẻ hiện nay đa phần đều được đào tạo qua trường lớp. Các em được học về thanh nhạc, phong cách biểu diễn lại nắm bắt được kiến thức cơ bản về chiều sâu văn hóa của dân ca. Do vậy, tôi thấy các em có nhiều lợi thế hơn thế hệ những người hát dân ca bằng bản năng. Việc áp dụng kỹ thuật thanh nhạc hay vũ đạo giúp cho phần thể hiện màu mè hơn, hấp dẫn hơn. Tuy nhiên chính điều này cũng lại là một yếu điểm bởi dân ca vốn không cần quá màu mè, dân ca cần sự giản dị, mộc mạc và chất phác cả trong giọng hát và cách thể hiện.

- Dân ca Nam Bộ được nhiều thí sinh chọn để dự thi trong các chương trình truyền hình thực tế còn dân ca Bắc Bộ không mấy thí sinh chọn. Chị lý giải sao về điều này?

Dân ca Bắc Bộ nói chung và dân ca quan họ nói riêng vốn không phải là một loại hình nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu. Dân ca Nam Bộ có thể hát cá nhân trên sân khấu còn dân ca Bắc Bộ đa phần phải hát bè, hát đối mới hay mà các cuộc thi truyền hình thực tế đề cao tính cá nhân nên dân ca Nam Bộ hợp hơn cũng là phải lẽ. Mặt khác, tôi thấy đời sống dân ca trong Nam cũng sôi nổi hơn ngoài Bắc, các em có điều kiện tiếp xúc dân ca ngày từ bé nên mạnh dạn chọn dân ca để dự thi. Tôi rất yêu thích một số giọng ca như Phương Mỹ Chi, Hoài Lâm...

- Theo chị, để hát Quan họ Bắc Ninh hay thì cần những yếu tố gì trong giọng hát?

Một giọng hát dân ca quan họ hay phải là một giọng hát vang, rền, nền, nảy. “Vang” là âm thanh phát ra từ thanh đới thể hiện sự tròn vành rõ chữ, nuốt chữ nhả lời. Còn “rền” thì chỉ đánh giá được khi hát đôi, hát top nam, top nữ, khi hai người đưa hơi cùng một giọng, cùng một âm, cùng một chữ thì đó là rền. “Nền” trong thanh nhạc người ta gọi là sắc thái của bài hát, tức hát phải mềm mại, có luyến láy, có rung, có nhấn. Còn “nảy” là những hạt nhỏ từ trong thanh đới phát ra qua hơi đẩy, nảy rất quan trọng nhưng không dễ mà học được. Nghệ nhân, nghệ sĩ lâu năm trong nghề mới có được nảy vàng, nảy bạc của quan họ. Nghệ sĩ trẻ phải rèn luyện qua năm tháng rất vất vả mới có thể có được chút gọi là nảy. Hát quan họ tưởng vậy nhưng khi phân tích ra thì yêu cầu rất nhiều ở khả năng thanh nhạc.

NSƯT Lệ Ngải: “Nói bậy sao hát được dân ca”
Lệ Ngải và người bạn đời.

- Nhà thơ Phạm Tiến Duật viết tặng chị bài thơ “Người ơi, người ở” trong hoàn cảnh nào?

Cuối năm 1970, tôi và đoàn Quan họ Bắc Ninh theo đội văn nghệ xung kích đi phục vụ chiến trường 559. Trong một lần giao lưu văn nghệ tôi và anh Phạm Tiến Duật quen nhau. Anh Duật khi đó là nhà thơ chiến trường nhưng thư sinh lắm, anh vốn yêu thích dân ca Quan họ, còn tôi lại yêu thơ của anh từ lâu. Mặc dù thời gian sinh hoạt cùng nhau không được lâu nhưng tôi vẫn nhớ như in hình ảnh anh Duật ngày đó, anh mang lá méo, một loại lá rừng có vị chua đến tặng tôi. Sau hôm tặng lá méo, chúng tôi nói chuyện với nhau nhiều hơn và anh Duật hứa tặng tôi một bài thơ. Thế nhưng bài thơ chưa kịp trao tay thì cả anh và tôi đều phải nhận nhiệm vụ nên không còn cơ hội gặp nhau. Bài thơ sau đó được đăng trên báo Quân đội nhân dân nhưng tôi không hề biết mà chỉ có người ở quê tôi biết là Lệ Ngải được tặng một bài thơ. Tôi thú thực mãi sau này khi đã hòa bình, trong lần lưu diễn ở Hải Phòng, một nhà thơ của Hội Nhà văn Việt Nam nói chủ nhân bài thơ này là tôi thì tôi mới biết. Tôi và anh Phạm Tiến Duật sau đó cũng có nhiều lần gặp nhau, anh hay trêu tôi là suýt nữa thì anh làm rể Bắc Ninh. 

- Chị đã tham gia nhiều hội diễn chuyên nghiệp, kỷ niệm mà chị nhớ nhất?

Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất thì lại không phải là một hội diễn dân ca Quan họ mà là một cuộc thi hát ru. Năm 1992, tôi có dự thi “Tiếng hát ru toàn quốc”, đây là một cuộc thi quy mô lớn, hội tụ nhiều giọng ca dân ca, hát ru hay trên khắp đất nước. Tôi là một trong những đại diện của Hà Bắc, bây giờ là Bắc Giang, Bắc Ninh đi thi, tôi may mắn đoạt Huy chương vàng về cho tỉnh. Đây là một vinh dự lớn cũng là một trong những thành tích để tôi xét danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú sau này. Kể từ cuộc thi hát ru đó, tôi còn tham gia nhiều hội diễn nữa, đoạt huy chương vàng, huy chương bạc nhưng do đó là lần đầu tiên tôi giành giải cao nên tôi không thể nào quên.

- Dân ca quan họ đã mang lại cho chị những gì?

Quan họ đã mang lại cho tôi nhiều thứ nhưng thứ lớn nhất là tình yêu. Tôi yêu quan họ cũng là yêu tiếng hát dân tộc, yêu quê hương, yêu nơi chôn nhau cắt rốn. Nhiều khi tôi tự nghĩ nếu không có quan họ thì tôi không biết rằng mình sẽ làm gì. Nghệ thuật đã ăn sâu vào máu thịt của tôi nên dù nhiều lúc có khó khăn với nghề, với nghiệp tôi vẫn quyết vượt qua để giữ mãi tình yêu ấy.

- Trọn một đời đam mê và cống hiến cho nghệ thuật truyền thống, điều gì chị còn trăn trở?

Điều tôi trăn trở nhất là nghệ thuật truyền thống nói chung và dân ca quan họ nói riêng không còn hồn cốt như ngày xưa. Người ta gọi là chơi quan họ có nghĩa quan họ không chỉ có hát mà còn có nhiều điều khác hợp thành trong đó có phong cách tâm hồn của con người. Hiện nay, tôi thấy nhiều em nhỏ miền quan họ và cả nghệ sĩ quan họ trẻ nói tục, nói bậy. Như vậy đâu phải người quan họ, liền anh, liền chị là phải ăn nói nhã nhặn, văn hóa, khiêm nhường, lịch sự, nói lời hay ý đẹp khi đối đáp với nhau. Theo tôi nói tục, nói bậy thì chẳng những không chơi được quan họ mà cũng không hát được cả các dân ca khác. Khi tôi tham gia giảng dạy về dân ca quan họ tôi cũng dặn các em như thế, phải cư xử sao cho không mất đi chất riêng có trong văn hóa của người quan họ. 

NSƯT Lệ Ngải: “Nói bậy sao hát được dân ca” 

 

NSƯT Lệ Ngải, tên thật Nguyễn Thị Ngải, là một trong những người đặt viên gạch nền móng cho Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh nay là Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Chị đã có một thời gian dài tham gia phục vụ bộ đội ở nhiều mặt trận khác nhau. Trong thời gian hoạt động nghệ thuật ở chiến trường, chị đã được nhà thơ Phạm Tiến Duật viết tặng bài thơ nổi tiếng “Người ơi người ở”.

Lệ Ngải đoạt Huy chương vàng “Tiếng hát ru toàn quốc” năm 1993, được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2012. Hiện chị là giảng viên của trường Văn hóa Nghệ thuật Bắc Ninh, cố vấn của Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh và nhiều CLB Quan họ trong tỉnh. Học trò của chị nhiều người đã thành danh, trong đó có NSND Thúy Hường. 

 

Bài và ảnh: Lê Đức
(Theo Congluan)
 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Toner đa dụng ngon - bổ - rẻ đáng dùng nhất