Từ vụ bé trai rơi xuống cọc bê tông rồi tử vong, làm gì để không còn những câu chuyện đau lòng?
Tin liên quan
Vụ việc bé Hạo Nam (Đồng Tháp) bị rơi xuống cọc bê tông và không qua khỏi là câu chuyện đau lòng thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày qua. Tuy nhiên, sau một câu chuyện buồn, mọi người đều mong rằng không còn phải chứng kiến những vụ giải cứu bi ai như vậy. Muốn làm được điều đó, người lớn phải hành động ngay từ bây giờ.
Emdep.vn đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Trọng An (Bác sĩ Nhi khoa, Nguyên Cục phó Cục Bảo vệ Trẻ em, Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội, chuyên gia bảo vệ trẻ em) xoay quanh vai trò của cha mẹ và nhà trường trong trang bị kiến thức cho trẻ để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Vụ việc vừa qua xảy ra với bé Hạo Nam là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, đứng ở góc độ chuyên gia về bảo vệ trẻ em, theo ông nguyên nhân nào đã dẫn đến sự việc đáng tiếc này?
Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Nói về nguyên nhân gốc rễ là do những công nhân trực tiếp khoan nhồi cọc ở công trường, những cán bộ giám sát và bảo vệ công trình đã thiếu tuân thủ các quy định, nguyên tắc đảm bảo an toàn tại các công trình đang thi công đã được quy định tại khoản 8 Điều 13 Nghị định 06/2021/NĐ-CP và các quy định an toàn trong Bộ Luật Lao động 2019. Theo Luật Xây dựng sửa đổi 2020 đã có các quy định về an toàn lao động và các quy định theo Quy chuẩn QCVN 18: 2014/BXD áp dụng cho các tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động xây dựng công trình, an toàn công trình xây dựng. Toàn bộ các công trường đang thi công đều phải có biển báo nguy hiểm, có rào chắn hoặc người cảnh giới... Giếng, hầm, hố trên mặt bằng và những lỗ trống trên các sàn tầng công trình phải được đậy kín đảm bảo an toàn cho người đi lại hoặc rào ngăn chắc chắn xung quanh với chiều cao tối thiểu 1m. Đối với đường hào, hố móng nằm gần đường giao thông, phải có rào chắn cao trên 1m, ban đêm phải có đèn báo hiệu…
Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, xin ông cho biết các quy định hiện nay với những công trường, công trình xây dựng đã chặt chẽ?
Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Như tôi đã nêu trên, pháp luật của nước ta đã rất đầy đủ và có quy định rất cụ thể về an toàn lao động, bảo đảm tính mạng con người. Chúng ta là người Việt Nam, hãy tuân thủ Pháp luật Việt Nam.
Theo quan điểm của ông, để tránh những sự việc đáng tiếc như đã xảy ra với bé Hạo Nam, vai trò của cha mẹ là như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Chúng ta đều biết rằng, trẻ em rất mải chơi, hiếu động và thích tìm tòi khám phá. Trong khi đó, kiến thức của các em để nhận viết về sự nguy hiểm còn non nớt và trang bị kiến thức về kỹ năng phòng tránh, kỹ năng thoát hiểm chưa nhiều. Do vậy, đối với trẻ em cần phải có sự giáo dục, hỗ trợ các kỹ năng sống. Đầu tiên, cha mẹ cần làm việc này, tiếp đến là các thầy cô giáo hỗ trợ, hướng dẫn kỹ năng nhận biết nguy hiểm, phòng tránh tai nạn thương tích và kỹ năng thoát hiểm.
Theo ông, liệu có cần một mạng lưới nhân viên công tác xã hội để hỗ trợ các bậc cha mẹ?
Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Tai nạn thương tích luôn rình rập trẻ và muôn hình vạn trạng tình huống. Tôi mong rằng Việt Nam kiện toàn được mạng lưới nhân viên công tác xã hội để bảo vệ trẻ em ở cộng đồng. Đây là đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, có đầy đủ các kỹ năng, kiến thức để giúp cho các bậc cha mẹ, tư vấn cho các hộ gia đình nhận biết nhằm phát hiện nguy cơ tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại để ngăn chặn sớm và loại bỏ kịp thời.
Qua sự việc lần này, ông có thấy vấn đề dạy kỹ năng sống cũng như an toàn cho trẻ đang chưa được chú trọng?
Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Hiện nay, trong nhà trường có chương trình đào tạo kỹ năng sống. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện còn thấp do trường học có quá nhiều môn, chưa xem giáo dục kỹ năng sống là bộ môn quan trọng. Do vậy, các trường chỉ mới dành rất ít giờ học lồng ghép, thiếu giáo trình, thiếu giáo viên, giảng dạy còn sơ sài...
Vậy theo ông phía nhà trường cần thực hiện điều này như thế nào để có hiệu quả?
Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Hiện tại Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang tiến hành cải cách tạo sự thay đổi trong việc giáo dục kỹ năng sống, không chỉ đơn thuần phòng tránh tai nạn giao thông như trước đây. Giai đoạn 2020-2022, Bộ đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống các trường học xây dựng Kế hoạch, dạy học bơi, phòng tránh đuối nước cho đến kỹ năng phòng tránh các loại thương tích khác cũng đang được quan tâm./.
Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Emdep.vn
Diễn biến vụ việc:
Trưa 31/12/2022, bé Hạo Nam cùng 3 người bạn vào công trình cầu Rọc Sen, Phú Lợi, Thanh Bình, Đồng Tháp để nhặt sắt. Không may bé bị rơi vào trụ bê tông đường kính 25cm, đóng sâu 35m xuống đất.
Ban đầu, cha của bé và lực lượng địa phương đã thả dây xuống giải cứu nhưng không hiệu quả do đường kính trụ quá nhỏ, bé không xoay xở được.
Tiếp đó, lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp có mặt. Nước cùng oxy được chuyển xuống để cho Hạo Nam dùng nhưng bé không uống nước.
Đầu tiên, lực lượng cứu hộ tính dùng khoan làm mềm đất xung quanh trụ rồi cẩu ống trụ bê tông lên. Tuy nhiên, vẫn không thể giải cứu được cháu bé.
Ngày 2/1, lực lượng công binh quân khu 9 đã mang theo thiết bị tới hiện trường thực hiện cứu hộ.
Ban chỉ huy cứu hộ đã đưa ra nhiều phương án khác nhau, nhưng phương án được đưa ra là đóng xuống một lồng thép đường kính 1,6m, dài 19m bọc quanh ống cọc bê tông.
Theo phương án này, lực lượng cứu hộ dùng khoan guồng xoắn khoan xuống làm tơi đất bên trong lồng rồi hút ra ngoài. Khi đạt độ sâu cần thiết sẽ lồng cáp vào đoạn óng bê tông rồi dùng thiết bị kéo lên.
Theo một thành viên ban chỉ huy cứu hộ tại hiện trường, các bộ ngành, các chuyên gia đã đưa ra khoảng 10 phương án để chạy đua với thời gian, giải cứu bé Hạo Nam. Cuối cùng, ban chỉ huy họp bàn, chọn phương án được xem là tốt nhất, đó là đóng xuống một lồng thép đường kính 1,6m, dài 19m bọc quanh ống cọc bê tông.
Nếu thành công, sau khi kéo được ống trụ lên mặt đất, lực lượng cứu hộ sẽ cưa, cắt ống bê tông để cứu bé Hạo Nam.
Thế nhưng, càng khoan xuống sâu thì gặp đá cứng và đất sét chặt nên phương án này khó khăn.
Tối 4/1, cơ quan chức năng thông báo bé Hạo Nam đã tử vong. Hiện nay, thi thể của bé vẫn chưa đưa được lên khỏi ống bê tông. Mọi người và gia đình vẫn đang chờ đợi.
Thành Công
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất