Cô đồng bổ cau 'đúng nhận sai cãi' gây xôn xao MXH: Cơ quan chức năng nói gì?

2023-02-08 10:00
- Trước vụ việc cô đồng bổ cau "đúng nhận sai cãi" ở Hải Dương, cơ quan chức năng đã lên tiếng và cho rằng đây là hành vi truyền bá mê tín dị đoan cần phải xử lý.

Cô đồng bổ cau ở Hải Dương phán vanh vách bói toán về một vấn đề nào đó và chốt lại bằng câu "đúng nhận, sai cãi" đang gây xôn xao trên MXH.

Trong đoạn clip được chia sẻ, có thể thấy mỗi lần cô đồng T.H bổ cau là có thể nói vanh vách một vấn đề nào đó. Đặc biệt sau mỗi lần "phán", cô đồng T.H lại "chốt" một câu "đúng nhận sai cãi" khiến nhiều bạn trẻ khá thích thú. Cũng chính vì vậy, thời gian gần đây câu nói "đúng nhận sai cãi" đã trở thành một trào lưu mới trong giới trẻ.

Một loạt các video Tiktok cũng được ra đời với nội dung bắt chước lại hình ảnh của cô đồng T.H. Thậm chí nhiều bạn trẻ còn cover lại hình ảnh cô đồng với nhiều vật phẩm như bổ quả dưa, quả nhót, quả chanh... khiến dân mạng không khỏi "phấn khích".

Cô đồng bổ cau 'đúng nhận sai cãi' gây xôn xao MXH: Cơ quan chức năng nói gì?

Cô đồng T.H. bổ cau gây xôn xao khi xem bói với câu nói "đúng nhận sai cãi"

Liên quan đến vụ việc này, trên báo Dân Việt, lãnh đạo UBND thị xã Kinh Môn cho biết, đơn vị đang vào cuộc xác minh kiểm tra. Theo vị này: "Ngay sau khi có thông tin chính thức, chúng tôi sẽ báo cáo cụ thể bằng văn bản tới các cơ quan chức năng".

Trên báo Thanh Niên, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), cho biết pháp luật Việt Nam đã có những quy định rất rõ ràng về hành vi lợi dụng bói toán gây ảnh hưởng xấu đến người dân, gây ra những thiệt hại về người và của cải, thì sẽ bị xử phạt về hành chính hoặc xử lý hình sự, hoặc bị xử lý cả hành chính và hình sự.

Để có thể xác định rõ ràng hành vi của cá nhân trên, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng tại địa phương để khẩn trương xác minh, làm rõ.

Bà Hương cho hay: "Đáng chú ý, hành vi trên của người tự nhận là cô đồng T.H được thực hiện thông qua mạng xã hội nên việc lan truyền rất nhanh".

Lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở cho rằng, hiện nay các khái niệm mê tín dị đoan trong văn bản quy phạm chưa có. Tuy nhiên, từ góc độ nhà nghiên cứu thì đây là mê tín dị đoan vì là hiện tượng bói toán. Các cơ quan quản lý cũng cần có biện pháp ngăn chặn, loại bỏ các thông tin cổ xúy mê tín dị đoan kịp thời.

Xung quanh đến vấn đề này, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, hiện tượng bói toán, chiêm bái, đoán mộng, phán bảo điều này điều kia dưới góc độ thần thánh đã tồn tại hàng nghìn năm qua. Trước đây hoạt động này bị ngăn cấm, mấy năm gần đây nền kinh tế phát triển kéo theo một số hệ lụy tồn tại khiến lực lượng chức năng khó xử lý.

"Hiện tượng hầu đồng mấy năm qua cũng có mặt tích cực nhưng cũng có mặt hạn chế như mê tín, dị đoan. Mặt tích cực của hầu đồng đó là có thể giải thích bằng khoa học như là yếu tố tâm lý tác động vào cá nhân, xã hội cần được giải toả, giải phóng, có thể làm cho con người bớt đi nỗi ưu tư, bớt đi nỗi lo toan. Nếu vi phạm pháp luật về tuyên truyền mê tín dị đoan, các cơ quan chức năng nên xử lý về mặt hành chính. Bên cạnh đó, người dân phải cảnh giác qua phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức cho nhân dân", ông Đức nêu quan điểm.

Ni Trần (Tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


4 loại mặt nạ sẵn có trong nhà chăm sóc da khi trời nồm