Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2023

2023-04-01 16:31
- Các chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2023, bạn đọc cần biết.

Bổ sung bệnh COVID-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH

Thông tư số 02/2023/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực kể từ ngày 1/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, bệnh COVID-19 được bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm và hướng dẫn chẩn đoán, giám định. Bệnh COVID-19 là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.

Như vậy, danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm từ 34 bệnh, tăng lên thành 35 bệnh.

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2023:

Xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa

Thông tư 02/2023 của Bộ VH-TT&DL quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các cách xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 10-4 tới đây.

Thông tư mới quy định ba chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa bao gồm: Tuyên truyền viên văn hóa chính, tuyên truyền viên văn hóa, tuyên truyền viên văn hóa trung cấp.

Các chức danh nghề nghiệp nêu trên được áp dụng Bảng 3 - Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, ban hành kèm theo Nghị định 204/2004.

Cụ thể, tuyên truyền viên văn hóa chính được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A2, nhóm 2 (A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38; tuyên truyền viên văn hóa được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98; tuyên truyền viên văn hóa trung cấp được áp dụng ngạch lương của viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.

Thi tuyển công chức, đã đạt kiểm định đầu vào thì không phải thi vòng 1
Nghị định số 06/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức có hiệu lực từ 10/4/2023.

Theo Nghị định trên, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức áp dụng đối với người đăng ký tuyển dụng vào công chức thông qua hình thức thi tuyển.

Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức là hoạt động đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức tại cơ quan có thẩm quyền.

Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được tổ chức định kỳ 02 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm.

Hình thức kiểm định là thi trắc nghiệm trên máy vi tính. Nội dung kiểm định gồm: hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, quản lý hành chính Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức; kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử, đạo đức công vụ… và đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn.

Người dự tuyển trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên được xác định là đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đầu vào. Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ.

Việc tổ chức thi vòng 1 trong thi tuyển công chức tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP đến hết ngày 31/7/2024. Trong thời gian này, người đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào theo quy định tại Nghị định này khi tham gia thi tuyển công chức không phải thực hiện thi vòng 1 theo quy định tại khoản 1 Điều 8 và điểm a, điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP.

Kể từ ngày 1/8/2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định.

Thu Trang (tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bài tập vận động đơn giản tại nhà ngay trên giường ngủ