Khốn khổ vì đang đi du lịch thì đau ruột thừa
Tin liên quan
Ai cũng mong muốn mình có một chuyến du lịch suôn sẻ, thuận lợi từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, những tình huống bất ngờ phát sinh như đau ốm, bệnh tật vẫn có thể xảy ra khi bạn đang đi chơi. Xử lý thế nào khi bạn bất ngờ rơi vào hoàn cảnh đó? Kinh nghiệm từ những tour guide chia sẻ với Emdep.vn dưới đây sẽ phần nào giúp bạn đỡ bỡ ngỡ.
Chị Thu, hiện là nhân viên văn phòng tại công ty du lịch Rose Travel. Trước khi làm công việc bàn giấy, chị đã từng có 5 năm dẫn khách Việt đến mọi miền của Tổ quốc. Do đó, chị có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý những tình huống bất ngờ phát sinh trong hành trình dẫn khách của mình.
Chị Thu trong một chuyến đi tới Hội An. Ảnh: NVCC
Theo chị Thu, chuyện du khách đau ốm tuy không thường xuyên xảy ra nhưng cũng không hiếm. Cách đây vài năm, trong một lần đưa khách đi Vũng Tàu, chị từng phải gọi cấp cứu đưa khách đi mổ ruột thừa. Đoàn khoảng 20 khách cả người lớn và trẻ em. Sau bữa ăn tối, một vị khách nam đã cảm thấy bụng hơi đau và khó chịu. Khách được hướng dẫn lên phòng nghỉ ngơi sớm, không tham gia hoạt động tối cùng đoàn.
Sau đó, khi đang ra ngoài, chị nhận được điện thoại của vị khách cho biết đang đau bụng dữ dội.
"Tôi lập tức về khách sạn, nhờ lễ tân gọi cấp cứu. Vào viện, qua thăm khám và chẩn đoán, bác sĩ cho biết vị khách đó bị đau ruột thừa cần phẫu thuật gấp. Thế là tôi lại phải chạy vạy gọi cho một chị trong đoàn thông báo tình hình còn bản thân thì vội vàng đi lo thủ tục và đóng tạm viện phí để mổ cho khách. Cũng may là đưa anh ấy đến bệnh viện kịp" - chị Thu kể.
“Một lần khác, tôi không hiểu gặp dớp gì mà dẫn đoàn khách đi Hạ Long phần lớn thời gian phải giải quyết những vấn đề liên quan đến sức khỏe của du khách. Hết bọn trẻ con không hợp thời tiết ốm sốt lại đến người lớn không quen ăn hải sản lạnh bụng bị tiêu chảy. Rất may là tôi thường mang theo 1 valy khá lớn khi đi dẫn tour, trong đó có hầu hết các loại thuốc cơ bản như thuốc cảm, hạ sốt, đau bụng, đau đầu nên có thể giải quyết sơ bộ khi khách gặp tình huống sức khỏe thông thường”, chị Thu cho biết.
Cũng có kinh nghiệm dẫn tour lâu năm như chị Cúc nhưng anh Nam (tour guide của công ty du lịch Rose Travel) gặp những tình huống oái oăm hơn rất nhiều.
Liên quan đến việc xử lý tình huống ốm đau khi đi du lịch, anh Nam nói: “Nghề này phải chuẩn bị tâm lý đối diện với nhiều tình huống bất ngờ lắm. Mà ốm sốt hay đau đầu đau bụng thì không nói làm gì. Đằng này là theo kiểu bệnh cũ tái phát. Có lần, khách bị hạ canxi huyết nặng đến nỗi mặt mũi nhợt nhạt, chân tay cứng đờ, co quắp mà lại không nói được gì. Lúc nhìn thấy tôi cũng sợ lắm nhưng thoáng nghĩ giờ mình không xử lý nhanh khách có vấn đề gì thì cũng “chết”.
Thế nên vội vàng search Google cách xử lý rồi áp dụng ngay. May mà sau khi cho bạn ấy vào chỗ thoáng mát nằm nghỉ, day huyệt nhân trung và tát nhẹ vào má, xoa bóp chân tay thì bạn ấy cũng dần hồi lại. Lúc đó, tôi mới hỏi địa chỉ trạm y tế gần nhất để đưa khách đến để y bác sĩ hỗ trợ thêm”.
Theo anh Nam, những tình huống như thế này thường không báo trước, cũng không ai mong muốn nhưng lại bất ngờ xảy ra. Do đó, cả bản thân du khách cũng như tour guide đều phải có sự chuẩn bị để đối phó.
“Nên chuẩn bị sẵn một số loại thuốc cơ bản trong hành lý của mình. Bên cạnh đó, một việc rất quan trọng là khi tiếp nhận khách nên hỏi trước xem có khách nào có bệnh tiền sử như tim mạch, huyết áp, hô hấp hay không để biết cách điều tiết và khuyến cáo họ khi tham gia một số trò chơi vận động. Tour guide cũng nên tìm hiểu xem địa điểm đến có những trạm y tế hay bệnh viện nào gần, lưu sẵn số và địa chỉ để có thể sử dụng khi cần thiết”, anh Nam chia sẻ.
Anh Nam khuyến cáo du khách nên mang theo một số loại thuốc cơ bản, phù hợp với cơ địa khi đi du lịch. Ảnh minh họa
Đồng quan điểm với anh Nam, chị Thu cũng cho rằng việc đối phó với chuyện đau ốm, bệnh tật khi đi du lịch cần có sự chuẩn bị từ cả hai phía: tour guide và du khách
Với những du khách có tiền sử bệnh, cần cân nhắc những tour phù hợp với thể trạng của mình, mang theo thuốc đặc trị và nên thông báo tình trạng của bản thân cho tour guide biết. Nếu không có bệnh thì cũng nên tự chuẩn bị một số loại thuốc cơ bản như đau đầu, đau bụng... hợp cơ địa, tránh tình trạng dị ứng thuốc.
Việc lấy số liên lạc của tour guide hay bạn đồng hành cũng khá quan trọng để có thể thông báo tình trạng bệnh khi không có ai ở bên. Một vấn đề nữa chị Thu lưu ý là đến mỗi điểm du lịch, nhất là những khu có trò chơi mạo hiểm như leo núi, trèo thác du khách nên nghe theo hướng dẫn hoặc đọc kỹ những chỉ dẫn an toàn để tránh tối đa những tai nạn không đáng có.
Moon
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất