Leviathan: Thủy quái giữa lòng nước Nga
2015-02-02 15:20
- “Leviathan” của Zvyagintsev là một bi kịch tỉnh táo và hấp dẫn về nạn tham nhũng ở nước Nga hiện đại. Tác phẩm đã vẽ ra một bức tranh toàn cảnh rộng lớn và cô độc về số phận con người đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Tin liên quan
Mặc dù bối cảnh diễn ra tại một thị trấn nhỏ và chỉ liên quan đến một số ít các nhân vật, bộ phim tâm lý “Leviathan” vẫn mang lại một cảm giác rộng mở, thậm chí hùng vĩ. Phim bắt đầu với cảnh bờ biển xa xôi về phía Bắc nước Nga, nơi hình thành những dải đá lớn chạy đổ xuống vùng biển xanh xám. Ngay sau đó, xác những con tàu cũ bị bỏ lại dọc mép nước hiện ra hoang hoải, cũng chính ở đây, khán giá sẽ chứng kiến bộ xương khổng lồ của một con cá voi bị mắc cạn – Levithan, con thủy quái khổng lồ được nhắc đến trong cả hai tác phẩm nổi tiếng: "Sách Gióp" (Book of Job) của Cựu Ước và “Thủy quái” (Leviathan) của nhà triết học Thomas Hobbes.
"Leviathan" nhận được nhiều lời khen ngợi về mặt nghệ thuật cùng sự đánh giá cao từ những trang báo uy tín.
Giành về giải kịch bản hay nhất tại liên hoan phim quốc tế Cannes và nhận đề cử giải Oscar năm nay cho phim nước ngoài hay nhất, “Leviathan” có lẽ là một trong những bộ phim ấn tượng và giàu ý nghĩa nhất của Nga trong những năm trở lại đây. Câu chuyện dù đề cập chủ yếu đến thực trạng tham nhũng chính trị, vốn đã quá phổ biến ở hầu khắp các quốc gia trên toàn thế giới, nhưng tác phẩm vẫn có thể được coi là sự phê phán gay gắt, táo bạo vào nước Nga dưới thời tổng thống Vladimir Putin. Tuy nhiên, đạo diễn Andrey Zvyagintsev không đơn thuần là người ham đi sâu khai thác ý nghĩa chính trị bóng bẩy đơn thuần, chính đoạn mở đầu đầy mê hoặc đã cho thấy rõ giá trị nghệ thuật của “Leviathan”.
Theo một cách nào đó, Leviathan làm chúng ta nhớ lại tác phẩm đầu tay của Zvyagintsev, “The Return” ra mắt năm 2003. Bộ phim giành được giải Sư Tử Vàng tại liên hoan phim Venice và trở thành một tác phẩm nghệ thuật-bom tấn quốc tế. Cả “The Return” và “Leviathan” đều có những cảnh quay phong cảnh ấn tượng đóng vai trò như một nhân vật bổ sung. Tuy nhiên, rõ ràng đặc trưng về địa lý không có tầm quan trọng ở đây; bài học không nằm ở địa điểm nơi câu chuyện diễn ra. Phong cảnh đẹp sẽ giúp những cảnh quay thêm sinh động, nhưng quan trọng hơn, đối với Zvaginstsev đó là cái lò tôi luyện cho một bộ phim tâm lý về tâm hồn Nga.
Một điểm chung khác, đó là cả hai bộ phim đều có những nội dung liên quan đến góc nhìn chính trị trong Kinh Thánh. Đối với “The Return”, câu chuyện về người cha cộc cằn gặp lại con trai sau 12 năm trời vắng mặt, chính là câu chuyện của Abraham và Isaac, với thông điệp liên quan tới việc tái áp đặt các đe dọa quyền lực 12 năm sau sự sụp đổ của Liên Xô. Trong “Leviathan”, những nội dung tham khảo từ "Sách Gióp" gợi lên nỗi đau khổ vô tận của con người cũng như những câu hỏi siêu hình mà cuốn sách đề cập, cùng với việc nhắc tới khái niệm của Hobbes về các quyền tự do mà người dân đã từ bỏ cho sự an toàn của một chế độ độc tài như dưới thời Putin (theo thế giới quan của đạo diễn) - một chủ đề rõ ràng có ý nghĩa và giá trị nhất định đối với nhiều quốc gia.
Chính lời thỉnh nguyện từ những câu chuyện thần thoại và Kinh Thánh cùng tư tưởng lịch sử, triết học và chính trị có liên quan đã khiến cho "kịch tính" của phim nằm lẫn lộn trong những lớp dày ý nghĩa của lời thoại, của những sự kiện và hình ảnh. Và do đó, như người ta vẫn nói, biển lặng vì sóng ngầm, những nút thắt được buộc lại trong “Levithan” dường như nhiều hơn những gì khán giả có thể đếm được. Nó đòi hỏi thời gian chiêm nghiệm, tìm tòi và tự vấn để khám phá hết được những góc cạnh và chiều sâu của tác phẩm.
Nhân vật chính trong “Leviathan” là Kolia (Alexey Serebryakov), một thợ cơ khí từng tham gia quân ngũ hiện đang sống và làm việc trên một khu đất được thừa kế từ gia đình cùng Roma (Sergey Pokhodaev), cậu con trai mới lớn suốt ngày ủ rũ của Kolia với người vợ trước và Lilya (Elena Lyadova), một người đàn bà đẹp luôn trầm ngâm.
Alexey Serebryakov trong vai Nikolay "Kolia".
Lilya (Elena Lyadova).
Không biết là may mắn hay bất hạnh khi Kolia nắm trong tay món bất động sản khiêm tốn nhưng lại nằm ở một vị trí tuyệt đẹp bên bờ sông, trên một cánh đồng vắng phía Tây Bắc nước Nga, một nơi vô tình lọt vào tầm ngắm của ngài thị trưởng béo Vadim (Roman Madyanov). Câu chuyện thực sự bắt đầu khi Dmitri (Vladimir Vdovitchenkov), người đồng chí cũ của Kolia, hiện đang là một luật sư đắt khách ở Mát-xcơ-va, tới để giúp anh chống chọi lại những thế lực xấu xa và bảo vệ mảnh đất của gia đình. Dù vậy, với sự giúp sức của bạn, Kolia vẫn tiếp tục thất bại tại tòa án, kết quả hiển nhiên đã được thao túng bởi bàn tay của Vadim. Dmitri sau đó tìm cách gặp mặt ngài thị trưởng và quẳng vào mặt ông ta tập tài liệu thu thập đầy đủ các bằng chứng buộc tội mà anh đã thực hiện từ trước đó, tin rằng sẽ khiến Vadim phải lùi bước. Một kiểu tống tiền nhưng có vẻ đã hiệu quả. Đỏ mặt vì tức giận, Vadim đồng ý thỏa thuận… Nhưng mọi sự nhanh chóng trở nên rõ ràng khi những gì Dmitri làm thực chất lại không đơn thuần để đòi lại mảnh đất cho người đồng chí.
Dmitri (Vladimir Vdovitchenkov).
Dường như diễn tiến của câu chuyện từ những buổi tranh luận đến sự bất mãn âm ỉ dưới nhiều hình thức đều nảy sinh quanh những ly rượu vodka. Vadim hầu như lúc nào cũng ở trong trạng thái say khướt, giao du với một vị linh mục đạo mạo, người luôn nỗ lực làm giảm bớt những mối lo ngại chính trị của ngài thị trưởng bằng những lời chỉ dẫn mang đầy triết lý tôn giáo. Hay khi Dmitri cùng Kolia, hai người bạn khác cùng vợ và con cái của họ tham gia vào một chuyến dã ngoại về vùng quê để chơi bắn súng, lại một lần nữa những ly vodka được nâng lên hạ xuống trong bàn tròn thảo luận chính trị. Một chủ đề khác đầy khiêu khích trong “Leviathan” là tính gắn bó chặt chẽ để cùng “đục khoét” giữa chính trị với tôn giáo. Vơ vét triệt để, Vadim nằm trong một hệ thống tham nhũng quốc gia mà Zvyagintsev đã chỉ thẳng vào tận mặt, không có nhiều khác biệt so với nền Cộng sản mà nó thay thế: Sự thực là, trong khi tượng đài Lenin vẫn còn được đặt ở phía trước của tòa án, một bức chân dung trừng trừng của Putin đã phủ bóng lên văn phòng của Vadim. Người đàn ông cứng rắn đó, thay vì cố gắng tách biệt tôn giáo, lại nhận sự ủng hộ, hỗ trợ theo kiểu đôi bên cùng có lợi từ Giáo hội chính thống Nga.
Một cảnh trong phim
“Leviathan” có thể chia tách người xem thành hai nhóm, một bên là những người thấy rằng hàm nghĩa của bộ phim là quá nhiều và chưa được khai thác hết; một bên là những khán giả đang đương đầu với thách thức để tìm ra ý nghĩa thực sự trọn vẹn của tác phẩm. Chắc chắn, kịch bản đoạt giải của bộ phim có thể bị bắt lỗi ở một mức độ nào đó: động cơ của Lilya, một nhân vật quan trọng, đã bị bỏ ngỏ hoàn toàn; và những nỗ lực làm thông suốt cho cái kết bi thảm đã không được ghi nhận. Dù vậy, những gì khán giả được chứng kiến và trải nghiệm trong “Leviathan” là minh chứng lớn nhất cho sự táo bạo đáng được hoan nghênh của Zvyagintsev. Sự nghiệp làm phim của ông có lẽ sẽ trở thành một trong những dấu mốc quan trọng nhất của nền điện ảnh đương đại.
Lumye
(Theo Congluan.vn)
(Theo Congluan.vn)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Review 4 loại kem dưỡng ẩm cho da dầu trong mùa đông hanh