Những việc làm của bố mẹ có thể biến con thành "lật đật vô hồn"
Tin liên quan
Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách xử trí hội chứng này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, bác sĩ Quách Thúy Minh, Trung tâm Tâm bệnh – tự kỷ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec (Hà Nội).
Đừng biến con thành những con lật đật vô hồn
Thưa bác sĩ Hội chứng bị rối loạn tâm lý là gì?
Hội chứng rối loạn tâm lý là khi chúng ta không điều chỉnh được suy nghĩ, tâm trạng, cảm xúc và hành vi của mình. Hội chứng này nếu kéo dài và lặp đi lặp lại sẽ gây nên 2 trạng thái. Rối loạn tâm lý ở mức nhẹ là những lo lắng, buồn chán mệt mỏi, khó ngủ, chán ăn, ít giao tiếp… Ở mức nặng là những rối loạn hành vi cảm xúc không kiểm soát được như thu mình xa lánh mọi người, trầm cảm, lo âu nặng, phá phách chống đối, nghiện game, tự gây đau đớn… thậm chí còn nghĩ tới việc tự tử.
Hội chứng bị rối loạn tâm lý ở học sinh cuối cấp hiện nay đang có xu hướng tăng ở các thành phố lớn, vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này?
Hàng năm sau mỗi đợt thi cử, Bệnh viện chúng tôi cũng đã tiếp nhận một số học sinh tới khám và tư vấn tâm lý. Hội chứng rối loạn tâm lý hiện nay ở các thành phố lớn có xu hướng gia tăng xuất phát từ áp lực học tập, có sự ganh đua nhau giữa học sinh, thi cử, chọn trường, kỳ vọng của gia đình. Học sinh cũng lạm dụng việc sử dụng công nghệ quá mức, ít có các hoạt động ngoại khóa .
Một phần nguyên nhân cũng xuất phát từ phía nhà trường chưa có định hướng, tư vấn cho học sinh chọn trường phù hợp với lực học. Đến khi thi không đỗ trẻ thường thất vọng hoặc thậm chí là tuyệt vọng.
Bố mẹ có là một trong những nguyên nhân khiến cho hội chứng rối loạn tâm lý ở học sinh gia tăng hay không?
Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều trường hợp học sinh rối loạn tâm lý xuất phát từ kỳ vọng quá lớn của bố mẹ. Nhiều ông bố bà mẹ cho rằng con cứ học nhiều, ôn nhiều, lớp chọn, trường điểm thì con sẽ học giỏi thành tài. Họ cũng đặt lên vai con những ước mơ kỳ vọng lớn trở thành một người giỏi, thành đạt theo đúng ý bố mẹ.
Đặc biệt nhiều ông bố bà mẹ có học vị cao trong xã hội cũng luôn cho con mình phải thông minh hơn người, rồi yêu cầu con học lớp này trường kia, trung tâm nọ… con đã giỏi rồi lại phải giỏi hơn…Như vậy vô tình bố mẹ đã biến con thành những con lật đật vô hồn không có ước mơ hoài bão chỉ máy móc làm theo những gì bố mẹ sắp đặt. Việc cha mẹ ít quan tâm tới ước mơ và thấu hiểu nỗi lòng của con trẻ, khiến cho các em dễ rơi vào hội chứng rối loạn tâm lý.
Trẻ dễ nảy sinh ý định tự sát
Vì sao học nhiều, căng thẳng lại gây ra những hội chứng rối loạn tâm lý?
Con người thường có 2 hoạt động cơ bản là hoạt động trí tuệ và hoạt động thể lực. Cần có sự cân bằng giữa lao động trí óc và lao động chân tay thì con người mới cảm thấy thoải mái và khỏe mạnh. Khi trẻ em học nhiều quá không còn thời gian vui chơi, hoạt động xã hội sẽ dẫn tới mất thăng bằng, gây ra trì trệ. Học quá nhiều còn gây ảnh hưởng tới sinh hoạt, giấc ngủ, ăn uống thất thường. Tình trạng mất cân bằng trong sinh hoạt kéo dài dễ khiến cho các em học sinh dễ bị suy nhược cơ thể và suy nhược thần kinh.
Nếu những căng thẳng thần kinh này kéo dài làm cơ thể thường xuyên ở trạng thái mỏi mệt, giảm sức đề kháng, giảm sức chịu đựng và khó điều tiết cảm xúc.
Đâu là những dấu hiệu có thể nhận biết sớm của hội chứng rối loạn tâm thần, thưa bác sĩ?
Dấu hiệu của hội chứng rối loạn tâm lý thường khởi đầu không rõ ràng nên gia đình rất khó nhận thấy. Các dấu hiệu khi trẻ rối loạn tâm lý cũng thể hiện khác nhau.
Cảm xúc trẻ thể hiện ra bên ngoài thường lầm lì ít nói, không chia sẻ với người thân hoặc dễ cáu gắt nổi nóng. Lo lắng học thi có đỗ không hoặc mệt mỏi vì áp lực học tập hoặc lo lắng kết quả không tốt…
Hành vi thì có 2 thái cực, thứ nhất là trẻ thường xuyên cãi bướng luôn cho mình đúng. Thái cực thứ 2 thể hiện ở việc trẻ thụ động thu mình.Trẻ cũng thường ít làm việc nhà, lười vệ sinh thân thể, ngại thể dục thể thao, ngại đi chơi với bạn bè, nề nếp sinh hoạt đảo lộn.
Rối loạn tâm lý không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng gì?
Hậu quả nặng nề nhất của hội chứng rối loạn tâm lý chính là trầm cảm, thất vọng sinh ra ý định tự tử. Nhiều trường hợp bố mẹ không ngờ được con mình lại có những hành vi gây nguy hại cho bản thân như vậy. Bên cạnh đó còn có hội chứng rối loạn lo âu: Hồi hộp, tim đập nhanh, có cơn khó thở, đau đầu, đau bụng, hoa mắt chóng mặt… khi đi khám thì không tìm thấy bệnh lý của cơ thể.
Trong quá trình con điều trị hội chứng rối loạn tâm lý, bố mẹ cần phải làm gì?
Cha mẹ cũng cần phải tự điều chỉnh để giải tỏa áp lực với chính mình, không nên quá kỳ vọng, ép con học quá sức. Nhiều cha mẹ vỡ mộng khi con không thực sự giỏi giang như mong đợi. Khi cha mẹ hiểu ra được vấn đề và chia sẻ với con thì các em mới thoát khỏi được nỗi ám ảnh về học tập và dần hết triệu chứng rối loạn tâm lý. Bên cạnh đó, cha mẹ cần phối hợp với nhà trường và bạn bè của con để giúp con giải tỏa những khúc mắc trong lòng, khuyến khích trẻ tham gia nhiều hoạt động thể chất, vận động hơn...
Khi bố mẹ nhìn nhận ra vấn đề con gặp phải thì nên làm gì để giúp đỡ con?
Khi biết con có dấu hiệu rối loạn tâm lý cha mẹ cần phải bình tĩnh và hiểu được vấn đề con gặp phải để kịp thời đưa con đi khám và tư vấn. Giai đoạn này gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện sớm và phối hợp với bác sĩ giúp trẻ vượt qua khó khăn.
Bản thân trẻ ở giai đoạn vị thành niên được cho là có rất nhiều xáo trộn về tâm lý nhất. Các em đã luôn đề ra những kỳ vọng lớn lao nên rất cần cha mẹ hiểu và chia sẻ. Các bậc phụ huynh hãy trở thành người bạn tốt của con để các em có thể cởi mở chia sẻ những lo âu buồn phiền trong lòng.
Cảm ơn bác sĩ và chúc bác sĩ sức khỏe, thành công!
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất