Ký ức của người kéo cờ trong ngày 2/9 cách đây 70 năm

2015-09-02 04:57
- Dù đã 70 năm trôi qua, nhưng hồi ức về những năm tháng hào hùng của dân tộc vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí cô nữ sinh trường Đồng Khánh (nay là trường Trưng Vương), khi ấy mới 19 tuổi.
Kéo cờ trong ngày 2/9/1945
Tìm đến căn nhà nhỏ của bà Lê Thi trong một ngày chớm thu của Hà Nội, chúng tôi được tiếp đón trong không gian giản dị và ngăn nắp với những kỷ vật của một thời đã đi vào lịch sử. 
Bà Thi là con gái thứ tư của cụ Dương Quảng Hàm. Được sinh ra trong một gia đình trí thức, bà Thi cùng 7 anh chị em đều được cha cho ăn học. Là con gái trong một gia đình gia giáo, nên từ nhỏ bà Thi chăm chỉ học hành, trở thành nữ sinh của trường Đồng Khánh rồi dự định sẽ thi Sư Phạm theo mong muốn của cha. Thế nhưng khi được giác ngộ, bà gác lại việc trở thành cô giáo và quyết tâm trở thành người cán bộ cách mạng. 
Nhớ lại thời điểm đó, bà Thi cho hay: “Ngày ấy nữ sinh trường Đồng Khánh chủ yếu là con nhà giàu. Khi ấy, tôi được một chị bạn cho đọc báo Cứu quốc. Tôi đọc báo thấy hay quá, bởi lúc đấy chúng tôi chỉ biết đến mặt trận Việt Minh, chưa biết đến Bác Hồ và Đảng Cộng sản. Rồi tôi được chị bạn giới thiệu tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc và hoạt động cách mạng từ đó”.
Xúc động với kỉ niệm của cô nữ sinh kéo cờ trong ngày 2/9 cách đây 70 năm.
Tấm ảnh bà Lê Thi chụp khi tham gia cách mạng, khi ấy bà mới 19 tuổi.
Tham gia cách mạng, có lần bà Thi trốn nhà đi làm nhiệm vụ cả tháng trời. Lúc về bà sợ cha mắng, nhưng vốn là người từng đồng ý cho hai con lớn theo cách mạng nên cụ Dương Quảng Hàm không trách giận gì con gái.
Nhớ lại việc được kéo cờ trong buổi lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, bà Thi bồi hồi: “Hôm ấy, tôi mặc áo dài trắng, đi giày trắng dẫn đầu đoàn Phụ nữ cứu quốc tiến về Quảng trường Ba Đình. Lúc sắp hành lễ, một cán bộ xuống bảo chúng tôi cử người lên kéo cờ. Mọi người chỉ tôi bảo “Thi lên đi”, lúc ấy tôi run lắm nhưng vì gấp quá nên đành liều bước lên”.
Khi bà Thi bước lên, đã có một cô gái người Tày - đại diện cho An toàn khu đứng đó (sau này bà Thi mới biết đó là bà Đàm Thị Loan): “Lúc đó gấp gáp, chúng tôi chưa kịp hỏi tên nhau, tôi bảo với chị ấy rằng chị thấp thì nâng cờ nhé, để em cao em kéo cờ cho. May sao khi cờ vừa lên tới đỉnh cột thì cũng là lúc tiếng nhạc Quốc ca vừa dứt”, bà Thi nhớ lại
Đó cũng là lần đầu tiên bà Thi được tận mắt thấy Bác Hồ, nhưng khác với những gì bà tưởng tượng. Ấn tượng về vị cha già của dân tộc trong bà Thi là vô cùng giản dị với bộ quần áo ka ki và đôi dép cao su.
Bà Thi xúc động: “Đó là những khoảnh khắc mà tôi sẽ chẳng thể nào quên được, tự tôi cũng cảm nhận rằng mình là người rất may mắn trong giờ phút lịch sử ấy”.
Thoát nạn nhờ bí danh
Bà Thi tên thật là Dương Thị Thoa, Lê Thi chỉ là bí danh của bà trong khi hoạt động cách mạng. Nhưng chính nhờ bí danh ấy mà bà thoát được khỏi sự lùng bắt của quân địch.
Nhớ lại những kỉ niệm như mới hôm qua, bà tâm sự: “Lần đó quân địch tìm đến tận nhà tôi để lùng bắt, tình huống hiểm nguy khẩn cấp, may thay mẹ tôi nhanh trí bảo trong gia đình không có ai là người như vậy. Mẹ tôi lấy sổ hộ khẩu ra cho chúng xem thì đúng là không có ai tên là Lê Thi, mà chỉ có tên thật của tôi là Dương Thị Thoa, nhờ vậy mà tôi thoát nạn”
Ký ức của người kéo cờ trong ngày 2/9 cách đây 70 năm
Tấm ảnh kỉ niệm bà Lê Thi chụp năm 1975
Tham gia cách mạng dù trải qua nhiều vất vả, và hiểm nguy nhưng bà Thi vẫn luôn hăng hái công tác, chưa từng một lần nao núng trước quân địch. Bà luôn cho rằng mình là người may mắn vì được cha mẹ ủng hộ và là hậu phương vững chắc của con gái.
Năm 1945, thực dân Pháp bắt cha bà cùng nhiều trí thức khác, chúng xử bắn mà không qua xét hỏi. Nhắc về chuyện của cha mình, bà Thi không giấu được nỗi xúc động: “Khi bố tôi bị bắt, tôi không có ở nhà. Trong một lần đi phát cơm cho đồng bào đi sơ tán tôi  tình cờ gặp bố. Lúc đó tôi chỉ kịp đưa cho bố suất cơm và hỏi thăm vài câu rồi lại phải đi ngay. Tôi không ngờ rằng đó là chính là lần cuối tôi được gặp bố mình”
Hôm nay đất nước đã hòa bình, khắp dân tộc đang rộn rã chào đón lễ kỉ niệm 70 năm Quốc khánh, cũng như biết bao người dân Việt Nam, bà Thi cũng vui mừng phấn khởi. Những kỷ niệm của một thời  hào hùng đều được bà gìn giữ và trân quý cả cuộc đời.
Thùy Linh
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Rùng mình với những 'thị trấn ma' không phải ai cũng dám đặt chân tới