Cụ bà 5 năm cần mẫn đan áo tặng trẻ em vùng núi
2015-02-24 08:30
- Dù bị căn bệnh ung thư hành hạ, nhưng hàng ngày bà vẫn cần mẫn đan từng chiếc áo len để gửi tặng trẻ em nghèo vùng núi.
Tin liên quan
Mỗi chiếc áo là cả tấm lòng
Mỗi người chúng ta hẳn đã từng nghe về những tấm lòng thiện nguyện, mỗi người là mỗi cách thể hiện riêng. Nhưng đối với bà Cao Thị Kim Doanh (80 tuổi) ở phố Hội Vũ (phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội), bà chọn việc đan những tấm áo len ấm áp, để gửi tặng trẻ em nơi miền núi còn nhiều khó khăn. Bà làm công việc thầm lặng ấy đến nay đã hơn 5 năm
Lý giải về việc đan áo, bà cho hay: “Bác xem trên ti vi thấy các cháu ở vùng núi nghèo quá. Trời lạnh như này mà đầu trần, chân đất mặc mỗi cái áo mỏng. Bác nghĩ mình nghỉ hưu rồi cũng không bận gì nên quyết định đan áo cho trẻ con”.
Dù là áo đem tặng, nhưng những chiếc áo len được bà Doanh đan rất cẩn thận, chặt chẽ đến từng mũi đan, mũi nào cũng đều nhau tăm tắp. Không những thế bà còn phối nhiều màu như đỏ, vàng, xanh, trắng để những chiếc áo thêm phần đẹp mắt.
Quan sát những chiếc áo len bà Doanh đan, chúng tôi nhận thấy bà chỉ đan một loại áo chui. Thắc mắc điều đó, chúng tôi được bà giải thích: “Những chiếc áo như này sẽ ôm chặt vào người những đứa trẻ, đảm bảo cho chúng không bị lạnh hay bị viêm họng nên bác chỉ đan loại áo này thôi”.
Cần mẫn từng mũi đan, mỗi tháng bà Doanh đan được ba chiếc áo, cứ như vậy một năm bà tặng cho trẻ em miền núi gần 40 chiếc áo ấm. Cũng theo bà Doanh, những năm đầu bà gửi áo len đến một số cơ sở từ thiện, nhưng món quà của bà không đến được tay các em mà dùng sai mục đích. Từ đó bà gửi áo của mình cho những người quen, chuyên đi làm từ thiện trên miền núi, để yên tâm áo của mình đến được tay con trẻ.
Cứ như vậy, bà hẹn những người bạn cùng làm từ thiện cứ độ cuối năm sẽ có 40 chiếc áo cho trẻ em và chính những người này sẽ chuyển tới tay các trẻ em vùng sâu vùng xa.
Chỉ mấy chiếc áo vừa đan xong, bà Doanh vui vẻ: “Bác Hồ đã từng nói “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, thế nên bác cứ theo sức mình làm được gì thì làm. Lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui cho bản thân mình”.
Nhịn ăn nhưng không nhịn tay
Bị ung thư đã hơn chục năm nay, bà Doanh có khối u ở cổ, nhưng do tuổi đã cao nên các bác sỹ khuyên bà không nên làm phẫu thuật. Hàng ngày uống thuốc và rèn luyện sức khỏe cùng với giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ để hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư. Chính vì vậy bà vẫn thường xuyên tham gia các câu lạc bộ của hội người cao tuổi. Khi thì đi đánh cầu lông, lúc lại đi hát quan họ.
Từng là giáo viên dạy văn tại trường THCS Nguyễn Du (Hà Nội), bà Doanh rất ham mê đọc sách. Từ ngày mắc mệnh, bà càng tích cực tìm sách để đọc và hiểu về căn bệnh của mình và nghiên cứu các phương pháp chữa bệnh phù hợp.
Bên cạnh việc ăn gạo lứt với muối vừng, bà còn kết hợp với phương pháp nhịn ăn. Tuy nhiên bà vẫn khẳng định: “Bác nhịn ăn chứ không nhịn tay, hàng ngày bác vẫn đan, thậm chí còn vừa đan vừa đọc sách”.
Số tiền mua len đan áo cho các cháu được bà lấy từ số lương hưu ít chỉ vỏn vẹn 2 triệu đồng. Để đan được một chiếc áo, riêng tiền mua len khoảng 40 – 50.000 đồng. Như vậy mỗi lần bà Doanh gửi 40 cái áo, tính ra cũng vài triệu đồng.
Tuy tốn kém là vậy, nhưng suốt 5 năm qua chưa một lần bà tính số tiền và công sức bỏ ra. Thậm chí, bà còn thấy mình được hơn là mất. Cái được chính là niềm vui, là sự nhẹ nhõm trong lòng khi làm được điều có ích cho xã hội.
Bà Doanh quan niệm, sinh lão bệnh tử là điều không tranh khỏi, tuy nhiên nếu đã sống thì dù một ngày cũng phải sống sao cho có ý nghĩa. Bà tâm sự: “Mình đã là dân ung thư rồi thì sống được ngày nào, làm được việc gì hay việc đó. Có bệnh không có nghĩa là không có ích cho xã hội”.
Thùy Linh
(Theo Congluan.vn)
(Theo Congluan.vn)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
4 màu son cho da ngăm cực tôn da