3 loại quả mọc dại trong rừng thành đặc sản vừa ngon vừa lạ, nhiều người thành phố không biết tên
Quả máu
Cây máu mọc hoang dại ở các khu rừng thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai… Khoảng tháng 6, tháng 7 âm lịch hàng năm là thời điểm thu hoạch quả máu. Chúng mọc thành từng chùm đỏ lòm trên cây trông rất bắt mắt.
Trước đây, quả máu mọc đầy bìa rừng và bờ bụi nhưng chỉ có người dân địa phương và đám trẻ con hái để ăn chơi, hoặc mang về ngâm rượu. Những năm gần đây, khi các loại quả dại có hương vị lạ được người thành phố ưa chuộng, quả máu "lên đời" thành đặc sản được bán trên chợ mạng với giá vô cùng đắt đỏ.
Quả này mọc thành từng chùm như chùm nho. Khi chín quả chuyển dần từ màu vàng cam sang màu đỏ tươi như máu. Trước khi ăn người ta phải dùng tay bóp nhẹ, nặn kỹ, chà xung quanh quả cho đến khi quả mềm, chuyển sang màu tím đen rồi bóc phần vỏ, ăn phần ruột bên trong. Chúng có vị chua chua, ngọt ngọt, thơm thơm. Nếu không bóp kỹ thì quả sẽ hơi chát. Ngoài ăn tươi, quả này còn được mang ngâm đường làm thức uống giải nhiệt mùa hè, hoặc ngâm rượu.
Hiện tại quả máu đang vào mùa, giá quả máu từ 200.000-300.000 nghìn đồng/kg.
Quả chòi mòi
Chòi mòi còn có tên gọi khác là chồi mồi, cây cơm nguội, chua mòi, chóp mòi,... Ở nước ta, cây thường phân bố rộng rãi khắp mọi nơi nhưng thường tập trung ở một số tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.
Quả chòi mòi có kích thước bé, chúng mọc thành chùm nhìn rất thích mắt. Trái non có màu xanh, khi gần chín chuyển sang màu đỏ, chín kỹ chuyển sang màu tím. Khi ăn có vị chua chua pha lẫn vị ngọt nhẹ. Chúng ra hoa từ khoảng tháng 3 đến tháng 6, quả chín rộ nhất từ tháng 7.
Quả chòi mòi khi chín có thể ăn như một loại trái cây rừng, hoặc xóc muối ớt thành món đặc sản có vị chua, cay, mặn, ngọt. Trước đây chỉ có người dân miền núi biết tới chòi mòi. Bây giờ thứ quả này thành đặc sản được nhiều người săn tìm.
Không chỉ ăn cho vui miệng, trái chòi mòi còn có thể làm mứt hoặc ngâm rượu, đặc biệt là làm thức uống thảo dược. Ở Tây Nguyên, rượu chòi mòi dùng để thiết đãi khách quý.
Quả màng tang
Màng tang rất thơm, tương tự như mùi sả, có vị cay nhẹ hơn so với hạt tiêu, là đặc trưng của núi rừng Tây Bắc và Tây Nguyên.
Theo tìm hiểu, màng tang có tên khoa học là Litsea cubeba Pers, thuộc họ long não. Chúng có tên gọi khác là tiêu núi. Cây màng tang mọc rải rác hoặc tập trung thành từng đám nhỏ ở độ cao khoảng 1.500m trong rừng thứ sinh, cao chừng 5-8m. Chúng ra hoa vào tháng 2 đến tháng 3, bắt đầu thu hoạch quả từ tháng 7 đến tháng 8. Quả này có ở các nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, chúng có nhiều ở Lào Cai, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng.
Trên thị trường màng tang được bán có 3 loại: tươi, khô và bột. Nếu bán lẻ, màng tang tươi có giá 70.000 đồng/kg, màng tang bột có giá 250.000 đồng/kg nhưng không phải lúc nào cũng mua được và cũng ít người biết tới thứ quả núi rừng này.
Trước đây người dân địa phương hái màng tang về làm gia vị cho các món ăn dân dã ở địa phương. Dần dần, thứ quả dại này được nhiều người biết tới hơn. Khách ở Hà Nội và các tỉnh thành đặt mua về để làm gia vị cho món nướng. Nhiều đầu bếp nhà hàng cũng dùng màng tang cho các món ăn để tạo nên hương vị riêng.
Ni Trần (Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất