Người sửa quạt cổ hiếm hoi giữa đất Hà Thành

2015-03-31 14:12
- Dù đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” và có “kho báu” tiền tỉ, nhưng ông Trần Công Phúc vẫn khiêm nhường tự nhận mình chỉ là người thợ phục chế quạt cổ ở khu phố Tạ Hiện.
Từ công nhân hàn đến người sửa quạt cổ
Theo lời chỉ dẫn của những người bán hàng rong trên phố cổ, chúng tôi tìm đến tiệm sửa chữa quạt cổ “Phúc Đức” lọt thỏm trong con phố nhỏ Tạ Hiện. Cửa tiệm của ông Phúc là một căn nhà nhỏ chỉ rộng chừng hơn 20m2, chiếm 2/3 không gian là những động cơ, linh kiện và những cánh quạt cũ kĩ. 
Với nhiều người thì đây chỉ là những khối sắt không mấy giá trị nhưng với ông Phúc và những người “sành” đồ cổ thì chúng là cả một “kho báu”.
Thời trẻ ông Phúc vốn là anh công nhân hàn ở Xí nghiệp đầu máy xe lửa Hà Nội. Sẵn có tay nghề và am hiểu về điện nên ông tìm mua những chiếc quạt đã cũ hỏng của “người chán” rồi về sửa chữa lại để “bán cho người cần”.
Cơ duyên đến với những chiếc quạt cổ của ông Phúc cũng thật tình cờ. Vào năm 1992 ông may mắn mua đươc chiếc quạt “thải” cũ kĩ hiệu Mareli của khách sạn Metrpole.
Chiếc quạt già nua với đủ “thứ bệnh”, nào hỏng động cơ rồi lại gỉ sét. Nhưng với những kiến thức về điện và cơ học sẵn có, cùng bàn tay khéo léo tài hoa của người thợ lành nghề, ông nhanh chóng “trị khỏi bệnh” cho chiếc quạt chỉ sau một tháng tỉ mẩn.
Những chiếc quạt cổ có tuổi đời gần trăm năm trong bộ sưu tập của ông Phúc
Sinh sống tại khu phố “tây” Tạ Hiện, nên hàng ngày có rất nhiều du khách nước ngoài đi qua cửa tiệm của ông. Có lần một vị khách người Anh ghé chơi và nhìn thấy chiếc quạt cổ Mareli. 
Nhận thấy vẻ đẹp của chiếc quạt gần trăm năm tuổi, vị du khách cố thuyết phục ông để mua chiếc quạt cho kì được. Dù phải trả giá cao gấp 20 lần so với giá gốc vị khách ấy vẫn vui vẻ chấp nhận. 
Khởi nghiệp chỉ với một chiếc quạt Mareli của Ý nhưng đến nay, bộ sưu tập của người người thợ máy đã lên đến con số 500 chiếc đến từ các nhãn hiệu EMI, Phillips, Calor, Chanteur, homson, EOM,... của nhiều quốc gia như Đức, Pháp, Anh, Hà Lan…vv.. Cũng bởi thế mà chả rõ từ khi nào người ta phong ông là “vua quạt cổ”.
Để có được “gia tài” ấy, “ông vua” này phải dày công tìm kiếm và sưu tầm những chiếc quạt cũ hỏng có tuổi đời hàng chục năm. Thậm chí ông “say” quạt cổ đến mức, hễ nghe thấy ở đâu có là ông tìm mua lại bằng được.  Những chiếc quạt được mua với giá “đồng nát” sau khi qua bàn tay phục chế của ông Phúc đều trị  giá cả ngàn đô.
Trong số ấy, có một chiếc quạt chạy bằng hơi nước của Đức sản xuất tận năm 1875 “độc nhất vô nhị”. Đây là chiếc quạt mà ông phải mất nửa tháng trời lặn lội vào tận trong Nam để tìm mua. Nhiều vị khách trả giá rất cao, nhưng ông đều từ chối bởi với ông nó mang nhiều ý nghĩa không thể đong đếm được bằng tiền. 
Niềm vui mang lại từ những chiếc quạt cổ
Bản thân ông Phúc chưa từng nghĩ rằng những chiếc quạt cũ kỹ lại là cầu nối để ông được gặp gỡ những người tài hoa và lịch thiệp. Ông xem đây là niềm vui và cũng là cái được lớn nhất khi gắn đời mình với nghề này.
Ông Phúc sưu tầm và sửa quạt cổ chỉ cốt thỏa mãn niềm say mê của mình chứ chưa từng nghĩ sẽ nổi tiếng. Vậy nhưng không chỉ giới chơi quạt cổ trong nước biết về tiếng tăm của ông, mà ngay cả những vị khách nước ngoài cũng tìm đến ông, để được tận mắt ngắm nhìn những chiếc quạt ấy.
Từ cái duyên với quạt cổ mà ông được gặp gỡ Paul LASSALVY (Tổng thư kí – Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam), đại sứ Anh – Robert Gordon, đại diện của Microsoft và nhiều vị học giả, tiến sỹ ngoại quốc…
Ông Phúc xem lại những tấm danh thiếp những người bạn nước ngoài gửi tặng "vua quạt cổ"
Lật dở từng trang cuốn album cài hàng trăm tấm danh thiếp, ông Phúc chỉ vào từng tấm một và vui vẻ giới thiệu đó là của những ai và gặp gỡ ông trong hoàn cảnh như thế nào. Tất cả đều được ông nâng niu và giữ gìn cẩn thận.
Ông cũng cho hay, ông không bán quạt cho những người mua quạt để thể hiện ta đây lắm tiền nhiều của. Chỉ những người thực sự trân trọng quạt cổ và có văn hóa ông mới đồng ý bán.
Những lúc rảnh rỗi, ông lại mang những chiếc quạt ra lau chùi và đánh bóng. Theo ông, quạt cổ khiến người ta phải “mê” là bởi thiết kế tinh xảo với phong cách cổ điển, cánh được làm bằng gỗ hoặc mạ đồng, các chi tiết có độ chính xác đến gần như tuyệt đối.
Vì vậy, để phục chế được một chiếc quạt ông phải mày mò cả tháng trời. Những chiếc quạt cổ đều được thiết kế để chạy với nguồn điện 110V, vậy nên để sử dụng được ông phải tự tay cuốn lại nguồn lên 220V, rồi tìm những linh kiện phù hợp thay thế cho những cái không còn sử dụng được. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo tính thẩm mỹ ban đầu của của từng chiếc quạt.
Công việc đòi hỏi sự khéo léo và chính xác nên không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để ngồi hàng giờ bên những chiếc quạt hỏng. Thế nhưng nếu đã yêu và có duyên với chúng, thì dù phức tạp đến mấy người thợ già cũng quyết “hồi sinh” chúng cho kỳ được.
Thùy Linh
 (Theo Congluan.vn)
 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Ngồi xem TV vẫn có thể giảm cân siêu tốc nhờ 5 bài tập cực dễ ai cũng tập được