Hãi hùng cảnh nam sinh ngã sõng soài vì vướng phải dây diều khi đi trên đường quốc lộ
Tin liên quan
Những trường hợp "tai bay vạ gió" khi đang lưu thông trên đường luôn khiến người xem kinh hãi bởi không ai có thể lường trước được. Mới đây, mạng xã hội đăng tải cảnh nam sinh đang đi trên đường quốc lộ thì bất ngờ ngã đổ ra đường.
Theo camera hành trình ghi lại, vụ việc diễn ra vào khoảng 16 giờ 40 phút ngày 8/4 đoạn giao giữa Quốc lộ 18, hầm chui thành phố Bắc Ninh hướng đi Nội Bài. Khi đang đi ở làn trong cùng, chiếc xe máy do nam sinh điều khiển bị đổ. May mắn các xe phía sau đều đang đi chậm, nên đã tránh được va chạm. Sau cú ngã, nam sinh trên bị thương nhẹ, sức khỏe ổn định, không ảnh hưởng nghiêm trọng.
Được biết, vụ tai nạn được xác định là do dây diều của người dân buộc gần đó đã rơi xuống, chắn ngang đường và vướng vào xe máy của nam sinh trên và các phương tiện khác.
Nam sinh đi xe máy bị ngã do vướng dây diều, thật may không ảnh hưởng tới tính mạng
Thả diều ở những nơi có xe cộ qua lại, có cây xanh, cột điện luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Thế nhưng hiện nay chưa có quy định liên quan đến việc cấm thả diều gần các tuyến đường giao thông mà chủ yếu cấm thả diều trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện, làm xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
Dây diều thả ở những nơi có phương tiện qua lại, vướng vào cây xanh hay cột điện luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Chia sẻ trên báo SKĐS, luật sư Vũ Quang Bá cho biết hiện nay, theo quy định pháp luật trò chơi thả diều chỉ được ghi nhận rải rác trong một số văn bản như Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định về các hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng. Trong đó, hành vi thả diều ở khu vực sân bay, khu vực cấm bị xem là hành vi bị cấm thực hiện. Người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Về lĩnh vực điện lực, có ghi nhận quy định về hành vi vi phạm quy định về an toàn điện tại Nghị định 134/2013/NĐ-CP. Theo đó, hành vi thả diều gây sự cố lưới điện người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài các quy định nêu trên, chưa có quy định nào khác điều chỉnh về việc thả diều.
Dây diều mảnh và sắc nên khi vướng, mắc vào người đi đường, với lực gió của con diều hoàn toàn có thể dẫn đến thương tích. "Do đó, theo quan điểm của tôi, trong một số trường hợp dây diều vướng, mắc vào người đi đường dẫn tới tai nạn giao thông hoặc gây thương tích cho người khác, thì người thả diều được xác định có lỗi vô ý. Từ đó, họ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn theo quy định Bộ luật dân sự năm 2015. Đối với các trường hợp thả diều tại các khu vực cấm, mà dẫn tới tai nạn cho người khác thì ngoài việc bồi thường thiệt hại, người thả diều còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư nhấn mạnh.
Thu Trang
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất