Học sinh đi qua cầu trơ khung: Tháo cầu, phụ huynh lại cõng con lội suối đến trường

Hường Đình 2016-12-14 15:00
- Sau khi các thanh sắt trên mặt cầu đã bị dỡ bỏ, người dân vẫn không đi đường khác. Họ lại tiếp tục cõng con lội qua suối để đến trường cho gần bất chấp nguy hiểm mùa nước về.

Mới đây, sau khi báo chí phản ánh tình trạng các em học sinh ở xã Lỗ Sơn (Tân Lạc, Hòa Bình) hàng ngày đi học trên cây cầu treo trơ khung sắt để đến trường cho gần, chính quyền xã đã tiến hành tháo dỡ các thanh sắt trên mặt cầu để đảm bảo an toàn cho người dân.

Tuy nhiên, sau khi các thanh sắt trên mặt cầu được dỡ bỏ, chiếc cầu chỉ còn trơ bộ khung. Không có cách nào qua sông cho gần nhất, người dân nơi đây đã phải hàng ngày cõng con vượt suối để đến trường mà không biết việc này rất nguy hiểm. 

Học sinh đi qua cầu trơ khung: Dỡ thanh sắt ở mặt cầu, dân cõng con lội qua suối

Các thanh sắt trên mặt cầu đã được tháo dỡ. (Ảnh: T.V.Đ). 

Học sinh đi qua cầu trơ khung: Dỡ thanh sắt ở mặt cầu, dân cõng con lội qua suối

Sau khi dỡ các thanh sắt trên mặt cầu, người dân tiếp tục cõng con lội suối. (Ảnh: T.V.Đ).

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Nượm, Chủ tịch UBND xã Lỗ Sơn (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo của UBND huyện Tân Lạc, chúng tôi đã tiến hành phá dỡ các thanh sắt trên mặt cây cầu treo.

“Sau khi dỡ bỏ các thanh sắt trên mặt cầu thì người dân lại cõng con lội qua suối để đến trường cho gần. Hiện tại, đang vào mùa khô, mực nước của dòng suối chỉ khoảng gần một mét. Tuy nhiên, đến mùa nước lũ mực nước dâng cao. Người dân lội qua như vậy sẽ gặp nguy hiểm”, ông Nượm cho biết.

Trước đó, như chúng tôi đã thông tin, cây cầu treo không còn các tấm chắn ở mặt cầu, dây treo hai bên đã hư hỏng nặng. Thế nhưng từng tốp học sinh của 6 xóm thuộc xã Lỗ Sơn, Tân Lạc (Hòa Bình) vẫn phải đi qua để đến trường mỗi ngày.

Học sinh đi qua cầu trơ khung: Dỡ thanh sắt ở mặt cầu, dân cõng con lội qua suối

Ông Bùi Văn Nượm, Chủ tịch UBND xã Lỗ Sơn.

Theo quan sát, cây cầu chỉ có 3 – 4 thanh sắt ghép lại thành một lối nhỏ để đi, còn mặt cầu trống hoác. Chỉ cần một chút sơ sẩy, các em có thể rơi xuống suối bất cứ lúc nào.

Một phụ huynh đưa con đến chân cầu cho biết, vợ chồng chị có 2 hai con nhỏ. Hàng ngày họ phải đưa các con đến chân cầu rồi các bé tự dắt tay nhau qua cầu. Để đến trường, những đứa trẻ này phải đi vài lượt qua cây cầu này/ngày. Mới đầu, các em đều tỏ ra sợ hãi nhưng cũng dần quen.

Ai cũng biết, đi như vậy rất nguy hiểm nhưng để đến trường qua cây cầu xuống cấp này sẽ nhanh hơn. Nếu đi đường vòng, các học sinh sẽ phải đi xa hơn.

Anh P. (một phụ huynh) cho hay: "Nhìn thấy con đi học như vậy, gia đình lo lắng. Tôi chỉ tha thiết mong chính quyền sửa lại cầu hoặc thay cây cầu mới giúp chúng tôi và nhất là các cháu nhỏ đi lại được thuận tiện hơn”.

học sinh đi qua cầu trơ khung sắt

Trước đó, các em học sinh phải đi qua cây cầu treo trơ khung sắt để đến trường cho gần. 

Được biết, trên địa bàn xã có tất cả 3 cây cầu treo bắc ngang qua suối. Cây cầu treo trên nối từ xóm Đá và xóm Đồi Mới. Trước đây, chính quyền địa phương đã cho tháo dỡ các thanh sắt của cầu và đặt biển cấm. Thế nhưng, do địa hình của xã, chia cắt 6 thôn ở bên kia sông. Ngoài ra, đặc thù của cây cầu treo này nằm giữa trung tâm xã (trường học, trạm y tế xã, UBND xã) nên nhiều người dân vẫn chọn đi lại ở đây.

Hơn nữa, xã Lỗ Sơn là xã khó khăn, trong đó, có khoảng 40% hộ gia đình thuộc diện nghèo, không có xe máy để đưa con đi học theo lối đường vòng.

Hường Đình

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Nam nhân sinh ngày âm lịch này, sống trượng nghĩa và chung thủy, một khi lấy vợ xác định cả đời 'chỉ yêu mình em' và đem lại sự giàu sang