Các quy định có hiệu lực trong tháng 5/2016

2016-05-01 10:01
- Từ tháng 5/2016 có nhiều quy định mới như không được mang quá 1 lít chất lỏng lên máy bay, cấm người mẫu sử dụng trang phục phản cảm.
Không được mang quá 1 lít chất lỏng khi đi máy bay
Thông tư số 01/2016/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải có hiệu lực từ tháng 5/2016. Thông tư này quy định về chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam. Tại điều 74 của Thông tư này ghi rõ, khi qua điểm kiểm tra an ninh hàng không vào khu vực cách ly quốc tế, mỗi hành khách, thành viên tổ bay chỉ được mang không quá 1 lít chất lỏng theo người và hành lý xách tay. Dung tích của mỗi chai lọ, bình chứa chất lỏng không quá 100ml và phải được đóng kín hoàn toàn.
- Không áp dụng quy định với chất lỏng là thuốc chữa bệnh, sữa, thức ăn cho trẻ em. Nếu đáp ứng các điều kiện sau: thuốc chữa bệnh có kèm đơn thuốc, trong đó ghi rõ họ tên, địa chỉ của người kê đơn thuốc, họ tên người sử dụng thuốc phù hợp với tên trên vé máy bay; sữa, thức ăn dành cho trẻ em, trẻ sơ sinh (phải có trẻ em, trẻ sơ sinh đi cùng). 
Các quy định có hiệu lực trong tháng 5/2016
- Chất lỏng mua tại cửa hàng trong khu cách ly quốc tế, trên chuyến bay quốc tế cũng được phép mang theo người và hành lý xách tay không giới hạn dung tích với điều kiện phải đựng trong túi nhựa an ninh được dán kín.
Người biểu diễn không được dùng trang phục phản cảm
Thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ 15/5/2016. Thông tư này có quy định, người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, người đạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được thực hiện chụp ảnh, quay phim hình ảnh cá nhân không mặc trang phục hoặc sử dụng trang phục phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông… Chụp ảnh, ghi âm, ghi hình hình ảnh tập thể, cá nhân thể hiện các Tiết Mục biểu diễn có nội dung vi phạm quy định tại Điều 6 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông;
Có hành động, phát ngôn không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam, vi phạm quy định của pháp luật và vô ý hoặc cố ý phổ biến trên phương tiện truyền thông hoặc ngoài xã hội gây hậu quả xấu.
Quy định về trường hợp tạm giữ theo thủ tục hành chính
Từ ngày 2/5/2016, Nghị định số 17/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Đây là nghị định bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2013/NĐ-CP ngày 2/10/2013. Nghị định quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.
Việc tạm giữ theo thủ tục hành chính được áp dụng trong các trường hợp sau: Khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay các hành vi: gây rối trật tự công cộng; gây thương tích cho người khác; Khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong các trường hợp sau mà người vi phạm có dấu hiệu bỏ trốn, tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm, gây cản trở việc xử lý vi phạm; Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu hoặc tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
Số hóa tất cả quyết định xử phạt hành chính
Nghị định 20/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/5/2016. Nghị định này quy định về xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.
 Các thông tin trong cơ sở dữ  liệu về xử lý vi phạm hành chính có: Ngày tháng năm sinh, họ tên, số định danh cá nhân hoặc CMND, hộ chiếu, giới tính nếu là cá nhân. Cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt, chức danh người ra quyết định xử phạt, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có)/
Quy định mới về chi tiền lương cho cán bộ, công chức
Quyết định 15/2016 của Thủ tướng về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2016-2018 có hiệu lực từ 25/5/2016. Theo đó, mức chi tiền lương bằng 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định. Trong đó bao gồm tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp, trừ phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ, được áp dụng đối với các đối tượng sau đây trong chỉ tiêu biên chế hoặc vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Người hưởng lương theo quyết định này có: Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an (chỉ áp dụng đối với tổ chức bảo hiểm xã hội là đơn vị dự toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng, tổ chức bộ máy kế toán riêng theo quy định của pháp luật về kế toán); người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong các trung tâm dịch vụ việc làm địa phương, tổ chức bảo hiểm thất nghiệp trực thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Tố Oanh (Tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Lý do không nên ăn xúc xích