Cần cẩu lơ lửng trên đầu: Đi đường đề phòng nguy hiểm rập rình

2015-05-14 14:26
- Sau nhiều sự việc cần cẩu đổ sập, thanh dầm thép rơi xuống đường, người đi đường đã chú ý đến tự bảo vệ mình nhằm đảm bảo an toàn khi đi trên các tuyến đường.

Trên nhiều tuyến đường hiện nay, các công trình xây dựng nhà cao tầng, chung cư vẫn hối hả cho kịp tiến độ đề ra. Và để phục vụ cho việc xây dựng các công trình ấy, các cần cẩu được huy động để vận chuyển vật liệu. Tòa nhà càng cao, những chiếc cần cẩu cũng vươn mình hàng chục mét để theo kịp các tầng của tòa nhà. Không chỉ có cần cẩu mà ngay cả một số công trình đường sắt trên cao thi công ngay trên đầu người đi đường cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, nếu như bất cẩn.

Mới đây nhất, vụ tai nạn sập cần cẩu xảy ra trên đường Cầu Giấy gây ảnh hưởng đến tiệm vàng và một cửa hàng sơn đối diện đã khiến nhiều người giật mình. Đây là cần cẩu thuộc dự án xây dựng đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Sự việc xảy ra gần giờ tan tầm, rất may không gây thiệt hại về người. Hiện trường cho thấy, cần cẩu bị gục xuống, phần đầu đổ vào tiệm vàng và cửa hàng sơn bên kia đường. 

Trước đó, ngày 10/5, thanh dầm trên cần cẩu thuộc dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên đường Hồ Tùng Mậu đã bị rơi xuống đường, thanh sắt nằm đè lên tấm tôn rào chắn. Thanh dầm này dài hơn 10m, rộng 20cm, rất may sự việc không gây thiệt hại về người.

Một vụ việc thương tâm khác cũng xảy ra hồi đầu tháng 5, một cần cẩu đang xây dựng công trình đường tránh quốc lộ 30 ở thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) bị đổ sập. Vụ việc đã khiến cho chị Vân ở thị xã này và 2 con đang đi xe máy trên đường bị chết ngay tại chỗ do cần cẩu đè lên.

Hồi năm 2014, tại công trình xây mới cầu Hoàng Mai (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cũng xảy ra vụ sập cần cẩu khiến 1 người đàn ông trú ở Quỳnh Dị, Hoàng Mai, Nghệ An tử vong tại chỗ khi đang lưu thông trên đường bằng xe máy.

Tháng 12/2014, dư luận cũng xôn xao khi xảy ra vụ sập giàn giáo trên tuyến đường sắt Hà Nội - Cát Linh. Giàn giáo sập xuống từ độ cao 6m, đè lên một phần chiếc taxi nhưng tài xế và hành khách bên trong không bị thương. Trước đó, ngày 6/11/2014, thép từ nơi xây dựng nhà ga Thanh Xuân thuộc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, sự việc khiến 1 người tử vong, 2 người bị thương. 

"Tử thần" trên đầu

Rất nhiều sự việc đã xảy ra, song trên đầu dòng người, xe cộ qua lại tại một số tuyến đường hàng ngày là những cần cẩu nặng hàng tấn, những dàn giáo phục vụ cho quá trình xây dựng. "Nếu đi mà không nhìn lên hoặc chỉ nhìn từ xa sẽ không cảm thấy lo lắng. Nhưng khi đứng lại hoặc dừng đèn đỏ ngước mắt lên cao thấy trên trời là những khối cần cẩu với sắt thép khổng lồ quay đi quay lại để làm việc mới thấy đáng sợ. Nhưng, cũng chẳng có cách gì, chỉ mong điều may mắn, không xảy ra sự cố sập cần cẩu thôi. Bởi vì, người xây dựng họ cũng cần thiết bị đó để đưa vật liệu lên cao, quan trọng là kỹ thuật phải đảm bảo thiết bị an toàn khi thi công để không bị đổ, gãy ra đường", chị Tuyền (Hà Nội) chia sẻ.

Sau khi nghe tin về vụ việc sập cần cẩu, trước đó có rơi thanh dầm rồi sập giàn giáo, anh Đạt (Hà Đông, Hà Nội) tỏ ra khá lo lắng. Anh Đạt cho biết, trên tuyến đường đi làm hàng ngày của anh, nhiều cần cẩu vẫn làm việc hết công suất để xây dựng nhiều chung cư. Mỗi khi đi ô tô dưới những cần cẩu, giàn thép đó, bản thân anh cũng "tim đập, chân run".

Hiện trường vụ sập giàn giáo hồi năm 2014.

"Tôi nghĩ là những công trình sử dụng cần cẩu phải có kiểm tra kỹ càng thiết bị sau mỗi ngày làm việc. Nếu có bất kỳ sự nguy hiểm nào phải sửa chữa hoặc dừng sử dụng cần cẩu ngay. Ngoài ra, không nên sử dụng cần cẩu vào giờ cao điểm khi có đông người qua lại", anh Đạt chia sẻ.

Một số người đi đường cũng đồng quan điểm với ý kiến của anh Đạt, họ cho rằng, những khu vực thi công có cần cẩu, sắt, thép trên đầu người dân cần bố trí thời gian thi công hợp lý. Nên tránh thời gian sáng, chiều muộn - là hai thời điểm thường có đông người tham gia giao thông đặc biệt là ở các thành phố lớn. 

Chọn giải pháp an toàn hơn, chị Sâm (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, gia đình chị thường chọn lộ trình hợp lý và có thể tránh được những tuyến đường có cần cẩu hoặc đang xây dựng nhiều. Chị Sâm bày tỏ: "Nói vậy chứ, đôi khi cũng không tránh được. Vì nếu có đường khác hợp lý có thể đi chứ không phải lúc nào cũng vậy. Có lúc vẫn đi vì tiết kiệm thời gian và quãng đường ngắn hơn. Quan trọng là hi vọng các nhà thầu tuân thủ sự an toàn, đảm bảo các thiết bị không rơi xuống".

Cũng theo chị Sâm, để đề phòng những tai nạn trên trời rơi xuống, bạn có thể chọn các loại mũ bảo hiểm đạt chuẩn, chắc chắn để đội khi đi đường. Giả sử nếu không may mắn, xảy ra tai nạn sẽ bảo vệ được đầu hơn là đội mũ không đạt chuẩn, giòn, dễ vỡ. Chỉ có như vậy mới có thể phần nào bảo vệ được sự an toàn cho bạn và gia đình.

Diệu Linh
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Những chòm sao nào chỉ nên kết hôn muộn