Giờ vào học quá sớm, phụ huynh mất ngủ theo con cái, thay đổi muộn hơn liệu có nên?

2022-10-21 14:41
- Nhiều phụ huynh than thở giờ vào học như hiện tại là quá sớm, song để thay đổi muộn hơn nó có thể kéo theo nhiều vấn đề và cần phải có sự tính toán.

Mệt mỏi vì con vào học quá sớm

Có 2 con đang học tiểu học, mỗi buổi sáng, chị Mai Chi (Hà Nội) cũng vật vã với chuyện gọi các bé dậy đi học. Trẻ con đang tuổi ngủ tuổi chơi, dù hôm trước có cho con ngủ sớm thì hôm sau vẫn "chứng nào tật nấy", gọi mãi không chịu dậy. Với chị Mai Chi, buổi sáng là một nỗi ám ảnh, không chỉ có chuyện chuẩn bị đồ ăn sáng mà còn sự mè nheo, khóc lóc của con. 

Giờ học buổi sáng của 2 đứa con lúc 7h15', cho nên ít nhất 7h sáng, chị và chồng đã phải đứa 2 bé đến lớp. Chưa kể trước đó là vô số công đoạn, vệ sinh cá nhân, ăn sáng, chuẩn bị quần áo... Tuy nhiên, vất vả nhất vẫn là chuyện gọi con dậy đi học.

"Vào ngày cuối tuần, 2 con của tôi ngủ dậy lúc 8h-8h30' sáng, các bé không hề khóc lóc, mè nheo. Cho nên, tôi thấy, nếu giờ học bắt đầu khoảng 8h -8h30' sáng sẽ là hợp lý thì chỉ cần gọi con dậy lúc 7h. Với giờ học như hiện nay, tôi phải gọi con dậy lúc 6h-6h15. Mùa hè thì còn đỡ, mùa đông đúng là cực hình. Các con quay ngang, quay dọc, gọi mãi cũng phải mất 30 phút mới dậy được. Chưa kể dậy rồi cũng mè nheo một lúc mới chịu vệ sinh cá nhân rồi ngồi vào bàn ăn. Hôm nào vội quá thì vợ chồng tôi cho con ăn ngay trên ô tô hoặc mang đồ ăn vào lớp", chị Mai Chi than thở.

Vất vả nhất là với các gia đình có con vừa vào lớp 1. Bởi nền nếp của bậc mầm non và tiểu học là khác nhau. Khi con học tiểu học, chuyện nghỉ hay đi học đôi khi có thể linh động, còn khi con đã vào lớp 1, khung giờ giấc đều thay đổi. Phụ huynh  phải tự thay đổi theo sự thích nghi của con ở môi trường mới.

Chị Nguyễn Nga (sống ở Long Biên, Hà Nội) bắt đầu vào làm ở văn phòng lúc 9h sáng. Con trai của chị mới vào lớp 1, bắt đầu học từ 7h sáng. Điều đó có nghĩa là buổi sáng chị phải dậy cùng con lúc 6h sáng để chuẩn bị từ quần áo, sách vở, đồ ăn cho bé. Ban đầu, chị Nga cảm thấy mệt mỏi vì giấc ngủ buổi bị ảnh hưởng nhưng phải chấp nhận vì không còn cách nào khác.

"Chồng tôi công tác xa, nhà chỉ có 2 mẹ con, không có giúp việc và hỗ trợ của ông bà. Năm ngoái, con học mầm non thì tôi đưa bé đến trước khi đi làm 30 phút, tức khoảng 8h đến 8h30'. Bây giờ, con học lớp 1, giờ giấc đã thay đổi, vào học lúc 7h sáng nên tôi cũng mệt mỏi theo. Chưa kể, mỗi sáng gọi con dậy lúc 6h30 cũng là một quá trình vất vả. Hôm nào 2 mẹ con cũng cuống cuồng. Sau khi chở con đến trường xong, tôi cũng phải lòng vòng ăn sáng rồi đến văn phòng, vì nếu về nhà lại mất công lên xuống lấy xe rất mệt mỏi", chị Nga phân trần.

Không chỉ học sinh phổ thông mà với sinh viên đại học, dậy sớm cũng là nỗi mệt mỏi. Quỳnh Nga (sinh viên đại họch ở Hà Nội) bày tỏ: "Em ở trọ cách trường gần 10km. Mỗi sáng phải dậy sớm không phải vì vào học lúc 7h30' mà còn phải chờ xe buýt. Giờ cao điểm buổi sáng, đón được xe buýt rất vất vả, xe chật ních người. Nếu không dậy sớm, ra bến chờ thì có thể phải 9-10h sáng mới có thể đến trường, lỡ cả buổi học. Sáng nào mỗi khi thức dậy cũng là áp lực với em, suy nghĩ giữa có đi học hay ở nhà".

Bất cập nếu cho trẻ vào học muộn?

Ở một góc nhìn khác, không ít phụ huynh cho rằng, hiện tại, thời gian vào học của nhiều trường là sớm nhưng nếu thay đổi muộn hơn cũng kéo theo bất cập với thời gian đi làm của cha mẹ.

"Có nhiều phụ huynh kinh doanh riêng, họ có thể chủ động thời gian, hoặc có một số văn phòng vào làm lúc 9h sáng. Tuy nhiên, như cơ quan tôi và nhiều công ty khác, bắt đầu giờ làm lúc 8h sáng, nếu như đổi giờ học của con thành 8h-9h cũng khó có thể kịp. Vì đưa con đi học xong lại vội vã chạy đến công ty, chắc chắn sẽ muộn. Còn trong trường hợp đổi sang 9h sáng còn bất cập hơn nữa. Cho nên, theo tôi vẫn phải chấp nhận như thế này để phù hợp cả cha mẹ và con cái", anh Đăng Duy (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Nhiều phụ huynh cho rằng, việc trẻ mè nheo buổi sáng, không chịu dậy đi học không phải là không có căn cứ và lý do. Thực tế có những gia đình quen nền nếp đi ngủ lúc 22h-23h nên trẻ sẽ không ngủ đủ giấc. Thay vì kêu ca phàn nàn, cha mẹ nên cho con đi ngủ lúc 21h tối. Điều đó có nghĩa cha mẹ phải bớt la cà quán xá buổi chiều, sắp xếp thời gian hợp lý để ăn tối cùng lịch học bài cho con để chậm nhất 21h30', trẻ đã được đi ngủ.

Chị Quỳnh Anh (sống ở Hải Phòng) cho rằng: "Theo khuyến cáo của nhiều tổ chức Y tế, trẻ trong độ tuổi từ 6-13 tuổi phải ngủ đủ tối thiểu 7-8 tiếng/ngày. Nếu như cho con ngủ sớm hơn từ 21h tối, thì đến 6h sáng đã được 9 tiếng. Còn nếu phụ huynh không rèn cho trẻ nền nếp ngủ sớm, chắc chắn trẻ thiếu ngủ, sẽ khiến cho buổi sáng thêm mệt mỏi kéo theo sự vất vả cho cha mẹ".

 

 Về vấn đề có nên cho trẻ vào học muộn hơn bây giờ, trả lời phỏng vấn VTV, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà: "Tôi nghĩ về mặt cảm xúc, không ai muốn con vội vàng. Đi trên đường, tôi có thể bắt gặp hình ảnh các cô bé, cậu bé ăn bánh mỳ ngồi trên xe là quen thuộc với tình cảnh hiện nay. Nhưng bất cứ sự thay đổi nào để khả thi cũng phải chuẩn bị việc nếu lùi thời gian học muộn hơn, trẻ ở trường nhiều hơn, kiến thức con học được và thời gian con ở trường sẽ ra sao? Các trường cũng cần chuẩn bị chỗ ăn, ở, sinh hoạt nghỉ ngơi cho các con, kéo theo đó là các thầy cô giáo đồng hành cùng các con nữa. Ở Việt Nam, với tình trạng giao thông như bây giờ, có chắc chắn con sẽ đến trường được hay không". 

Nói trên tờ Tiền Phong, TS Nguyễn Tùng Lâm (chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội) nêu quan điểm: "Tôi ủng hộ việc điều chỉnh lại giờ học cho phù hợp với nhịp sinh học của từng nhóm tuổi. Tuy nhiên, cấp học nào lùi giờ đến thời điểm nào thì cần phải có thêm các nghiên cứu khoa học để đưa ra các số liệu chính xác và thuyết phục"

Tiểu Quyên

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

3 cung hoàng đạo nổi tiếng kén cá chọn canh, dù nhiều người tán tỉnh nhưng vẫn chưa chịu gật đầu